Khởi nghiệp

Khởi nghiệp thành công nhờ đưa nông sản đi xa

Minh Huệ 03/12/2024 07:30

Bằng cách riêng của mình, anh Hồ Việt Hoàn ở Gia Xuyên - Hải Dương, đã làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, với việc đưa nông sản đi xa.

Từ thất bại đến ông “trùm”

Ở Hải Dương có một thương gia buôn nông sản được ví như ông trùm khi mỗi ngày cung cấp ra thị trường trong và ngoài nước từ 350-400 tấn rau, củ, quả. Đó là anh Hồ Việt Hoàn - Giám đốc doanh nghiệp Hoàng Nam Phát. Anh Hoàn được ví là trùm buôn nông sản lớn nhất ở Hải Dương hiện tại.

Chia sẻ về hành trình khởi nghiệp của mình, anh Hồ Việt Hoàn cho biết: Trước khi theo nghề này, tôi từng sang trời Tây bươn chải với ước mơ làm giàu nhưng thất bại. Về lại quê hương mới thấy có rất nhiều cơ hội xung quanh mình, chẳng cần đi đâu xa song phải thực sự mạnh dạn, quyết tâm".

1(3).jpg
Hoàng Nam Phát là doanh nghiệp là một chuỗi liên kết khép kín giữa nông dân và doanh nghiệp

Anh Hoàn cho biết thêm, năm 2005, tôi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội. Sau khi ra trường tôi ở lại Hà Nội với công việc của một kỹ sư cầu đường. Thu nhập cũng được khoảng 10 triệu đồng/tháng nhưng chi phí ăn ở, đi lại đắt đỏ nên cũng chẳng tích luỹ được gì. Có tháng, bố mẹ tôi còn phải gửi tiền lên để trang trải cuộc sống.

Khát vọng làm giàu đã thôi thúc anh nghỉ việc về nhà xin bố mẹ được đi xuất khẩu lao động sang nước Anh vào năm 2008. Nhưng "xứ sở sương mù" cách quê nhà hơn 10.000 km chẳng như những gì đơn vị môi giới hứa hẹn. Ở nơi xứ người, công việc thất thường, thu nhập gần như chỉ đủ để anh chi phí cho cuộc sống. Sau gần 1 năm, anh Hoàn lại ngậm ngùi về nước.

Sinh ra và lớn lên gắn bỏ với vùng đất Hải Dương, nơi người dân chủ yếu sống bằng nghề nông, tôi luôn trăn trở làm thế nào để giàu lên trên chính mảnh đất quê hương mình. Lúc đó, tôi nghĩ vẫn phải làm cái gì đó chứ không đầu hàng. Tôi suy tính nhiều thứ lắm, còn dự định mở nhà hàng ăn uống. Một hôm tôi chợt nhận ra bao năm nay cơ sở thu mua nông sản của gia đình vẫn hoạt động hiệu quả. Thế là tôi đề đạt nguyện vọng lên bố mẹ để được tiếp nối nghề này.

Bà Lương Thị Kiểm - PGĐ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Anh Hoàn là một thương nhân lớn trong lĩnh vực nông sản với số lượng hàng hoá rất khủng. Gần như ngày nào cơ sở của cậu ấy cũng xuất đi hàng chục xe container. Hàng ngày các xe lớn nhỏ chở Cà rốt, cải bắp, su lơ trắng... đóng gói thành từng kiện lớn, được xe nâng hạ đưa lên thùng container. Những chiếc xe tải từ 2-15 tấn lại chở hàng từ các nơi về tập hợp tại đây.

Đưa nông sản địa phương đi xa

Ngay từ khi khởi nghiệp, anh Hoàn đã xác định cần phải đi chậm, chắc, lấy chất lượng, uy tín làm kim chỉ nam cho sự phát triển bền vững. Anh Hoàn chia sẻ: Công việc ngày càng thuận lợi khi tôi dần hình thành được mối quan hệ gắn bó với một số đối tác lớn. "Tôi bắt đầu trăn trở làm sao phải đưa nông sản của quê hương sang nhiều nước để nâng tầm giá trị và khuyến khích sản xuất. Tôi chính thức quyết định đưa nông sản quê hương đi xa. Năm 2015, những chuyến hàng nông sản đầu tiên của gia đình tôi đã đến với thị trường Đài Loan, Malaysia, mở ra một con đường mới trong chiến lược kinh doanh", anh Hoàn chia sẻ.

anhhuea.jpg
Anh Hồ Việt Hoàn khởi nghiệp từ nông sản

Năm 2019, tôi thành lập doanh nghiệp Nam Hoàng Phát, hiện cơ sở đã xây dựng chuỗi liên kết, ký hợp đồng trồng, bao tiêu rau màu, cây ăn quả với một số đơn vị hợp tác xã và khoảng 140 hộ dân ở nhiều tỉnh, thành phố như: Hải Dương, Thái Bình, Hưng Yên, Nam Định, Bắc Ninh, Sơn La, Điện Biên và Hải Phòng. Tất cả những đơn vị, hộ dân này đều đang có cánh đồng rộng từ 1-100 ha/hộ.

