Công nghệ

Doanh nghiệp Hải Dương tăng cường chuyển đổi số

Trung Thành 04/12/2024 00:30

Chuyển đổi số đã trở thành xu hướng tất yếu, giúp doanh nghiệp sản xuất nâng cao hiệu quả, năng suất, tiết kiệm chi phí và tăng doanh thu.

Đưa số hóa để tăng năng suất

Theo lãnh đạo Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại, trong năm 2024, đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp chuyển đổi số trong vận hành và quản trị doanh nghiệp. Công ty đã triển khai các giải pháp tự động hóa cho nhà máy điện như trang bị các hệ thống điều khiển, nâng cao tính năng để làm chủ trong quá trình vận hành, nâng cấp, bảo dưỡng, sửa chữa. Thu thập, quản lý và khai thác tự động, hiệu quả dữ liệu. Bảo đảm an toàn thông tin; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực về tự động hóa. Xây dựng kế hoạch hợp tác nghiên cứu và phát triển các hệ thống tự động hóa.

Đặc biệt, đơn vị đã triển khai nghiên cứu các công cụ, giải pháp tự động hóa kết hợp trí tuệ nhân tạo, từng bước áp dụng để hướng tới một hệ thống siêu tự động hóa.

2.png
Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại nghiên cứu giải pháp siêu tự động hóa

Trong giai đoạn tiếp theo, Công ty sẽ nghiên cứu các công cụ, giải pháp tự động hóa kết hợp trí tuệ nhân tạo, từng bước áp dụng để hướng tới một hệ thống tự động hóa thông minh trong tương lai.

Cụ thể như nghiên cứu ứng dụng và khai thác internet vạn vật công nghiệp hay IoT công nghiệp trong hệ thống mạng điều khiển công nghiệp; kết nối máy móc, cảm biến, máy tính và con người với nhau. Sử dụng các thuật toán, công nghệ phân tích dữ liệu tiên tiến thông minh để giúp đơn vị đưa ra các quyết định chính xác trong công tác quản lý. Trong đó, nghiên cứu, ứng dụng “nhà máy thông minh” vào sản xuất điện…

Điện lực Hải Dương cũng là một đơn vị đi đầu trong chuyển đổi số. Thơi gian qua, Công ty đang đẩy nhanh chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng. Công ty đã thực hiện chuẩn hóa thông tin, với mục tiêu trong năm 2024 toàn bộ thông tin về khách hàng sử dụng điện thuộc đơn vị quản lý được rà soát, cập nhật và chuẩn hóa trên Hệ thống thông tin khách hàng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Tới đây, ngoài 2 cách tiếp cận với dịch vụ điện là qua ứng dụng EVNNPC CSKH và Cổng dịch vụ công trực tuyến, khách hàng còn có thêm 1 kênh tra cứu, sử dụng các dịch vụ về điện trên hệ thống VNeID.

Ông Đào Quang Quán - PGĐ Điện lực Thanh Miện cho biết: Thời gian qua ngành điện lực đang đẩy nhanh chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng. Cụ thể, Điện lực Thanh Miện đang chỉ đạo nhân viên gặp từng khách hàng để tuyên truyền, vận động và hướng dẫn khách hàng cài đặt ứng dụng EVNNPC CSKH (Ứng dụng chăm sóc khách hàng của Tổng công ty Điện lực miền Bắc).

5(1).jpg
CBCNV Điện lực Chí Linh hướng dẫn khách hàng đăng ký trích nợ tự động thuận tiện và hiệu quả

Theo ông Quán, đơn vị ứng dụng chăm sóc khách hàng này giúp đơn vị phục vụ khách hàng được tốt hơn bởi mọi thông tin đều được minh bạch, công khai. Thông tin giữa đơn vị và khách hàng thường xuyên có sự tương tác, trao đổi, các dịch vụ sẽ được đẩy nhanh, thuận tiện hơn”.

Thúc đẩy sự tăng trưởng

Ông Nguyễn Tuấn Anh - Trưởng Bưu cục chuyển phát nhanh Best Express Bình An (TP Hải Dương) chia sẻ: Chỉ trong một thời gian ngắn sau khi sử dụng ứng dụng số, tệp khách hàng, đối tác của chúng tôi đã tăng lên 60% so với trước, từ đó gia tăng đáng kể doanh thu, nhất là các hoạt động kinh doanh trên môi trường số. Hoạt động theo hình thức nhượng quyền thương mại từ năm 2021, song những ngày đầu nhân viên thị trường của bưu cục nói trên phải sử dụng hình thức tiếp thị truyền thống.

