Kinh tế vĩ mô

Vì sao ngành hàng hải “xanh hóa” chậm?

Bài và Ảnh: Hương Giang 05/12/2024 00:30

Xanh hóa cảng biển không chỉ mang lại lợi ích môi trường, mà còn cả lợi nhuận. Song, ngành hàng hải vẫn còn chậm trong quá trình chuyển đổi xanh, làm chậm đi cơ hội phát triển.

Đó là nhìn nhận của các doanh nghiệp, chuyên gia và các cơ quan quản lý Nhà nước, tại tọa đàm “Cảng xanh - hướng đến phát triển bền vững, vươn ra biển lớn” ngày 4/12/2024, tại TPHCM.

hình cảng
Bà Nguyễn Thị Thu Thảo, đại diện Tập đoàn Gemadept: Doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ hỗ trợ các chính sách như: Giảm thiểu rào cản, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm bớt các loại phí và lệ phí; Ưu đãi về thuế, hỗ trợ tài chính thông qua các gói vay ưu đãi để doanh nghiệp đầu tư chuyển đổi xanh.

Cần thêm nhiều diễn đàn về cảng xanh

Theo ông Trần Khánh Hoàng, đại diện Cảng & Logistics ITC Corporation, cho rằng xanh hóa cảng biển không chỉ mang lại lợi ích môi trường mà còn cả lợi nhuận. Đơn cử, năm 2008 - 2009, chi phí vận hành xe nâng, xe điện đã mang lại lợi nhuận cao hơn so với sử dụng diesel. Tuy nhiên, không ai dám nhích khỏi giá sàn vì các cảng đều phải nhìn nhau. Do đó, các doanh nghiệp mong muốn sẽ có thêm nhiều diễn đàn về cảng biển Việt Nam, đặc biệt là về cảng xanh, để cùng phát triển.

"Cảng phải xanh, người mua hàng trên thị trường cũng bắt buộc phải xanh, và khâu vận chuyển cũng phải xanh. Hãng tàu đã nói rằng đến năm 2030 phải có điện bờ, nếu không, họ sẽ chuyển sang các cảng mới, dù chi phí đầu tư điện bờ lên đến hàng triệu đô la. Nếu bắt buộc thì phải làm, còn nếu không bắt buộc thì sẽ không ai làm", ông Hoàng nói.

ông Hoàng
Ông Trần Khánh Hoàng, đại diện Cảng & Logistics ITC Corporation: Chuyển đổi, xanh hóa cảng biển không chỉ mang lại lợi ích môi trường mà còn cả lợi nhuận. Do đó, các doanh nghiệp mong muốn sẽ có thêm nhiều diễn đàn về cảng biển Việt Nam, đặc biệt là về cảng xanh, để cùng phát triển.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thu Thảo, đại diện Tập đoàn Gemadept, cho biết: "Chúng tôi xác định đầu tư xanh hiện đại từ đầu, xe máy thiết bị 100% chạy điện, không dùng phiên bản diesel. Chuyển đổi kép số góp phần cho xanh, xanh kiểm chứng lại số. Và mặc dù hệ thống cảng biển của Việt Nam tuy còn non trẻ nhưng có vị thế rất cao trên thế giới, điều này rất đáng tự hào”.

Theo bà Thảo, Gemadept cộng với cảng nước sâu Gemalink đã xây dựng hệ sinh thái cảng xanh và thông minh, chung tay cùng Chính phủ thực hiện cam kết Net-zero vào năm 2050.

“Năm 2023, Gemadept đã thành lập Ban ESG để truyền thông, thúc đẩy sáng kiến xanh và triển khai đo đạc KNK (khí nhà kính). Năm 2024, Gemadept tiếp tục tăng cường hiệu quả hệ thống quản lý môi trường và từng bước chuyển đổi công nghệ xanh. Mục tiêu là giảm phát thải, tăng cường đầu tư xanh và xây dựng nền tảng cho cảng xanh, cảng sinh thái và logistics xanh”, bà Thảo nói.

Cũng theo bà Thảo, định hướng xanh và phát triển bền vững là con đường tất yếu của cộng đồng doanh nghiệp trên thế giới và tại Việt Nam trong bối cảnh mới. Đây là mục tiêu cấp bách mang tính toàn cầu, đặc biệt trong ngành hàng hải.

