Nghiên cứu - Trao đổi

Cần tạo cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tái chế

Yến Nhung 06/12/2024 04:30

Để phát triển thị trường tái chế bền vững và hiệu quả, nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước cần xây dựng cơ chế khuyến khích cho doanh nghiệp đầu tư công nghệ tái chế.

Theo báo cáo của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) và Ngân hàng Thế giới, ước tính Việt Nam lãng phí gần 3 tỷ USD mỗi năm vì không tái chế hết rác thải nhựa từ sinh hoạt. Còn chất thải hữu cơ ước tính lãng phí hơn 30 tỷ USD mỗi năm khi gần 70% không được tái chế. Do đó, Việt Nam cần có những giải pháp hữu hiệu, có chính sách để thúc đẩy xử lý rác thải theo mô hình kinh tế tuần hoàn, có chính sách để khuyến khích doanh nghiệp và người dân tham gia vào quá trình tái chế thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp tái chế.

anh-tai-che-nhua-1-14362962_21092024070151_131.jpg
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành các quy định về tỷ lệ tái chế bắt buộc cho nhiều loại chất thải - Ảnh: ITN

Thời gian qua, Chính phủ và cộng đồng đã rất nỗ lực trong việc thúc đẩy tái chế cho các loại rác thải khác nhau. Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành các quy định về tỷ lệ tái chế bắt buộc cho nhiều loại chất thải, ví dụ giấy carton, nhựa, kim loại và thủy tinh. Các chính sách và chiến dịch thông tin, truyền thông về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất được triển khai mạnh mẽ. Tuy nhiên, với thách thức môi trường ngày càng lớn và lượng rác thải ngày càng tăng, hoạt động tái chế vẫn còn nhiều bất cập. Để đạt được mục tiêu kinh tế bền vững và giảm các tác động tiêu cực đến môi trường, hoạt động tái chế đòi hỏi nhiều chính sách phối hợp, cũng như đánh giá kỹ lưỡng về hiệu quả thực thi và kinh tế của từng chính sách.

Theo ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hiệp hội Tái chế Chất thải Việt Nam, ngành nhựa, bao bì Việt Nam đang đối diện nhiều thách thức khi mỗi năm nhập và sử dụng hơn 7 triệu tấn nguyên liệu để phục vụ sản xuất. Chính vì vậy, câu chuyện tái chế để kiểm soát PFAS (hóa chất vĩnh cửu độc hại) cần được ngành nhựa, bao bì quan tâm nếu muốn thâm nhập thị trường khó tính như Mỹ, Nhật và EU...

Khi sản phẩm xuất khẩu vào Châu Âu, hay Mỹ, Nhật Bản nếu có hàm lượng tái chế thì sản phẩm mới được đánh giá cao. Do đó doanh nghiệp phải ý thức được vấn đề này và quyết tâm hơn trong đeo đuổi bằng được chiến lược hoạt động tái chế của mình. Doanh nghiệp phải cập nhật và chuyển giao công nghệ về tái chế liên tục. Ngoài ra, Nhà nước cần xây dựng cơ chế khuyến khích cho doanh nghiệp đầu tư công nghệ tái chế.

thu_rac_3-1702770541168.jpg
Nhà nước cần xây dựng cơ chế khuyến khích cho doanh nghiệp đầu tư công nghệ tái chế - Ảnh: ITN

Về phía doanh nghiệp, ông Đặng Hồng Kỳ, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại NID kỳ vọng cơ chế chính sách được nới lỏng đồng thời có thêm các cơ chế đặc thù như hỗ trợ về thuế để tiếp sức và động viên ngành tài chế phát triển ổn định. Để giải được bài toán cho ngành tái chế trong nước, doanh nghiệp không thể đi một mình mà cần sự hỗ trợ, tiếp sức của các ban ngành, xúc tiến thương mại, các tổ chức nước ngoài chia sẻ về kiến thức.

Liên quan đến vấn đề này, TS Hồ Quốc Thông, Viện Kinh tế Môi trường Đông Nam Á cho rằng, thúc đẩy hoạt động tái chế nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung một chính sách đơn thuần là không đủ trong khi đó tính hiệu quả của chính sách cũng cần được chú trọng. Để đạt được mục tiêu tái chế bền vững và hiệu quả các chính sách về môi trường như phân loại rác tại nguồn, quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất là những nhóm chính sách có tính tương hỗ lẫn nhau rất cao. Việc triển khai các quy định pháp lý hay công cụ thị trường như thuế hay trợ cấp thường yêu cầu lượng lớn nguồn lực. Chính phủ cần cân nhắc đồng bộ các công cụ hành vi như truyền thông hay sự tham gia của người nổi tiếng thúc đẩy các sáng kiến môi trường hay nâng cao nhận thức - nhóm công cụ hành vi thường có chi phí thực thi giám sát thấp hơn nhóm công cụ pháp lý và thị trường.

“Bên cạnh đó, vấn đề thu gom tái chế phụ một cách bền vững phụ thuộc rất lớn vào động cơ kinh tế của các bên liên quan. Để thu hút được sự tham gia của lĩnh vực tư nhân thì hoạt động thu gom tái chế phải mang lại đủ lợi ích kinh tế cho các bên tham gia vào chuỗi giá trị tái chế. Tạo ra thị trường cho vật liệu tái chế là chiến lược lâu dài và bền vững mà Chính phủ cần đánh giá và đặt ra thứ tự ưu tiên trong điều kiện nguồn lực hạn chế”, chuyên gia này nhấn mạnh.

Yến Nhung