Theo ông Tuấn, dù chúng tôi đã bố trí 15 người để mở rộng thị trường đối với 12 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, song hình thức tiếp thị trực tiếp không còn hiệu quả. Không ít cửa hàng, cơ sở sản xuất, kinh doanh đã chuyển sang online nên rất khó tiếp thị theo hình thức mặt đối mặt (face to face), vừa vất vả, hiệu quả lại thấp.

Nhận thấy kế hoạch tăng trưởng không thể thiếu yếu tố “số”, bưu cục trên đã đầu tư đường truyền internet cáp quang tốc độ cao để sử dụng đồng thời 2 ứng dụng quản trị. Toàn bộ dữ liệu khách hàng được đồng bộ thông tin liên hệ cũng như tài khoản trên mạng xã hội, giúp bưu cục trên hình thành nhiều kế hoạch tiếp thị linh hoạt. Nhu cầu của khách hàng sau đó được chuyển đồng bộ với nền tảng quản trị đơn hàng. Thị phần dần mở rộng, doanh thu năm 2023 của bưu cục này tăng 15% so với năm trước đó.

3(4).jpg
Giao dịch viên Điện lực Cẩm Giàng hướng dẫn khách hàng đăng kí nhận thông tin qua tin nhắn Zalo

Trong mảng thiết kế, quản trị nội dung số doanh nghiệp, Công ty CP Bosu (TP Hải Dương) có thời gian hoạt động gần như hoàn toàn trên môi trường mạng. “Trong lĩnh vực của chúng tôi, có thể nói thời kỳ kinh doanh, tiếp thị truyền thống đã qua. Nếu không tích cực trên môi trường số, chúng tôi sẽ bị thụt lùi, thậm chí bị đánh bật khỏi thị trường. 99% tệp khách hàng cũng như doanh thu của chúng tôi đến từ môi trường số, thông qua các nền tảng số tìm kiếm, quản trị thị phần”, anh Đỗ Văn Tùng, Tổng Giám đốc Công ty CP Bosu cho biết.

Với doanh nghiệp hoạt động chủ yếu trên môi trường mạng như Công ty CP Bosu (TP Hải Dương), ứng dụng số càng có vai trò quan trọng.

Không chỉ những mô hình nói trên, rất nhiều cơ sở, doanh nghiệp khác của Hải Dương đã và đang ứng dụng triệt để lợi ích từ kinh doanh trên nền tảng số, từ lĩnh vực nông nghiệp, kinh doanh, chuyển phát cho đến quản trị nội dung số, thiết kế website...

Có thể nói tất cả các chiến lược tăng trưởng, kế hoạch kinh doanh đều có yếu tố “số”. Theo số liệu tổng hợp từ Sở Thông tin và Truyền thông, năm 2023 tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của tỉnh ước đạt 17,5%.

Toàn tỉnh hiện có gần 175.000 hộ sản xuất nông nghiệp kinh doanh trên nhiều sàn thương mại điện tử đang hoạt động, xếp thứ 23/63 tỉnh, thành phố trên cả nước, với gần 1.200 sản phẩm của tỉnh được kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử; phát sinh gần 42.000 giao dịch trên sàn thương mại điện tử, xếp thứ 7 cả nước.

Để Hải Dương quyết liệt thực hiện chuyển đổi số, mới đây tại cuộc họp về thực hiện Đề án 06 và chuyển đổi số năm 2024, ông Lê Ngọc Châu - Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đã nhấn mạnh cần xác định rõ nhiệm vụ thực hiện, thời gian hoàn thành.

Theo ông Châu, phải thực sự thay đổi tư duy từ “làm thay, làm hộ” sang “hỗ trợ, hướng dẫn” để nâng cao kỹ năng số cho người dân, doanh nghiệp. Tập trung thực hiện có hiệu quả dịch vụ công trực tuyến để thay đổi thói quen sử dụng hồ sơ giấy sang sử dụng hồ sơ điện tử, từng bước hình thành công dân số, xã hội số.

Việc chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin năm 2025 khi được UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt phải khẩn trương. Không để xảy ra tình trạng chậm triển khai, phải chuyển nguồn hoặc bị thu hồi nguồn ngân sách đã giao gây ảnh hưởng đến tiến độ, yêu cầu về chuyển đổi số. Thủ trưởng các sở, ngành chịu trách nhiệm với Chủ tịch UBND tỉnh về nội dung trên.

Trung Thành