Quảng Nam kêu gọi đầu tư cho du lịch trong năm tới
Tỉnh Quảng Nam “chốt” lấy định hướng phát triển dịch vụ - du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, đa dạng sản phẩm, lên kế hoạch thu hút đầu tư xuyên suốt.
Ngành du lịch tăng trưởng khá
Theo báo cáo mới nhất của UBND tỉnh Quảng Nam, công tác tuyền truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch đa dạng và theo hướng phát triển du lịch xanh, bền vững thời gian qua được đẩy mạnh. Cụ thể, ngành du lịch địa phương đã chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, dịch vụ, tạo mới các sản phẩm, du lịch độc đáo, đáp ứng nhu cầu của các thị trường khách quốc tế nên ngành du lịch có nhiều khởi sắc, khách du lịch nội địa và quốc tế đều tăng.
Tại số liệu thống kê, tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch năm 2024 của Quảng Nam ước đạt hơn 8 triệu lượt khách, tăng 14% so với cùng kỳ và vượt 6% kế hoạch. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 5,5 triệu lượt khách và khách nội địa ước đạt hơn 2,5 triệu lượt. Doanh thu từ tham quan, lưu trú du lịch năm 2024 ước đạt 9,2 nghìn tit đồng, thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt hơn 21,6 nghìn tỉ đồng.
Thời gian qua, cơ sở vật chất hạ tầng du lịch tại Quảng Nam được nâng cấp và đầu tư xây dựng theo hướng hiện đại. Hệ thống khách sạn, các khu du lịch nghỉ dưỡng, điểm vui chơi giải trí và dịch vụ hỗ trợ ngày càng được mở rộng cả về số lượng và chất lượng, hiện toàn tỉnh có 966 cơ sở lưu trú du lịch với 18.497 phòng, có 105 đơn vị, doanh nghiệp lữ hành,… đảm bảo phục vụ đủ nhu cầu của du khách.
Để gia tăng sức hút với khách du lịch trong năm tới, mới đây Công ty CP Truyền thông và giải trí Phương Namđã đề xuất lãnh đạo tỉnh Quảng Nam phê duyệt chủ trương tổ chức Festival hành trình du lịch xanh tỉnh Quảng Nam năm 2025. Mục đích là để quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu rộng rãi đặc trưng du lịch của Quảng Nam đến đối tác, du khách trong nước và quốc tế.
Theo phía doanh nghiệp, các hoạt động chính sẽ bao gồm Lễ hội quốc tế trình diễn khinh khí cầu và dù lượn động cơ trên không; Diễn đàn tầm nhìn kinh tế du lịch Quảng Nam và phát triển, hội nhập quốc tế; Hội chợ quảng bá du lịch Quảng Nam. Ngoài ra sẽ còn có các Lễ hội ẩm thực toàn quốc; Tuần lễ thời trang du lịch quốc tế tỉnh Quảng Nam; Lễ hội bia - đồ uống quốc tế; Giải chạy Marathon quốc tế - Quảng Nam 2025; Lễ hội ánh sáng và chương trình ca múa nhạc bằng kỹ thuật Mapping 3D và bay 1.000 drone quốc tế trong đêm khai mạc lễ hội,...
Chú trọng thu hút đầu tư
Theo tỉnh Quảng Nam, thời gian tới địa phương sẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển song song ngành công nghiệp và dịch vụ, lấy định hướng phát triển dịch vụ - du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó, xây dựng vùng Đông Nam của tỉnh trở thành chuỗi đô thị - trung tâm dịch vụ, du lịch - công nghiệp sạch - nông nghiệp công nghệ cao; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử; phục hồi hệ sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trong du lịch, địa phương sẽ tập trung phát triển các loại hình du lịch, đặc biệt là thu hút các dự án du lịch cao cấp khu vực ven biển. Thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án đô thị, du lịch như Nam Hội An, dự án Khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl Quảng Nam,...
Đặc biệt là chú ý phát triển du lịch văn hóa và sinh thái mà trung tâm lan tỏa là hai di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn và Hội An. Kết nối phát triển du lịch với phát triển các ngành tiểu thủ công nghiệp, làng nghề và khu vực nông thôn.
Song song, Quảng Nam sẽ tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng du lịch, đặc biệt là tại các khu du lịch, điểm du lịch ven biển thuộc Hội An, Điện Bàn, Tam Kỳ, Núi Thành. Quảng Nam cũng có định hướng kêu gọi đầu tư nâng cấp khai thác sân bay Chu Lai, phát triển du lịch biển, đảo, du lịch sinh thái, du lịch văn hoá, du lịch cộng đồng và khôi phục, phát triển các làng nghề và bảo vệ môi trường, đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước
Tại Chương trình kỷ niệm 25 năm Khu đền tháp Mỹ Sơn trở thành Di sản văn hóa thế giới, ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Mỹ Sơn phải có hành động, lộ trình cụ thể. Cụ thể, phải có sự liên kết, hợp tác với các di sản văn hóa thế giới trong nước và doanh nghiệp du lịch nhằm thúc đẩy phát huy hiệu quả giá trị di sản.
“Đồng thời, cần tạo điều kiện cho người dân xung quanh di sản được hưởng lợi nhiều hơn nữa. UBND tỉnh cam kết đồng hành với Mỹ Sơn, làm cho Mỹ Sơn rực rỡ hơn, không những đón nhiều khách mà còn phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể”, ông Bửu nói.
Ở góc độ nhà đầu tư du lịch, ông Nguyễn Vĩnh Trân – Tổng Giám đốc Phát triển Dự án Hoiana Resort & Golf cho hay đơn vị đã đầu tư khu nghỉ dưỡng phức hợp hàng đầu Châu Á. Đến nay, dự án đã hoàn thành giai đoạn 1 với các hạng mục khách sạn 5 sao quốc tế, với hơn 1200 phòng nghỉ cao cấp, sân gôn18 hố thuộc top 100 sân gôn tốt nhất châu Á, một trong những casino lớn nhất Việt Nam và 20 nhà hàng phục vụ ẩm thực quốc tế.
Thông tin từ vị này, trong 9 tháng đầu năm 2024 khu nghỉ dưỡng đã đón hơn 160.000 lượt khách, trong đó 80% là khách quốc tế. Con số này phản ánh tín hiệu tích cực của ngành du lịch và sức hút mạnh mẽ của du lịch Quảng Nam.
Theo ông Trân, để đáp ứng nhu cầu du lịch mới mẻ và tăng cường trải nghiệm cho du khách, Quảng Nam cần tập trung vào việc đổi mới các sản phẩm du lịch. Đặc biệt là phát triển các loại hình du lịch thể thao quốc tế và các hoạt động giải trí sôi động trên biển.
“Những ý tưởng này không chỉ giúp gia tăng thời gian lưu trú mà còn tạo điểm nhấn độc đáo, thu hút khách du lịch đến Quảng Nam”, ông Nguyễn Vĩnh Trân đề xuất.