Thị trường

TP HCM: Giá căn hộ "leo thang" khi các dự án tái khởi động

Vi Anh 04/12/2024 03:00

Sau nhiều năm “đắp chiếu” do vướng pháp lý, loạt dự án bất động sản tại TP HCM đã được tháo gỡ và chuẩn bị mở bán trở lại với mức giá tăng cao so với trước đây.

Thị trường bất động sản TP HCM đã dần phục hồi nhưng tốc độ còn chậm.
Nhiều dự án bất động sản tại TP HCM được gỡ vướng pháp lý, chuẩn bị tái khởi động.

Giải “cơn khát” về nhà ở

Điển hình như dự án Gem Riverside, nằm trên khu đất 6,7 ha tại quận 2 cũ (nay thuộc TP Thủ Đức) do Tập đoàn Đất Xanh làm chủ đầu tư. Dự án nay đổi tên thành DatXanhHomes Riverside, dự kiến xây 12 toà tháp, cung cấp khoảng 3.200 căn hộ. Tương tự, dự án Lavida Plus của Công ty Quốc Cường Gia Lai tại quận 7 cũng tái khởi động sau nhiều năm đình trệ do gặp vướng về pháp lý.

Việc các dự án được tái khởi động là tín hiệu tích cực cho thị trường địa ốc, không chỉ giúp các chủ đầu tư tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh mà còn giải “cơn khát” về nhà ở cho người dân. Dù vậy, việc tái khởi động cũng được VARS cho là điều không hề dễ dàng.

VARS cho rằng, trong quá trình tái khởi động các dự án bị “đắp chiếu”, các doanh nghiệp cần có chiến lược linh hoạt, chấp nhận lợi nhuận thấp hoặc hoà vốn để xử lý dứt điểm các tồn động. Việc ưu tiên ổn định bộ máy hoạt động thay vì tối đa hoá lợi nhuận trong ngắn hạn được xem là hướng đi bền vững.

Việc áp dụng bảng giá đất mới sẽ làm tăng chi phí sử dụng đất, khiến giá nhà ở sẽ tiếp tục leo thang
Giá bán một số dự án tái khởi động dự kiến tăng cao so với thời điểm trước đây

Bên cạnh đó, việc tìm kiếm đối tác cùng đồng hành cũng là một phương án tốt, giúp doanh nghiệp giảm áp lực về tài chính. Thậm chí, nếu kết hợp được với các đối tác chất lượng, rất có thể sẽ mở ra nhiều hướng đi mới. Lúc đó bài toán về lợi ích kinh tế sẽ có cơ hội được đảm bảo hơn.

Giá bất động sản "leo thang"

Dù việc mở bán trở lại là tín hiệu vui cho nguồn cung thị trường bất động sản TP HCM, giá bán hiện nay lại đang trở thành mối quan tâm lới đối với người mua nhà. Một số dự án ghi nhận mức tăng giá gấp đôi, thậm chí gấp ba so với giai đoạn trước.

Dự án Gem Riverside là ví dụ điển hình, khi mở bán lần đầu năm 2018 với giá khởi điểm 33 triệu đồng/m2 nhưng sau đó phải tạm dừng do vướng mắc pháp lý. Đến tháng 9 vừa qua, dự án đã được cấp giấy phép xây dựng, dự kiến sẽ hoàn thành phần móng và mở bán vào quý 1/2025. Hiện Đất Xanh đang đàm phán với hơn 300 khách hàng cũ (đã ký thoả thuận mua nhà từ 2019) để điều chỉnh giá bán theo mức giá mới.

Nhiều môi giới dự báo rằng mức giá bán mới của dự án sau khi tái khởi động sẽ không dưới 100 triệu đồng/m2, tăng gấp 3 lần so với trước đó. Theo chia sẻ của đại diện Đất Xanh, việc điều chỉnh từ phân khúc trung cấp lên cao cấp để phù hợp với hạ tầng khu vực là yếu tố chính khiến giá đẩy lên cao hơn.

Hay như dự án của công ty Quốc Cường Gia Lai tại quận 7 cũng ghi nhận mức tăng giá từ 33 triệu đồng/m2 (năm 2018) lên trung bình 55 triệu đồng/m2. Tại quận 6, dự án D-Homme của chủ đầu tư DHA Corporation với quy mô 1 toà tháp cao 30 tầng và khoảng 500 căn hộ, cũng được mở bán trở lại trong quý 3/2024. Giá bán ban đầu từ 55 triệu đồng/m2 nhưng hiện đã lên đến khoảng 70 triệu đồng/m2 trên các sàn giao dịch bất động sản.

Theo CBRE Việt Nam, các dự án như D-Homme, D-Aqua, Lavida Plus đều ghi nhận mức tăng giá sơ cấp từ 10 – 30% so với giai đoạn trước đây. Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt - Giám đốc Bộ phận Tiếp thị dự án nhà ở tại CBRE Việt Nam cho biết, các dự án bị đình trệ kéo dài thường chịu áp lực chi phí tài chính lớn bao gồm lãi vay, chi phí cơ hội và chi phí đầu tư tăng cao… buộc các chủ đầu tư phải nâng giá bán để bù đắp.

Báo cáo thị trường mới đây của Bộ Xây dựng chỉ ra rằng, giá căn hộ chung cư tại Hà Nội và TP HCM ở cả dự án mới và cũ tiếp tục tăng. Trung bình giá sơ cấp tăng 4-6% theo quý và 22-25% theo năm. Một số khu vực giá bán tăng cục bộ 35-40% chỉ trong vài tháng.

Ông Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho biết, chính việc thị trường địa ốc thiếu hụt nguồn cung khiến giá nhà không ngừng tăng. Hiện vẫn còn nhiều dự án gặp khó khăn về gỡ vướng pháp lý nên không thể triển khai xây dựng. Bên cạnh đó, câu chuyện quỹ đất và chi phí phát triển dự án cũng khiến giá nhà khó giảm dù ở phân khúc nào.

“Nhiều chủ đầu tư không thể điều chỉnh giá thấp hơn, do chi phí đầu vào tăng, buộc họ phải bán cao. Tuy vậy, các nhà phát triển dự án cũng cần tính bài toán về thanh khoản thị trường, bởi khi giá tăng thì giao dịch bị ảnh hưởng do khó bán”, ông Khương nói.

Vi Anh