Nhìn thẳng - Nói thật

Không từ bỏ sẽ không vượt qua chính mình!?

Luật gia PHAN VĂN TÂN 03/12/2024 03:30

Chuyện “từ bỏ” thật quá khó, nhất là từ bỏ những tập quán, lề thói đã hằn sâu trong đời sống kinh tế - xã hội từ thủa xa xưa.

Báo chí thường xuyên có tin bài biểu dương tấm gương từ bỏ cách làm cũ để đạt lợi ích cao về kinh tế. Nhưng số tấm gương này hiện chỉ chiếm một tỷ lệ không đáng kể trong kinh tế nói riêng và trong xã hội nói chung. Bởi lẽ, từ lâu chuyện “từ bỏ” thật quá khó, nhất là từ bỏ những tập quán, lề thói đã hằn sau trong đời sống kinh tế - xã hội từ thủa xa xưa.

Đến nay, báo chí phản ánh đậm nét cuộc “Cách mạng tinh gọn bộ máy” theo Nghị quyết của Trung ương Đảng thì việc từ bỏ đã bước sang trang mới. Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết: Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả.

t2(1).jpg

Tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị "là vấn đề rất cấp bách, bắt buộc phải làm, càng làm sớm càng có lợi cho dân, cho nước vì đã nhiều Đại hội của Đảng từ các nhiệm kỳ trước từng đặt ra vấn đề này, đặc biệt là từ Đại hội XII đến nay. Điều đó cho thấy Đảng đã nhìn ra và thấy cần phải thực hiện nhưng quá trình triển khai chưa đạt mục tiêu đề ra. Đây thực sự là vấn đề khó, thậm chí rất khó vì khi tiến hành tinh gọn bộ máy sẽ liên quan đến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và đụng chạm tới lợi ích của một số cá nhân, tổ chức. Đây là phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18 ngày 1/12/2024.

Khó từ bỏ

Hơn cả năm nay, câu chuyện về nồng độ cồn rộ lên trên công luận và ngay tại diễn đàn kỳ họp Quốc hội cũng chỉ bới chuyện từ bỏ quá khó này. Riêng Báo Thanh Niên, chỉ cần nhấp vào chữ “nồng độ cồn” đã hiện ra khoảng ba chục bài báo về nội dung này. Không chỉ tại diễn đàn Quốc hội mà ngoài xã hội cũng bàn cãi sôi sục về chuyện này. Thậm chí, một nhà sử học phản đối gay gắt chuyện cấm này, đến mức trích bài thơ ở Tập Nhật ký trong tù “trong tù không rượu cũng không hoa” để biện minh rằng, không thể cấm, vì dân ta coi uống rượu là nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Tiếc thay, một sự nhầm lẫn tai hại của nhà sử học, làm gì có chuyện cấm rượu, mà chỉ cấm có nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông thôi!?

t1.jpg

Tranh cãi vô hồi kỳ trận quanh chuyện từ bỏ tập quán, thói quen gặp là phải vui, phải có rượu, dù là lễ tết hay ngày thường. Cuối cùng, Ủy ban thường vụ Quốc hội phải chốt lại: “cấm tuyệt đối nồng độ cồn để bảo vệ giống nòi” (Báo Thanh Niên ngày 22/05/2024). Và rồi, tại kỳ họp mới đây, Quốc hội phải tổ chức bỏ phiếu biểu quyết 2 phương án cấm tuyệt đối và không tuyệt đối nồng độ cồn. Ngày 27/6, tiếp tục kỳ họp 7 khóa XV, với 388/450 đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ (có hiệu lực kể từ 1/1/2025). Quốc hội thông qua luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, trong đó có quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe. Riêng một điều đó thôi cho thấy, chuyện từ bỏ thật quá khó. Nhưng đã có bao chuyện về chủ trương “từ bỏ” - từ chuyện rất xa xưa, đến chuyện nóng hổi gần đây – mà kết cục lại vẫn “đâu và đấy” mà thôi. Từ chủ trương các trường đại học phải “từ bỏ” nội thành chuyển đến khu Hòa Lạc từ mấy chục năm trước, từ thời của cố Thủ tướng Phan Văn Khải; rồi chuyện dãn dân khu phố cổ để ngăn ngừa nguy cơ ách tắc giao thông đến chuyện kiêng kị qui hoạch “đô thị nén” ở Hà Nội…

Lại nhớ, chính nhờ sự quyết tâm, kiên trì “từ bỏ” mà nhiều chủ trương phù hợp với qui luật khách quan đã gặt hái được thành công. Công cuộc đổi mới do Đảng ta phát động mấy chục năm qua đã đưa đất nước ta “từ bỏ” được mô hình kinh tế tập trung – quan liêu để chuyển hẳn sang nền kinh tế thị trường; công cuộc cải cách hành chính – tư pháp kéo dài mấy chục năm qua – và vẫn đang còn gặp nhiều ghềnh thác phía trước – đang giúp ta “từ bỏ” tệ nạn hành chính – quan liêu chuyển hẳn sang mô hình chính phủ điện tử - và việc khai trương cổng dịch vụ công trực tuyến mới đây là một bước ngoặt lớn. Nhưng, chuyện từ bỏ cái cũ, cái lạc hậu là chuyện quá khó, khiến Thủ tướng Chính phủ phải đưa ra chủ trương chống “vi rút trì trệ” đấy thôi.

