Kinh tế địa phương

Khu Kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng chính thức được thành lập

Minh Huệ - Hải Ngân 05/12/2024 12:05

Khu Kinh tế (KKT) ven biển phía Nam được thành lập sẽ trở thành động lực phát triển mới của TP Hải Phòng.

Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định số 1511/QĐ-TTg về việc thành lập KKT ven biển phía Nam Hải Phòng, TP Hải Phòng. Đây là KKT thứ hai của TP Hải Phòng sau KKT Đình Vũ - Cát Hải.

4.jpg
Phối cảnh KKT ven biển phía Nam Hải Phòng

KKT phát triển theo mô hình tăng trưởng xanh

Theo quyết định này, KKT ven biển phía Nam Hải Phòng là KKT ven biển có quy mô diện tích 20.000 ha, trong đó có khoảng 2.909 ha là đất lấn biển. KKT này nằm ở khu vực phía Đông Nam của TP Hải Phòng, có các khu chức năng phù hợp với mục tiêu phát triển của KKT. Quy mô, vị trí của từng khu chức năng được xác định trong quy hoạch chung KKT ven biển phía Nam Hải Phòng được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Theo kế hoạch phát triển, giai đoạn từ nay đến năm 2025 sẽ tổ chức lập quy hoạch chung KKT, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tổ chức lập và phê duyệt quy hoạch phân khu chức năng trong KKT. Đầu tư một số công trình hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật.

6.jpg
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nghe báo cáo về Đề án KKT ven biển phía Nam Hải Phòng tại cầu Văn Úc thuộc Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua TP Hải Phòng và 9km thuộc địa bàn tỉnh Thái Bình vào tháng 10/2024 (Ảnh: Đ.T)

Giai đoạn 2026 - 2030, triển khai đầu tư xây dựng các khu chức năng trong KKT, các dự án cảng Nam Đồ Sơn, các dự án phát triển đô thị, các dự án hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), các dự án giao thông đường bộ, nhà ở xã hội và các công trình hạ tầng xã hội khác. Các hạng mục đầu tư còn lại sẽ triển khai giai đoạn sau năm 2030.

Mục tiêu phát triển chủ yếu của KKT này nhằm khai thác tối đa lợi thế về vị trí cửa ngõ quốc tế, nền tảng phát triển công nghiệp, dịch vụ cảng biển trong việc kết nối kinh tế, thương mại, dịch vụ với các địa bàn lân cận và quốc tế. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ giữa thu hút đầu tư, phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát huy giá trị của hệ sinh thái biển, di tích lịch sử, văn hóa và bảo đảm an sinh xã hội.

Cùng với đó, KKT ven biển phía Nam Hải Phòng được xây dựng và phát triển trở thành khu kinh tế ven biển tổng hợp, đa ngành, đa chức năng, theo mô hình tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững. KKT này sẽ tập trung vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ cảng biển và logistics hiện đại…

Cũng theo quyết định thành lập, KKT ven biển phía Nam Hải Phòng sẽ là động lực tăng trưởng kinh tế chủ đạo của TP Hải Phòng với cơ sở hạ tầng đồng bộ, có môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, thông thoáng, thuận lợi. Đồng thời là trung tâm kinh tế biển có vai trò tiên phong, có chức năng tương hỗ, kết nối với các KKT ven biển khác, tạo động lực phát triển cho vùng đồng bằng sông Hồng.

Đặc biệt, trong KKT ven biển phía Nam Hải Phòng có khu thương mại tự do với những cơ chế, chính sách đột phá, vượt trội đang được áp dụng tại các khu thương mại tự do thành công trên thế giới.

Kết nối vành đai ven biển

Thực tế, với vị trí chiến lược, cửa ngõ ra biển của miền Bắc, TP Hải Phòng nằm trong vùng động lực tăng trưởng phía Bắc gồm: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, thuộc hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, hành lang kinh tế ven biển gồm: Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình.

Bên cạnh đó, không gian phát triển của các KCN, KKT hiện tại của TP Hải Phòng đang dần đạt tới giới hạn. Việc tiếp tục mở rộng sang KKT ven biển phía Nam, đặc biệt với định hướng xanh hơn, bền vững hơn, kết nối tốt hơn, mở cửa hơn với khu thương mại tự do sẽ hứa hẹn rất nhiều tiềm năng.

7.jpg
Phối cảnh Khu thương mại tự do trong KKT ven biển phía Nam Hải Phòng (Ảnh: Đ.T)

Bên cạnh đó, việc xây dựng KKT này không chỉ riêng cho TP Hải Phòng mà còn tạo sự liên kết phát triển vùng, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, tận dụng tối đa lợi thế vị trí chiến lược và hạ tầng giao thông kết nối vùng đang dần hoàn thiện.

Trong đó, tuyến đường ven biển đi xuyên tâm KKT ven biển phía Nam Hải Phòng đang dần hình thành cùng tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng được quy hoạch hoàn thành trước năm 2030 sẽ giúp hàng hóa của các tỉnh duyên hải Bắc bộ rút ngắn quãng đường kết nối và thuận lợi với cảng Nam Đồ Sơn.

Ông Lê Trung Kiên – Trưởng ban BQL KKT Hải PHòng cho biết, KKT ven biển phía Nam Hải Phòng được hình thành sẽ là "mắt xích" quan trọng trong chuỗi KKT ven biển của Việt Nam. Việc thành lập KKT này là rất cần thiết để “chạy đua” đón “làn sóng” đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đang hướng về TP Hải Phòng, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp chip, bán dẫn, điện tử.

Còn theo ông Đỗ Văn Minh – Giám đốc Công ty TNHH Anh Cao, KKT ven biển phía Nam Hải Phòng được thành lập sẽ mở ra không gian phát triển mới cho TP Hải Phòng. Khi các nhà đầu tư đến đầu tư tại KKT này, các doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải, logistics cũng sẽ có cơ hội tìm kiếm thêm đối tác, mở rộng hoạt động kinh doanh…

Được biết tại Quyết định thành lập KKT ven biển phía Nam Hải Phòng, Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND TP Hải Phòng và các bộ, ngành liên quan phối hợp, hỗ trợ thành phố trong triển khai thực hiện Đề án thành lập KKT ven biển phía Nam Hải Phòng theo quy định với việc bảo đảm tính khả thi của phương án huy động vốn và phân kỳ đầu tư. Xây dựng danh mục cụ thể các dự án ưu tiên đầu tư, bảo bảo hiệu quả - kinh tế xã hội của KKT theo hướng phát triển bền vững thông qua giải quyết vấn đề an sinh xã hội, chuyển đổi việc làm cho người dân bị thu hồi đất…

Đồng thời, giao UBND TP Hải Phòng thu hút đầu tư và thực hiện đầu tư xây dựng các khu chức năng, các dự án, công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, khu tái định cư, nhà ở xã hội theo quy hoạch chung. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường thu hút đầu tư hình thành cụm liên kết ngành, các ngành sản xuất có quy mô lớn. Bảo đảm nguồn nhân lực và điện để phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh trong KKT tạo sự liên kết vùng, liên kết các KKT trong khu vực Duyên hải Bắc bộ. Đồng thời, thực hiện các giải pháp bảo đảm quốc phòng, an ninh trong KKT…

Minh Huệ - Hải Ngân