Logistics xanh khu vực ASEAN: Thúc đẩy sáng tạo trên nền tảng số
Liên đoàn Giao nhận vận tải Đông Nam Á (AFFA) vừa tổ chức Hội nghị và Đại hội thường niên lần thứ 34 với chủ đề “Tương lai xanh: Thúc đẩy sáng tạo trên nền tảng số”.
Liên đoàn Giao nhận vận tải Đông Nam Á (AFFA) vừa tổ chức Hội nghị và Đại hội thường niên AFFA lần thứ 34 (AFFA AGM) năm 2024 tại Penang, Malaysia với chủ đề “Tương lai xanh: Thúc đẩy sáng tạo trên nền tảng số”.
Chào mừng các đại biểu tham dự Hội nghị và AFFA AGM 2024, ông Alvin Chua, Chủ tịch AFFA đánh giá, ngành logistics đang phải đối mặt với bối cảnh logistics liên tục thay đổi và đầy thách thức, đồng thời, được tái định hình bởi những tiến bộ công nghệ nhanh chóng, dòng chảy thương mại đang thay đổi và những gián đoạn không lường trước được.
Trong bối cảnh này, AFFA AGM là một nền tảng quan trọng nơi các lãnh đạo Hiệp hội, doanh nghiệp cùng nhau thảo luận về những thách thức về mặt cấu trúc và thể chế tác động đến logistics và tạo thuận lợi cho thương mại. AFFA AGM là một cơ chế quan trọng để vạch ra lộ trình tương lai cho ngành logistics.
“Là một tổ chức, AFFA nhận ra vai trò quan trọng của mình, không chỉ trong hệ sinh thái ngành logistics mà còn là tiếng nói có ảnh hưởng đối với các khuyến nghị về chính sách. Chúng ta phải nắm bắt vai trò này để nêu rõ các vấn đề quan trọng và đề xuất các giải pháp cho các nhà hoạch định chính sách tại các quốc gia tương ứng của chúng ta. Bằng cách đó, chúng ta có thể đảm bảo rằng các quyết định chính sách đúng đắn được đưa ra để tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại liền mạch, đặc biệt là giữa các quốc gia thành viên ASEAN”, Chủ tịch AFFA nhấn mạnh.
Đồng thời cho rằng, những nỗ lực chung của AFFA phải tập trung vào việc thúc đẩy hội nhập, giảm rào cản và tạo điều kiện cho một khuôn khổ ngành logistics phát triển mạnh mẽ, kiên cường trên toàn khu vực.
“Tôi rất vui khi thấy AFFA ngày càng tham gia nhiều hơn vào Ban thư ký ASEAN. Việc hiểu các khuôn khổ và chiến lược chính sách của ASEAN cung cấp cho chúng ta những hiểu biết có giá trị định hướng cho các ưu tiên của chúng ta. Các khuôn khổ như Hiệp định khung ASEAN về tạo thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh (AFAGIT), ASEAN, Thỏa thuận khung về tạo thuận lợi cho vận tải liên quốc gia (AFAFIST) và Hiệp định khung ASEAN về vận tải đa phương thức (AFAMT) là những công cụ quan trọng để thúc đẩy tạo thuận lợi cho thương mại và thương mại xuyên biên giới. Chúng ta phải điều chỉnh các chiến lược của mình theo các khuôn khổ này để đảm bảo rằng chúng ta giải quyết hiệu quả các vấn đề cấp bách nhất. Vì mục đích này, tôi kêu gọi tất cả các thành viên AFFA đóng vai trò chủ động hơn bằng cách đảm bảo có đại diện tại các Diễn đàn Chính phủ có liên quan”, ông Alvin Chua nhấn mạnh. Đồng thời khẳng định sự tham gia này rất quan trọng để thúc đẩy lợi ích của ngành logistics.
Chủ tịch AFFA khuyến khích lãnh đạo các Hiệp hội thành viên, các doanh nghiệp đảm bảo sự công nhận về thông tin xác thực của doanh nghiệp mình với các Bộ ngành, Chính phủ và cơ quan có liên quan, đóng góp hiệu quả hơn vào việc xây dựng các chính sách và chiến lược hỗ trợ và củng cố ngành logistics mỗi quốc gia.
Đồng thời, luôn cập nhật thông tin về những diễn biến và gián đoạn nhanh chóng trong hệ sinh thái ngành logistics. Đẩy mạnh hợp tác và chia sẻ thông tin nhằm trao quyền cho nhau để duy trì khả năng phục hồi và thích ứng trong một môi trường không ngừng thay đổi.