Được biết, tất cả các nông sản anh Hoàn đặt ra cho các đối tác là phải cam kết thực hiện nghiêm việc làm đất, sử dụng giống, trồng, chăm sóc các loại rau màu, cây ăn quả theo đúng quy trình VietGAP, GlobalGAP đã được hợp tác xã tập huấn, hướng dẫn. Đổi lại, hợp tác xã thu mua đúng giá đã ký kết với các hộ từ đầu vụ, bảo đảm nếu xảy ra tình trạng "cung vượt cầu" thì nông dân vẫn có lãi.

Mở rộng, thực hiện nghiêm túc việc liên kết trong phát triển vùng nguyên liệu giúp doanh nghiệp làm chủ "cuộc chơi" vì luôn bảo đảm lượng hàng hoá phục vụ thị trường liên tục, không chịu phụ thuộc bởi yếu tố mùa vụ tại một địa phương nhất định. Việc này còn tạo công việc, thu nhập ổn định, giúp nông dân tự tin, làm ra sản phẩm hàng hoá bằng cái tâm vì cộng đồng mà không còn lo tình trạng "được mùa mất giá".

Hiện, mỗi ngày doanh nghiệp cung cấp ra thị trường trung bình từ 350-400 tấn rau, củ, quả. Lượng nông sản trên đang được hợp tác xã phân phối theo 4 "mũi nhọn". Trong đó, có khoảng 60% số lượng hàng xuất khẩu sang một số nước như Trung Quốc, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc. 30% cung cấp cho hệ thống các đại siêu thị như AEON, LotteMart, WinMart và các chợ đầu mối khắp 3 miền Bắc - Trung – Nam. 10% còn lại cung cấp cho các bếp ăn khu công nghiệp, trường học.

Toàn bộ sản phẩm của Hoàng Nam Phát cung cấp chủ yếu cho hệ thống siêu thị Big C, Winmart, trung tâm thương mại Aeon Mall và các chợ đầu mối. Dự kiến đầu tháng 12, doanh nghiệp sẽ tập trung cho thị trường xuất khẩu với các loại nông sản chính là cải bắp, su lơ, cà rốt, cải thảo... được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.

Điều quan trọng nữa là nông sản tạo ra luôn đạt được các tiêu chí mẫu mã đẹp, chất lượng, an toàn đối với sức khoẻ người tiêu dùng, phù hợp với chiến lược xuất khẩu của hợp tác xã, rộng hơn là góp phần thực hiện chủ trương xây dựng nông nghiệp xanh, bền vững, đa tầng, đa giá trị.

Anh Hoàn cho rằng sản xuất, kinh doanh nông sản cũng là một "cuộc chơi" khắc nghiệt, tiềm ẩn đầy rủi ro. Không ít doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã phá sản. Hoàng Nam Phát làm ăn được như hôm nay cũng đã phải trải qua rất nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, bằng tâm huyết, uy tín, cam kết trách nhiệm với chính nông dân và người tiêu dùng đã giúp đơn vị hoạt động hiệu quả, bền vững. Các đối tác khách hàng của hợp tác xã từ các nước nhiều lần trực tiếp sang thăm vùng nguyên liệu, khu chế xuất của hợp tác xã. Họ rất hài lòng, tin tưởng và mong muốn tiếp tục mở rộng hợp tác.

Được sự hỗ trợ tích cực của tỉnh, Hoàng Nam Phát hiện đã có 8 sản phẩm được gắn sao OCOP như cải bắp, cà rốt, dưa hấu, chuối... Những mặt hàng này đã và đang bán ra thị trường nhiều nước, góp phần nâng cao giá trị, hình ảnh nông sản của Việt Nam. Dự kiến doanh nghiệp sẽ sớm xây dựng thêm một khu chế xuất rộng khoảng 20.000 m2 và mở rộng liên kết ra các tỉnh thành.

Khởi nghiệp thành công đã giúp anh Hoàn hiện thực hóa ước mơ làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, từ tài nguyên bản địa. Doanh nghiệp anh đang tạo việc làm thường xuyên cho 30 -50 lao động với thu nhập từ 8-12 triệu/người/tháng. Đặc biệt, từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau, doanh nghiệp phải huy động khoảng 250 lao động mới giải quyết được khối lượng công việc đặt ra.

Với một người đam mê nông sản sạch thì con đường để đi đến thành công chưa dừng lại ở đó, anh Hoàn chia sẻ: Tôi vẫn muốn đưa nhiều các sản phẩm nông nghiệp sạch của quê hương vươn ra thị trường nước ngoài.

Tôi đang nỗ lực cùng với các cộng sự không ngừng phấn đấu, đầu tư thời gian, công sức, kinh phí để thực hiện. Trong hành trình đó, tôi mong nhận được sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành tạo điều kiện về vốn, về các phương thức tiếp thị mở rộng thị trường…

Minh Huệ