Tùy tiện trong đời sống kinh tế - xã hội là thói quen phổ biến

Thoát thai từ một nền kinh tế tiểu nông tư hữu và trải qua mấy chục năm chiến tranh, lối ứng xử tùy tiện đã trở thành thâm căn cố đế trong mỗi người. Chiến tranh phải đánh du kích thì làm sao có luật lệ được! Sau chiến tranh lại trải qua bao năm khôi phục, rồi thời bao cấp kéo dài, … khiến nếp sống “tùy cơ ứng biến” đã trở thành thói quen không dễ gì thay đổi. Giờ đây, vỉa hè rất thường xuyên bị dùng làm đường cho xe máy chạy; đang chạy xe tự ý dừng giữa đường để nghe điện thoại hoặc tạt ngang đầu xe khác là hình ảnh nhìn thấy hàng ngày trên phố; rác trên tay có thể thải ra bất cứ ở đâu, bất cứ khi nào khiến vấn nạn rác thải tràn lan, làm cho môi trường ô nhiễm thành câu chuyện nhắc đến hàng ngày trên truyền hình, trên các phương tiện thông tin đại chúng. Những ngày gần đây, công luận lại bức xúc chuyện ô tô đỗ dừng và cả lùi trên cao tốc dẫn đến vụ án tai nạn chết người mà tòa loay hay xử mãi chưa xong, tất thẩy đều bắt người từ thói “đi ngang, về tắt” và tùy tiện ở nông thôn từ bao đời nay.

t3.jpg

Thậm chí, chuyện tùy tiện ứng xử giữa người làm nghề giáo với học sinh, kể cả hành vi xâm hại trẻ em, vẫn thường được phản ánh trên báo in và báo điện tử.

Người làm công chức, viên chức thường có thói quen làm theo “ý kiến chỉ đạo” của cấp trên, chứ mấy ai nhắc đến quyết định hay nghị quyết nào mà mình phải tuân theo. Việc hành xử tùy tiện ở nhiều cơ quan, tổ chức có phần diễn ra khá nhiều – khiến cho tình trạng oan sai trong giải quyết các công việc hành chính, dân sự, tư pháp cũng thường thấy – buộc các cơ quan thanh tra, kiểm tra làm đến mức quá tải đã được phản ánh trên công luận. Nghiêm trọng hơn, vì thế mà hàng loạt công chức đứng đầu UBND tỉnh hay Tỉnh ủy bị khổi tố, bắt giam quá nhiều trong mấy năm gần đây, cũng vì lối hành xử tùy tiện khi thi hành công vụ.

Đó chỉ là một trong vô vàn câu chuyện nói về việc từ bỏ tập quán, thói quen, sự tùy tiện trong đời sống kinh tế - xã hội ở nước ta là rất khó. Bởi lẽ, chúng ta quá quen lối ứng xử duy tình mà xa lạ với lối ứng xử duy lý trong đời sống kinh tế - xã hội từ ngàn đời nay. Chính vì thế, bên cạnh những thành tự của công cuộc đổi mới, cũng như sự nỗ lực trong tiến trình cải cách tư pháp, thì sự thiếu vắng tinh thần thượng tôn pháp luật trong cộng đồng, cũng như ngay tại các cơ quan hành pháp, tư pháp đang là một thực trạng đáng lo ngại. Tệ nạn đó khiến cho pháp luật được hoàn thiện, được ban hành nhiều, nhưng ít đi và cuộc sống – hay cũng có thể nói: tuy có pháp luật nhưng chưa thực sự có pháp chế.

Sức ép của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Đời sống của mỗi cá nhân hay của cộng đồng đều đỏi hỏi sự sáng tạo không ngừng để phát triển. Nhờ sự sáng tạo ấy mà ngày nay chúng ta được thụ hưởng biết bao thành tựu của công nghệ. Trên hành tinh của chúng ta, hiện tại con người không ai có thể rời khỏi tay chiếc smartphone – ngay cả khi đi bộ trên đường, khi ăn, khi ngủ… khiến các nhà sản xuất và nhà mạng luôn bội thu. Ở Việt Nam, một công ty bánh pía ở Sóc Trăng đã dùng rô bôt trong sản xuất thay cho người công nhân, ở nhiều nơi đã xuất hiện các smart home, smart city, rô bôt lau nhà, vv … Người dân trên khắp các vùng miền đang quen dần với việc làm các thủ tục hành chính qua cửa dịch vụ công trực tuyến. Đó là một tất yếu trước sức ép của cách mạng công nghiệp 4.0.

