Kinh tế

Cần làm gì để phát triển kinh tế xanh?

Yến Nhung 04/12/2024 04:00

Để phát triển kinh tế xanh, cần triển khai các chiến lược toàn diện, kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng chính sách và nâng cao nhận thức của doanh nghiệp.

Biến đổi khí hậu đang diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh hơn, nghiêm trọng hơn, trở thành một trong những vấn đề cấp bách toàn cầu. Biến đổi khí hậu đã và đang làm thay đổi toàn diện và sâu sắc quá trình phát triển và an ninh toàn cầu, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và mọi mặt của đời sống xã hội. Vì thế, phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang là vấn đề bức thiết của tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đây là xu thế của toàn thế giới và phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn đã và đang được nhiều quốc gia hướng tới.

kinh-te-xanh-2.png
Phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang là vấn đề bức thiết của tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam - Ảnh: ITN

Chia sẻ về vấn đề này, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, các nghiên cứu chỉ ra rằng, Việt Nam là quốc gia có mức độ phát thải CO2 trên tăng trưởng GDP cao trong khu vực Châu Á.

“Để phát triển kinh tế xanh, trước hết cần giảm phát thải khí nhà kính. Hiện nay Bộ Công thương đang có những chương trình để tính toán mức độ phát thải của từng ngành, từng lĩnh vực, để từ đó đưa ra các chỉ số giảm phát thải cần đạt cho mỗi ngành, hướng tới chuyển đổi sản xuất, xanh hóa các hoạt động kinh doanh dịch vụ”, TS Nguyễn Quốc Việt chia sẻ.

Cùng quan điểm, theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, thời gian qua có nhiều doanh nghiệp đã và đang lấy sản xuất, kinh doanh xanh là chiến lược và lợi thế cạnh tranh. Nhiều tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp lớn cũng nhanh chóng vào cuộc, đẩy mạnh chuyển đổi xanh phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế các-bon thấp, hướng tới mục tiêu Net Zero.

Tuy nhiên, sự thay đổi này chủ yếu diễn ra ở khối doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn nước ngoài, trong khi đó số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm khá nhiều nhưng chưa quan tâm thích đáng, chưa có chuyển biến rõ nét. Vì vậy, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách của Ðảng, Chính phủ về phát triển kinh tế xanh, thời gian tới các doanh nghiệp cần quyết tâm chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa, nâng cao trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.

“Ngoài ra, cần sớm có những chính sách ưu đãi để khuyến khích các doanh nghiệp đang sử dụng công nghệ lạc hậu, không thân thiện với môi trường chuyển sang công nghệ tiên tiến, góp phần nâng cao sản xuất, tiết kiệm nguyên liệu, đáp ứng tiêu chuẩn của nền kinh tế xanh”, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh.

Để tạo động lực đầu tư cho các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp FDI nói riêng, Việt Nam cần chính sách ổn định, tổng thể và thống nhất - Ảnh minh họa: ITN
Để phát triển kinh tế xanh, cần triển khai các chiến lược toàn diện, kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng chính sách và nâng cao nhận thức của doanh nghiệp - Ảnh: ITN

Bên cạnh những vấn đề đã nêu, ông Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Viện trưởng Viện Quy hoạch và Phát triển cho biết, có nhiều chuyên gia cả trong nước và quốc tế tỏ vẻ ngạc nhiên khi Việt Nam cam kết tại COP 26 sẽ đạt mục tiêu phát thải ròng - Net Zero vào năm 2050, trong khi không ít quốc gia khác có trình độ phát triển kinh tế ngang tầm với chúng ta đẩy mốc Net Zero lùi về 2060.

"Đây không phải là nhiệm vụ bất khả thi nếu chúng ta tập trung huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là trí lực", ông Đông nhấn mạnh.

Theo đó, ông Đông đưa ra đề xuất, Việt Nam cần bắt đầu bằng việc quy hoạch đô thị ưu tiên giao thông công cộng, hạn chế giao thông cá nhân, hạn chế dần và đi đến cấm xe chạy xăng, dầu trong đô thị. Việc quy hoạch nhà máy xử lý rác thải đô thị theo mô hình phân tán, ứng dụng công nghệ khí hóa, sẽ giúp giảm phát thải hàng trăm triệu tấn khí nhà kính mỗi năm.

Ngoài ra, việc quy hoạch kiến trúc các khu đô thị ứng dụng công nghệ tiên tiến để giảm tiêu thụ điện năng và gián tiếp giảm phát thải CO2. Ví dụ, tính toán hướng gió, hướng mặt trời hợp lý có thể giảm 2 - 3 độ C vi khí hậu đô thị, tương đương với việc giảm hàng tỷ kWh điện dùng cho điều hòa. Hay, ứng dụng công nghệ làm mát trung tâm cho cả khu phố, khu đô thị có thể giảm 40 - 50% lượng điện tiêu thụ so với điều hòa độc lập.

“Việc quản lý quy hoạch, giao thông, chất thải rắn, nước thải với những công nghệ hiện hữu sẽ góp phần giảm hàng trăm triệu tấn CO2 mỗi năm. Trên cơ sở đó, Việt Nam có cơ sở để tin tưởng rằng mục tiêu Net Zero vào năm 2050 theo cam kết quốc tế là khả thi”, ông Đông chia sẻ.

Yến Nhung