Nghiên cứu - Trao đổi

Điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh: Không thể chờ lộ trình sửa Luật

Bài: Gia Nguyễn - Ảnh: Quốc Tuấn 04/12/2024 04:30

Để đảm bảo đời sống người nộp thuế trong bối cảnh chờ lộ trình sửa đổi Luật, nhiều ý kiến cho rằng, ngay trong năm 2025 cần sớm điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh...

Mới đây, Bộ Tài chính đã chính thức xin lấy ý kiến góp ý rộng rãi về việc sửa đổi những bất cập của Luật Thuế thu nhập cá nhân. Nội dung đề xuất cần xem xét sửa đổi lần này bao gồm các quy định liên quan đến thu nhập chịu thuế; thu nhập được miễn thuế; cơ sở tính thuế và phương pháp xác định số thuế phải nộp đối với một số khoản thu nhập; biểu thuế suất thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công; mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc…

som-dieu-chinh-muc-giam-tru-gia-canh-03.12.1.jpg
Bộ Tài chính đã chính thức xin lấy ý kiến góp ý rộng rãi về việc sửa đổi những bất cập của Luật Thuế thu nhập cá nhân - Ảnh minh họa

Theo cơ quan này, Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết quả nghiên cứu, rà soát và đề xuất xây dựng Dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế). Bên cạnh đó, Chính phủ đã đề nghị đưa vào Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025), thông qua tại kỳ họp thứ 11 (tháng 5/2026).

Lộ trình sửa đổi những bất cập của Luật đã rõ, tuy nhiên, một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận hiện nay đó là việc nâng mức giảm trừ gia cảnh để đảm bảo phù hợp với cuộc sống thực tế của người nộp thuế. Đáng nói, đây là việc đã được không ít các chuyên gia, đại biểu kiến nghị suốt thời gian qua, Chính phủ, Quốc hội đã có những chỉ đạo xem xét, tuy nhiên, cho đến nay, vấn đề này vẫn chưa được giải quyết.

Thực tế, theo các chuyên gia, nếu lấy 2007 là năm gốc - thời điểm ban hành Luật Thuế thu nhập cá nhân, chi tiêu và thu nhập của người dân đã tăng nhiều lần so với tốc độ tăng của giảm trừ gia cảnh. Cụ thể, năm 2008, thời điểm Luật thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực, mỗi người bình quân tiêu khoảng 792.000 đồng.

Tuy nhiên, đến năm 2022, con số này tăng 3,5 lần là gần 2,8 triệu, theo khảo sát của Tổng cục thống kê với gần 47.000 hộ dân ở các xã, phường đại diện cả nước. Trong khi mức chi tiêu mỗi người dân gấp 4-5 lần so với thời điểm 2008, lương tối thiểu tăng 6-7 lần thì giảm trừ gia cảnh chưa bằng ba lần.

som-dieu-chinh-muc-giam-tru-gia-canh-03.12.2.jpg
Tuy nhiên, liên quan đến mức giảm trừ gia cảnh, không ít ý kiến cho rằng, việc chờ sửa luật theo lộ trình mới điều chỉnh là quá muộn - Ảnh minh họa

Và trước thực tế đã nêu, nhiều ý kiến cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh đã quá lạc hậu, cần phải được điều chỉnh ngay cho phù hợp với thực tế cuộc sống của người nộp thuế, chứ không thể chờ đến khi Luật Thuế thu nhập cá nhân thay thế.

Nhìn nhận về vấn đề đã nêu, đại biểu Tạ Văn Hạ – Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, các cử tri và đại biểu Quốc hội đã nhiều lần lên tiếng khẳng định mức giảm trừ gia cảnh đã lạc hậu, không đáp ứng thực tế cuộc sống. Do đó yêu cầu phải sớm điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp.

Theo đại biểu, ngay khi Quốc hội bàn về vấn đề nâng mức lương cơ sở từ ngày 01/7 vừa qua (lên 2,34 triệu đồng), các đại biểu Quốc hội và người dân cũng đề nghị phải điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh do liên quan trực tiếp đến cuộc sống người dân.

Lẽ ra ngay khi đó đã phải có sự ưu tiên, quan tâm nhất để có phương án. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa thực hiện sửa đổi, điều chỉnh nội dung này. Bộ Tài chính mới đây thông tin phải đến tháng 10/2025 mới trình Quốc hội sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân, trong đó có mức giảm trừ gia cảnh, và phải đến tháng 5/2026 mới thông qua, thực hiện từ năm 2027. Dù đúng với chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đề ra nhưng so với yêu cầu thực tiễn là chậm, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.

“Tôi cho rằng Chính phủ, Bộ Tài chính nên nghiên cứu lại việc này. Đây là vấn đề cấp bách từ thực tiễn đặt ra, không nên để hai kỳ họp mà cần tích cực nghiên cứu và trình Quốc hội quyết trong một kỳ họp sẽ tốt hơn”, đại biểu chia sẻ.

Đồng thời cho rằng, vừa qua một số vấn đề cấp bách cần sửa đổi trong các luật cũng đã được trình xem xét thông qua một kỳ họp như: Luật sửa đổi một số luật liên quan tài chính và đầu tư, Luật Điện lực sửa đổi... điều này cũng có thể xem xét áp dụng đối với việc sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân để có thể sớm sửa giảm trừ gia cảnh...

Còn theo Luật sư Trần Xoa - chuyên gia thuế, nếu đợi đến năm 2026 sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân rồi mới điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc thì quá muộn. Trong khi Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo cần phải điều chỉnh kịp thời để giảm bớt khó khăn, hỗ trợ cho người dân.

Do đó, vị chuyên gia này cho rằng, thay vì chờ đợi Quốc hội sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân thì Bộ Tài chính có thể trình Chính phủ xem xét ban hành nghị quyết điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh áp dụng ngay đầu năm 2025.

Đồng quan điểm, một số ý kiến cũng cho hay, ai cũng biết quy định CPI tăng từ 20% trở lên mới điều chỉnh giảm trừ gia cả, nhưng tình hình kinh tế - xã hội đã thay đổi rất nhiều khiến quy định này không còn phù hợp. Các đại biểu Quốc hội hay nhiều bộ, ngành đã nhận thấy mức giảm trừ gia cảnh hiện tại quá lạc hậu nên mới kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi nhiều lần trong thời gian qua. Chính phủ hoàn toàn có thể trình Quốc hội sửa đổi các quy định bất hợp lý này sớm hơn thay vì chờ sửa đổi Luật.

Bài: Gia Nguyễn - Ảnh: Quốc Tuấn