Rõ rệt hơn là công cuộc vận động thanh toán không dùng tiền mặt đã bước vào giai đoạn nước rút, với sự tham gia mạnh mẽ của cả hệ thông ngân hàng, góp phần triệt tiêu nhiều “tệ nạn” – kéo theo việc từ bỏ nhiều tập quán, thói quen bất lợi trong đời sống kinh tế - xã hội. Điều kỳ lạ và bất ngờ là đại dịch covid-19 khiến cho bao thói quen, tập tục buộc phải từ bỏ: các lễ hội tràn lan, vô bổ, tốn tiền và mất thời gian ở Việt Nam đã không còn bùng phát như mấy năm trước; các cuộc tụ tập, nhậu nhẹt tốn tiền bạc vốn trước đây tràn lan giờ chấm dứt, tạo điều kiện cho nhiều người ở nhà, vợ chồng có nhiều thời gian gần gũi nhau hơn; các trung tâm thu học phí của trẻ con đóng cửa hầu hết; vv … Cũng nhờ thế, mỗi cá nhân, mỗi tổ chức bắt buộc phải từ bỏ lối tùy tiện trong hành xử của mình, từ bỏ những tập quán, thói quen không còn phù hợp với thời đại công nghiệp 4.0.

Kiên trì từ bỏ lối hành xử duy tình

Lối hành xử duy tình đã hình thành từ bao đời nay, biểu hiện qua câu thành ngữ: “nhất thân, nhì thế, tam chế, tứ quyền”. Lối ứng xử này khiến bao chuyện đau lòng xảy ra cả trong lĩnh vực hành chính, dân sự, tư pháp. Những năm gần đây, nhiều vụ nổi cộm được phản ánh trên công luận việc các quan chức các cấp ký các văn bản hành chính môt cách tùy tiện, không phù hợp với qui định pháp luật, buộc phải xử lý. Lề lối hành xử này khiến nhiều quan chức nhà nước cấp cao vướng vào vòng lao lý. Không ít cục trưởng, thứ trưởng, bị tuyên án tù; không ít chủ tịch, phó chủ tịch một số tỉnh, thành phố -- kể cả thành phố lớn – phải ra tòa, vv… Bởi vậy, dù muốn hay không, chúng ta phải kiên trì từ bỏ lối hành xử duy tình, từ bỏ những tập quán, những thói quen không còn phù hợp để thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu đã đeo đẳng bao thập kỷ qua. Biết rằng rất khó, khi những thói quen, tập quán đã ăn sâu trong đời sống, nhưng nếu không từ bỏ thì không thể phát triển mạnh và bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập sâu rộng hiện nay. Khi mà trên thế giới này, đâu đâu cũng phải tuân thủ “luật chơi” – của riêng quốc gia hay chung của quốc tế - như các WTO, CPTPP, EUVFTA,…

t4.jpg

Ngày nay, công nghệ phát triển như vũ bão – các ứng dụng nở rộ trên toàn cầu (từ không dùng tiền mặt đến các thiết bị không người lái, …); đâu đâu cũng thấy chữ thông minh gắn liền với mọi thứ (từ canh tác đến thành phố, căn hộ, …). Bối cảnh đó buộc mọi người phải từ bỏ mọi thứ không còn phù hợp với điều kiện hiện nay. Cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị với 5 yêu cầu được Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo rất kịp thời và đúng cơ hội của thời đại công nghệ 4.0 hiện nay.

Trong bài viết của mình, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ: “…tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị nước ta tuy đã được đổi mới ở một số bộ phận, nhưng cơ bản vẫn theo mô hình được thiết kế từ hàng chục năm trước, nhiều vấn đề không còn phù hợp với điều kiện mới là trái với quy luật phát triển…”. Tổng Bí thư khẳng định phải xây dựng và tổ chức thực hiện trong toàn hệ thống chính trị mô hình tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Hệ thống này được thiết kế đúng, từng bộ phận của hệ thống rõ về chức năng, nhiệm vụ sẽ là tiền đề bảo đảm cả hệ thống gọn nhẹ, hoạt động tốt. Lần đầu tiên, người đứng đầu của Đảng chỉ rõ mô hình hệ thống chính trị nước ta vốn được thiết kế từ quá lâu, do đó có khá nhiều vấn đề không còn phù hợp. Không nhận thức đầy đủ như vậy sẽ rất khó có cách tiếp cận phù hợp để tạo ra sự thay đổi tương thích của hệ thống chính trị nước ta.

Cho nên, tất yếu phải từ bỏ cái cũ, đã không còn phù hợp. Bởi lẽ, không từ bỏ sẽ không vượt qua chính mình!?

Luật gia PHAN VĂN TÂN