Kinh tế địa phương

Cà Mau hướng tới mục tiêu trở thành một trung tâm kinh tế biển của cả nước

Phương Anh 29/10/2024 23:47

Cà Mau đang tập trung phát triển kinh tế biển, hướng tới mục tiêu xây dựng và phát triển tỉnh Cà Mau trở thành một trung tâm kinh tế biển của cả nước.

Tiềm năng lớn

Cà Mau là tỉnh duy nhất của nước ta có 3 mặt giáp biển với chiều dài bờ biển 254 km; vùng biển rộng lớn với 03 cụm đảo gần bờ (Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Đá Bạc), là một trong 04 ngư trường trọng điểm của cả nước (80.000 km2) với nguồn lợi thủy sản phong phú, diện tích nuôi tôm lớn nhất nước (khoảng 300.000 ha).

Thuỷ sản được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, được quy hoạch trở thành trung tâm nuôi, đánh bắt và chế biến thuỷ sản. Sản lượng tôm của tỉnh Cà Mau lớn nhất cả nước với kim ngạch xuất khẩu hàng năm trên 01 tỷ USD. Các mặt hàng thuỷ sản của tỉnh đã có mặt trên 60 quốc gia, trong đó có những thị trường khó tính, như Nhật Bản, Mỹ và EU.

Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cùng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử khảo sát thực tế hình nuôi tôm công nghệ tuần hoàn, siêu ttại hộ ông Huỳnh Thái Nguyên, ấp Rau Dừa B, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước.
Lãnh đạo tỉnh Cà Mau khảo sát thực tế hình nuôi tôm công nghệ tuần hoàn tại xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước.

Tỉnh Cà Mau còn có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch sinh thái, phát triển năng lượng tái tạo (năng lượng gió, mặt trời, điện khí) và khu kinh tế biển.

Đặc biệt, vùng biển Cà Mau tiếp giáp với vùng biển Thái Lan, Malaysia, Indonesia, có nhiều cơ hội để phát huy các tiềm năng, thế mạnh cũng như cơ hội kết nối giao thương với các nước trên thế giới…

Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định: Xây dựng và phát triển tỉnh Cà Mau trở thành một trung tâm kinh tế biển của cả nước; đầu tư xây dựng Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, Khu kinh tế Năm Căn, Cảng sông Ông Đốc gắn với phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị ven biển; phát triển nuôi biển công nghệ cao, hiệu quả và bền vững; ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong bảo quản sau thu hoạch, chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm biển.

Quy hoạch cũng nhấn mạnh, phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ nguồn tài nguyên, môi trường sinh thái, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo; phát triển và quản lý bền vững kinh tế biển theo phương thức tổng hợp, quản trị biển dựa vào không gian, liên ngành với sự tham gia của các cộng đồng dân cư và doanh nghiệp.

Việc đầu tư Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, Khu kinh tế Năm Căn, cũng như thực hiện Đề án xuất khẩu điện tỉnh Cà Mau là những trọng tâm phát triển kinh tế biển được ưu tiên, đưa tỉnh trở thành một trung tâm kinh tế biển của cả nước.

606.jpg
Tỉnh Cà Mau ưu tiên thu hút đầu tư sản xuất, chế biến, phát triển chuỗi giá trị thủy sản.

Thủy sản vẫn là kinh tế mũi nhọn, xây dựng và vận hành trung tâm đầu mối gắn với vùng nguyên liệu về thủy sản góp phần đẩy mạnh sản xuất, chế biến, phát triển chuỗi giá trị. Phát triển nuôi biển công nghệ cao, hiệu quả và bền vững; ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong bảo quản sau thu hoạch, chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm biển…

Đồng bộ các giải pháp

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi cho biết, để phát huy tối đa tiềm năng và thế mạnh kinh tế biển, xây dựng và phát triển Cà Mau trở thành một trung tâm kinh tế biển bền vững của vùng và của cả nước, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng khu vực ven biển, bao gồm cả hạ tầng các đô thị ven biển, ưu tiên đầu tư xây dựng tuyến đường bộ kết nối tuyến giao thông hành lang ven biển liên kết vùng; các tuyến vận tải đường biển kết nối Cà Mau với các trung tâm kinh tế, khu kinh tế, các cụm đảo, tạo điều kiện phát triển kinh tế biển, kinh tế đảo.

Việc đầu tư Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai là một trong những trọng tâm phát triển kinh tế biển được ưu tiên, đưa tỉnh trở thành một trung tâm kinh tế biển của cả nước.
Việc đầu tư Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai là một trong những trọng tâm phát triển kinh tế biển được ưu tiên, đưa tỉnh Cà Mau trở thành một trung tâm kinh tế biển của cả nước.

Tỉnh cũng huy động các nguồn lực đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; hoàn thiện hệ thống thông tin tàu cá nhằm chủ động cảnh báo, kịp thời ứng phó rủi ro trên biển, cứu hộ, cứu nạn. Phát triển công nghiệp cơ khí, đóng, sửa chữa tàu, thuyền ở các cửa biển: Sông Đốc, Khánh Hội, Rạch Gốc; đồng thời, rà soát, triển khai đầu tư xây dựng các điểm, cụm công nghiệp: Tân Thuận, Rạch Gốc, Cái Đôi Vàm, Khánh Hội,… Tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung nhiệm vụ của Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Bên cạnh đó, tỉnh Cà Mau cũng tập trung tái cơ cấu khai thác thủy sản theo hướng bền vững. Tổ chức lại sản xuất khai thác hải sản trên biển, trên cơ sở cơ cấu lại tàu thuyền, nghề nghiệp phù hợp với các vùng biển, với môi trường tự nhiên và nguồn lợi hải sản. Hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân ven biển chuyển đổi nghề từ các hoạt động khai thác thủy sản có tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản, các nghề cấm khai thác sang các hoạt động bảo vệ, bảo tồn, ngành nghề du lịch, nuôi trồng thủy sản. Đầu tư hạ tầng sản xuất giống hải sản, vùng nuôi hải sản ven biển, đảo như: cá biển, nhuyễn thể và rong, tảo biển,...

Dự án nhà máy điện gió Tân Thuận 75MW tại xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi
Tỉnh Cà Mau tập trung phát triển năng lượng điện gió.

Cà Mau tập trung hoàn thiện các cơ chế chính sách, bổ sung quy hoạch điện gió, điện mặt trời phù hợp với điều kiện của tỉnh, đảm bảo tiết kiệm tài nguyên đất, tài nguyên biển, đảo. Triển khai thực hiện hiệu quả Đề án xuất khẩu điện tỉnh Cà Mau sau khi được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Tỉnh cũng tăng cường xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc; bảo đảm xử lý tốt các tình huống xảy ra không để bị động, bất ngờ; phát huy sức mạnh tổng hợp, giữ vững độc lập chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia trên biển.

Phương Anh