Ô tô - Xe máy

Tín chỉ các-bon: Giải pháp giảm phát thải cho giao thông Việt Nam

Thanh Trà 04/12/2024 12:15

Tín chỉ các-bon mở ra cơ hội lớn giúp giao thông vận tải Việt Nam giảm phát thải, thúc đẩy các dự án xanh và đạt mục tiêu phát triển bền vững.

Cơ hội từ tín chỉ các-bon

Ngành giao thông vận tải hiện là một trong những lĩnh vực phát thải khí nhà kính lớn tại Việt Nam. Theo kiểm kê khí nhà kính năm 2016, ngành này phát thải khoảng 35 triệu tấn CO2 tương đương, chiếm 11% tổng phát thải quốc gia. Dự báo đến năm 2030, nếu không có các giải pháp hiệu quả, con số này có thể tăng lên 88 triệu tấn CO2 tương đương, đặt ra những thách thức lớn trong nỗ lực giảm phát thải và ứng phó với biến đổi khí hậu.

3-loi-ich-cua-thị-truong-tin-chi-carbon (1)
Giao thông vận tải là một trong những ngành phát thải khí nhà kính nhiều nhất tại Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Hội nghị COP29 gần đây đã đạt được thỏa thuận quan trọng về tài chính khí hậu, bao gồm các quy tắc cho thị trường carbon toàn cầu. Điều này mở ra cơ hội lớn để các quốc gia, trong đó có Việt Nam, tham gia giao dịch tín chỉ các-bon nhằm thúc đẩy đầu tư vào các dự án xanh và giảm phát thải khí nhà kính.

Tại Việt Nam, Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh trong giao thông vận tải đã đề ra mục tiêu đầy tham vọng: 100% phương tiện giao thông đường bộ sử dụng điện hoặc năng lượng xanh vào năm 2050. Trong đó, xe máy – loại phương tiện chiếm tới 90% tổng số phương tiện cá nhân cả nước – đóng vai trò trọng yếu trong quá trình chuyển đổi.

Một trong những sáng kiến tiêu biểu là dự án thí điểm tín chỉ các-bon trong giao thông vận tải. Được thực hiện với sự hỗ trợ của UNDP và nhà sản xuất xe máy điện Selex Motor, dự án đã hoàn tất quy trình thẩm định quốc tế theo Tiêu chuẩn Vàng (Gold Standard). Đây là tiền đề vững chắc để phát triển các dự án giao thông phát thải thấp trong tương lai. Bên cạnh việc góp phần giảm lượng khí nhà kính, các dự án tín chỉ các-bon còn tạo ra lợi ích kép, bao gồm thúc đẩy việc chuyển đổi sang sử dụng phương tiện xanh, nâng cao nhận thức cộng đồng và thu hút đầu tư vào các giải pháp giao thông bền vững.

Thách thức và triển vọng phát triển

Việc phát triển các dự án tín chỉ các-bon trong giao thông vận tải không chỉ đòi hỏi nguồn lực tài chính lớn mà còn yêu cầu một chiến lược dài hạn và bài bản. Tại hội thảo tổng kết Dự án “Phát triển dự án tín chỉ các-bon thí điểm trong lĩnh vực giao thông vận tải” diễn ra vào sáng ngày 3/12, ông Nguyễn Tiến Hải, chuyên gia kỹ thuật tại Công ty Quản lý PoA Carbon cho rằng thị trường tín chỉ các-bon đang không ngừng thay đổi với các quy định và cơ chế mới. Do đó, việc cập nhật thường xuyên là yếu tố then chốt để đảm bảo tính hiệu quả và phù hợp của dự án.

DSC00186 (1)
Chuyên gia kỹ thuật tại Công ty Quản lý PoA Carbon Nguyễn Tiến Hải cho rằng các dự án tín chỉ các-bon cần thường xuyên cập nhật.

Các dự án cũng cần được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu khả thi kỹ lưỡng, bao gồm xác định tiêu chuẩn, phương pháp luận, chi phí liên quan và lợi ích kinh tế – môi trường cụ thể. Trong bối cảnh này, việc đàm phán sớm với các đối tác tiềm năng về giá cả và thời điểm giao dịch tín chỉ cũng là bước quan trọng để đảm bảo nguồn lực thực thi.

Một trong những yếu tố then chốt khác là thiết lập hệ thống giám sát toàn diện nhằm theo dõi tiến độ, đảm bảo dự án tuân thủ các yêu cầu quốc tế. Quá trình này đòi hỏi sự kiên nhẫn, bởi thời gian đăng ký dự án có thể kéo dài hơn một năm, trong khi mỗi giai đoạn tín dụng chỉ kéo dài từ 5 đến 7 năm. Điều này đặt ra thách thức lớn cho các đơn vị triển khai, nhưng cũng đồng thời mở ra cơ hội dài hạn nếu dự án được đầu tư bài bản và có lộ trình cụ thể.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần chú trọng xây dựng chính sách hỗ trợ như quy hoạch hạ tầng kỹ thuật giao thông, lồng ghép giao thông điện vào hệ thống hiện có và phát triển tiêu chuẩn quốc gia. Việc phối hợp giữa nhà nước, các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang giao thông phát thải thấp.

Mặc dù còn nhiều thách thức, tiềm năng của tín chỉ các-bon trong giao thông vận tải là rất lớn. Đây không chỉ là giải pháp giúp giảm phát thải mà còn là động lực để Việt Nam thúc đẩy các dự án xanh, từ đó góp phần đạt được mục tiêu phát triển bền vững.

Nếu các sáng kiến như dự án thí điểm xe máy điện được nhân rộng và kết hợp với các chính sách ưu đãi phù hợp, giao thông vận tải sẽ không chỉ giảm phát thải mà còn trở thành lĩnh vực tiên phong trong chiến lược xanh hóa nền kinh tế quốc gia. Những bước đi này không chỉ mang lại lợi ích cho môi trường mà còn góp phần xây dựng hình ảnh Việt Nam như một quốc gia tiên phong trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thanh Trà