Kinh tế địa phương

Quảng Nam tìm hướng giải quyết tình trạng “khát” vật liệu xây dựng

Tuấn Vỹ 03/12/2024 00:11

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam yêu cầu các bên liên quan sớm đẩy nhanh đấu giá, quản lý chặt chẽ việc khai thác khoáng sản phục vụ các dự án lớn trên địa bàn.

Tại kết luận mới nhất, ông Lê Văn Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhìn nhận thực tế ở nhiều địa phương, nguồn cung vật liệu đất, đá, cát phục vụ thi công các công trình, dự án đang khan hiếm, đặc biệt là cát xây dựng. Vấn đề này gây ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện các công trình và tiến độ giải ngân vốn đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh, nhiều nơi đơn vị thi công phải mua vật liệu với giá cao hơn so với giá được cơ quan chức năng công bố.

cat.jpg
Những năm về trước, cát xây dựng tại Quảng Nam thường được vật chuyển đi tiêu thụ nhiều tại các địa phương lân cận.

Cũng thông tin từ ông Lê Văn Dũng, công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động khoáng sản của các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương còn nhiều tồn tại, bất cập. Đặc biệt, thời gian giải quyết các thủ tục về đầu tư, môi trường, cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản còn kéo dài, một số vướng mắc chậm được giải quyết, tháo gỡ, gây ách tắc nguồn cung ứng vật liệu đất, đá, cát ra thị trường

“Trong thời gian đến, các ngành chức năng liên quan và các địa phương phải quán triệt, chỉ đạo cán bộ, công chức của cơ quan, đơn vị tăng cường hơn nữa trách nhiệm trong thực thi công vụ, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tham mưu giải quyết kịp thời các hồ sơ, thủ tục để sớm đưa các mỏ vào khai thác, khơi thông nguồn cung, đáp ứng kịp thời vật liệu phục vụ thi công các công trình và phục vụ nhu cầu của Nhân dân. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác và kinh doanh khoáng sản theo đúng quy định pháp luật”, Chủ tịch Quảng Nam chỉ đạo.

Dứt khoát về thủ tục hành chính, ông Dũng yêu cầu trong quá trình giải quyết các hồ sơ, thủ tục, các cơ quan, địa phương được gửi lấy ý kiến phải có văn bản trả lời trong thời gian không quá 07 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị. Nếu quá thời hạn quy định mà cơ quan được hỏi ý kiến không có văn bản trả lời thì xem như đã thống nhất và cùng chịu trách nhiệm.

Đối với những điểm mỏ khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường trước đây có trong Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản được UBND tỉnh phê duyệt, đã cập nhật, tích hợp trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND các địa phương có trách nhiệm rà soát, lựa chọn các điểm mỏ đảm bảo điều kiện và khai thác thuận lợi. Đồng thời, phải lập thủ tục bổ sung Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của cấp huyện (nếu chưa có) và khẩn trương tổ chức họp dân vùng dự án, công bố công khai thông tin về quy hoạch, chủ trương đưa ra đấu giá, khai thác khoáng sản và quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác.

ad51c723d1722f2c7663.jpg
Tình trạng khan hiếm cát xây dựng đã khiến nhiều dự án đội vốn, ngưng thi công vì nhà thầu sợ lỗ.

Đặc biệt, các địa phương phải điều tiết một phần nguồn thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản ngân sách cấp huyện được hưởng theo phân cấp để hỗ trợ cho địa phương vùng dự án đầu tư nâng cấp, duy tu, sửa chữa các công trình hạ tầng kỹ thuật, xây dựng các công trình phúc lợi,... Để giải quyết bài toán “khát” cát xây dựng, ông Dũng yêu cầu các bên liên quan sớm đề xuất đưa ra đấu giá đối với các điểm mỏ cát trên địa bàn huyện Đại Lộc và một số điểm mỏ cát trên địa bàn các huyện, thị xã: Duy Xuyên, Điện Bàn để đáp ứng kịp thời nguồn cung vật liệu cát xây dựng thi công các công trình, dự án và nhu cầu của nhân dân.

Để phòng chống gian lận trong đấu giá, Chủ tịch Quảng Nam nhấn mạnh trường hợp có dấu hiệu bất thường thì thông báo ngay cho các cơ quan chức năng để kiểm tra, điều tra, xác minh, xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Qua đó, ksiên quyết ngặn chặn và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá có hành vi vi phạm theo quy định.

“Để chuẩn bị nguồn vật liệu phục vụ thi công dự án nâng cấp, mở rộng các Quốc lộ 14D, 14G,…, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND các huyện liên quan nghiên cứu, đề xuất khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với các điểm mỏ phù hợp quy hoạch và thông tin cho cơ quan liên quan của Bộ Giao thông vận tải được biết để khảo sát, cập nhật vào hồ sơ dự án đầu tư khi triển khai thực hiện”, ông Lê Văn Dũng yêu cầu.

Theo ghi nhận của phóng viên, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam xuất hiện tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng, đặc biệt là các loại hình cát xây dựng, đất san lấp. Việc này đã dẫn đến việc giá vật liệu xây dựng tăng cao suốt nhiều tháng, doanh nghiệp, nhà thầu “khóc ròng” vì lỗ tại các dự án đang thi công.

Các ngành, các địa phương tại Quảng Nam đã tổ chức nhiều cuộc kiểm tra, thanh tra hoạt động khai thác khoáng sản của các tổ chức được cấp phép trên địa bàn tỉnh. Qua thanh tra, kiểm tra, các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khoáng sản đã được chấn chỉnh, xử lý theo quy định.

Đặc biệt là đã xuất hiện tình trạng cố ý nâng giá “khống” tại cuộc đấu giá tại điểm mỏ ĐB2B tại xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn lên đến 370 tỉ đồng (mức giá khởi điểm 1,2 tỉ đồng). Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho rằng các doanh nghiệp có mục đích “phá” cuộc đấu giá, gây nhiễu loạn thị trường hoặc có biểu hiện lợi dụng tham gia đấu giá để các tổ chức, cá nhân khác phải thương lượng nhằm trục lợi.

Tuấn Vỹ