Do đó, bà Thảo kiến nghị Chính phủ hỗ trợ các chính sách như: Giảm thiểu rào cản, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm bớt các loại phí và lệ phí; Ưu đãi về thuế, hỗ trợ tài chính thông qua các gói vay ưu đãi để doanh nghiệp đầu tư chuyển đổi xanh; Hoàn thiện khung pháp lý để khuyến khích đầu tư xanh, tạo môi trường kinh doanh ổn định; Tăng cường truyền thông và hướng dẫn doanh nghiệp trong ngành cảng - logistics để xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng xanh.

Đồng thời, xem xét tăng giá sàn nâng hạ container tại các cảng (hiện vẫn chỉ bằng 40% so với mức trung bình của khu vực) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp cảng đầu tư phát triển hạ tầng cảng biển quốc gia, phục vụ tăng trưởng kinh tế.

Vẫn xanh hoá chậm

Nhận định về chuyển đổi xanh, xanh hoá cảng biển, ông Hoàng Hồng Giang - Phó cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, đánh giá: trong suốt 10 năm qua, các tổ chức quốc tế rất quan tâm giải quyết câu chuyện biến đổi khí hậu, môi trường. Ở nhiều nước, họ đã đặt mục tiêu chuyển đổi hoàn toàn từ phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang xe điện, sang xe sử dụng nhiên liệu sạch và đã thực hiện lâu nay. Đặc biệt, trong lĩnh vực hàng hải thì từ 5 năm trước, Singapore đã tuyên bố lộ trình chuyển đổi xanh ngành hàng hải của họ, sử dụng nhiên liệu sạch. Bằng những giải pháp, họ đã có đội tàu biển điện, cano điện và đang quyết tâm xây dựng trung tâm cung ứng nhiên liệu xanh, sạch cho tàu biển.

ông Giang 2
Ông Hoàng Hồng Giang - Phó cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam: ngành hàng hải Việt Nam phải mạnh mẽ hơn, và xác định chuyển đổi xanh phải là xu thế tất yếu trong hội nhập và phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, những cảng như Amsterdam (Hà Lan) cũng đã xây dựng 5 nhà máy sản xuất khí hydrogen với mục tiêu cung ứng nhiên liệu xanh cho tàu biển.

Trong khi đó, dù Việt Nam đã cam kết hướng tới mục tiêu Net zero (vào năm 2050) nhưng ngành hàng hải vẫn “xanh hoá chậm” trong quá trình chuyển đổi xanh và điều này đã làm mất đi cơ hội phát triển.

Cũng theo ông Giang, ngành hàng hải Việt Nam hiện đang có rất nhiều thuận lợi, tăng trưởng hàng hóa tại cảng biển Việt Nam mỗi năm tăng trưởng 2 con số rất ấn tượng với đối tác, bạn bè thế giới. Hệ thống cảng biển Việt Nam được chia thành 5 nhóm với 34 cảng có nhiều thuận lợi về dư địa đất đai, biển và bờ biển... Nhờ vào đó, nhiều nguồn đầu tư đang đổ dồn về hàng hải Việt Nam, tăng cơ hội trở thành trung tâm hàng hóa hàng hải lớn của khu vực.

"Lợi thế thì nhiều, nhưng chúng ta chọn phát triển nào mới là quan trọng? Tôi rất băn khoăn vì chúng ta còn quá nhiều việc phải làm để phát triển ngành hàng hải. Từ khi đặt vấn đề xanh hóa ngành hàng hải (5 năm), báo cáo vẫn còn lặp đi lặp lại những con số cũ cho thấy chúng ta đang đi khá chậm. Do đó, ngành hàng hải Việt Nam phải mạnh mẽ hơn, và chúng ta xác định chuyển đổi xanh phải là xu thế tất yếu trong hội nhập và phát triển bền vững. Việc này phải mất nhiều tiền nhưng nếu không làm thì còn mất luôn cả tiền. Khi các nước có tuyến vận tải xanh, có tàu xanh thì không bao giờ họ tới những cảng không xanh", ông Giang nhấn mạnh.

Bài và Ảnh: Hương Giang