24h

Đề xuất xe ôm phải có thẻ hành nghề: Lo “nhiêu khê”, không cần thiết

Khôi Nguyên 03/12/2024 04:00

Nêu quan điểm về đề xuất xe ôm phải có thẻ hành nghề, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng việc làm này không có nhiều ý nghĩa, chỉ “nhiêu khê”, thêm một thủ tục…

de-xuat-xe-om-phai-co-the-hanh-nghe-lo-nhieu-khe-khong-can-thiet-2.png
UBND TP Hà Nội đang lấy ý kiến người dân về dự thảo Quyết định việc sử dụng mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ để kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn. Trong đó, Hà Nội đề xuất xe ôm phải có thẻ hành nghề.

Theo đó, UBND TP Hà Nội đang lấy ý kiến người dân về dự thảo Quyết định việc sử dụng mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ để kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn.

Theo nội dung của dự thảo, những người điều khiển các phương tiện trên để chở khách (thường gọi xe ôm) hay hàng hóa phải đăng ký với UBND phường, xã, thị trấn để xác nhận đóng dấu vào "thẻ hoạt động vận chuyển". Thẻ này do tổ chức, cá nhân tự in ấn theo mẫu. Quy định dự kiến được xem xét ban hành trong năm 2024 và có hiệu lực ngay khi được ký.

Dự thảo nêu rõ, người hành nghề xe ôm hay chở hàng hóa khi hoạt động phải mang theo các giấy tờ, gồm: Đăng ký xe; giấy phép lái xe (nếu điều khiển mô tô hai bánh); giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực; CMND hoặc CCCD còn hiệu lực; thẻ hoạt động vận chuyển đúng theo quy định.

Đối với UBND xã, phường, thị trấn, ngoài việc đóng dấu xác nhận thẻ hoạt động và lập danh sách đơn vị vận tải, người điều khiển phương tiện thì cơ quan này còn được giao bố trí vị trí đón trả khách cho xe ôm và xếp dỡ hàng hóa cho xe gắn máy, xe thô sơ tham gia kinh doanh.

UBND TP Hà Nội cho biết luôn khuyến khích cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ thành lập các tổ chức hợp tác xã, hội nghề nghiệp để giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong quá trình hoạt động.

de-xuat-xe-om-phai-co-the-hanh-nghe-lo-nhieu-khe-khong-can-thiet-1.jpg
Nêu quan điểm về đề xuất xe ôm phải có thẻ hành nghề, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, việc làm này không có nhiều ý nghĩa, chỉ “nhiêu khê”, thêm một thủ tục.

Bình luận về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Việt Nam cho rằng, việc quản lý bằng thẻ hành nghề phải đồng bộ với đăng ký kinh doanh. Người ta đăng ký kinh doanh bằng ngành nghề mới có cơ sở quản lý việc cấp giấy phép hành nghề.

"Nhưng thực tế các loại hình đang vận hành dưới dạng kinh tế chia sẻ, thời gian nhàn rỗi người ta chạy thêm để có thêm thu nhập. Các quy định pháp luật về kinh doanh cũng chưa bắt buộc người kinh doanh nhỏ phải đăng ký kinh doanh", ông Quyền nói.

Chuyên gia này cũng băn khoăn không rõ đề xuất của Hà Nội thiên về mục đích đảm bảo quản lý về kinh doanh hay đảm bảo an toàn giao thông. Điều kiện để được hành nghề phải trải qua tập huấn, có tác động về quản lý để nâng cao an toàn giao thông thì cần thiết.

Việc cấp thẻ phải có mục tiêu rõ ràng và có tác động quản lý từ phía cơ quan chuyên môn để nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo an toàn giao thông. Nhưng nếu như dự thảo, ai đang hành nghề đến phường, xã đăng ký để được cấp thẻ, thì không có nhiều ý nghĩa mà lại thêm một thủ tục, ông Quyền nói.

Đồng quan điểm, TS Phan Lê Bình, Trưởng đại diện văn phòng tư vấn OCG, Nhật Bản phân tích, nếu theo dự thảo này để được phép hành nghề xe ôm, các lái xe phải xin cấp một "thẻ hành nghề" tại các xã, phường, tuy nhiên, việc này gây ra nhiều khó khăn, nhất là đối với những người lái xe ôm từ các tỉnh khác lên Hà Nội để hoạt động.

"Việc yêu cầu cấp giấy phép hành nghề này không rõ ràng về mục đích, đối với dịch vụ xe ôm công nghệ, các vấn đề như kiểm tra bằng lái, mua bảo hiểm đã được các hãng thực hiện. Do đó, việc đòi hỏi thêm giấy phép hành nghề chỉ tạo thêm rào cản hành chính, gây khó khăn cho những người lái xe ôm, đa số có thu nhập thấp", TS Phan Lê Bình, Trưởng đại diện văn phòng tư vấn OCG, Nhật Bản nhận định.

Được biết, đây không phải lần đầu tiên UBND TP Hà Nội đưa ra đề xuất này. Trước đó vào cuối 2019, tại Dự thảo “Quy định về quản lý và sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, môtô hai bánh và các loại tương tự để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn thành phố Hà Nội” do Sở Giao thông Vận tải xây dựng có nội dung: Người hành nghề vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe môtô hai bánh và các loại xe tương tự trên địa bàn thành phố phải mang biển hiệu (thẻ hoạt động vận chuyển) do cơ quan có thẩm quyền cấp tại vị trí ngực áo bên trái.

Trong đó quy định rõ, người hành nghề vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ phải đủ 15 tuổi trở lên, có sức khỏe bảo đảm điều khiển xe an toàn; hiểu biết quy tắc giao thông đường bộ. Những người này phải đăng ký với Ủy ban Nhân dân phường, xã, thị trấn để được cấp biển hiệu hoạt động (thẻ hoạt động vận chuyển)...

Dự thảo cũng quy định, nếu nghỉ không hành nghề từ 30 ngày trở lên thì người vận chuyển phải gửi lại phù hiệu cho đơn vị quản lý. Nếu mất phải có công văn báo mất có xác nhận của công an cấp xã, phường, thị trấn và báo cáo cho đơn vị quản lý biết để được hướng dẫn cấp lại biển hiệu.

Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, những quy định trên (dự kiến áp dụng từ 1/1/2021) sẽ giúp tạo nếp sống, thói quen đi lại văn minh, hiện đại cho người thủ đô, nâng cao chất lượng dịch vụ của các loại hình vận tải bằng xe thô sơ, môtô theo hướng an toàn, giảm tai nạn, ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên sau đó quy định đã không được thực hiện.

Khôi Nguyên