“Chúng ta tái khẳng định cam kết chung của mình trong việc thúc đẩy ngành logistics và thúc đẩy tạo thuận lợi thương mại lớn hơn trong ASEAN và hơn thế nữa. Chúng ta hãy tiếp tục làm việc cùng nhau để định hình một tương lai thịnh vượng cho ngành logistics và thương mại trong khu vực ASEAN”, Chủ tịch AFFA nhấn mạnh.
Là thành viên tích cực của AFFA, Đoàn doanh nghiệp Việt Nam tham dự gồm 11 thành viên do ông Đào Trọng Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) là Trưởng đoàn.
Trình bày báo cáo quan trọng của Hội nghị, ông Đào Trọng Khoa, Chủ tịch VLA, Phó Chủ tịch AFFA, Trưởng Nhóm công tác chuyển đổi số và phát triển bền vững cho biết, AFFA đã định hướng tính bền vững của chuỗi cung ứng với nhiều chương trình, dự án quan trọng được giao cho Nhóm công tác về tính bền vững và số hóa như tính toán và chứng nhận carbon, và số hóa chuỗi cung ứng, ví dụ như Nền tảng mở AFFA với mô hình Buy-Ship-Pay,...
“Cuộc họp TFWG lần thứ 47 đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chia sẻ kinh nghiệm từ AFFA về tính toán carbon và chứng nhận của chuỗi cung ứng liên quan và mong muốn tổ chức một hội thảo chung với AFFA về chủ đề này. Nhận thấy định hướng xuyên suốt của các sáng kiến do AFFA thực hiện, cuộc họp đã yêu cầu AFFA cũng liên hệ với các cơ quan chuyên ngành ASEAN có liên quan, ví dụ như Kinh tế số, CNTT, Hải quan và Thương mại về các sáng kiến đó”, Phó Chủ tịch AFFA chia sẻ.
Đồng thời cho biết tất cả các quốc gia đã đều có báo cáo/cập nhật nhanh về các hoạt động chuyển đổi số, phát triển bền vững như Brunei có các hoạt động tốt trong hải quan, cảng, bảo vệ môi trường,...; Campuchia có cả chương trình số hóa Logistics và Xanh; Indonesia có một số vấn đề do đặc điểm riêng của quốc gia; Malaysia đang phát triển mạnh mẽ nhiều chương trình trong S&D; Myanmar đang bắt đầu với HRD và học hỏi từ các thành viên khác, áp dụng e-seal; Lào có sự phát triển lớn về cơ sở hạ tầng và quy trình tự động hóa.
Trong khi đó, Philippines đã bắt đầu số hóa cảng & logistics và các sáng kiến xanh; Singapore đang dẫn đầu với chương trình phù hợp mà AFFA cần học hỏi từ đó; Thái Lan đang mạnh mẽ với số hóa nhưng vẫn phải đối mặt với các vấn đề về bền vững; Việt Nam rất tích cực với tư vấn chính sách và hợp tác, thiết kế các chương trình xanh và phục hồi.
Trưởng nhóm công tác chuyển đổi số và phát triển bền vững cũng cho biết nhóm công tác đã thực hiện nhiều hoạt động tư vấn, hỗ trợ các quốc gia và đang lập kế hoạch hành động các hoạt động như: Giám sát chương trình S&D tại mỗi quốc gia thành viên; Xây dựng các nhóm chuyên gia trong lĩnh vực để hỗ trợ các thành viên Hiệp hội trong các hành động; Tiếp tục liên hệ với Tổng thư ký ASEAN và thảo luận với các đối tác Đối thoại; Hỗ trợ lẫn nhau trong các hoạt động ưu tiên; Nghiên cứu cơ hội xây dựng nền tảng chung cho AFFA theo mô hình Buy-Ship-Pay…
Cũng tại AFFA AGM 2024, Chủ tịch VLA đã giới thiệu tới toàn thể Hội nghị về Đại hội Thế giới Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận vận tải Quốc tế (FIATA World Congress - FWC) 2025 sẽ được tổ chức tại Việt Nam từ ngày 6 đến ngày 10/10/2025, đồng thời nhận được sự quan tâm sâu sắc của các đại biểu. Với 1.200 - 1.500 đại biểu dự kiến tham dự, FWC 2025 được kỳ vọng là Đại hội lớn nhất của FIATA trong lịch sử 99 năm thành lập của Liên đoàn, tạo ra cơ hội kết nối toàn cầu và "sức bật" cho ngành logistics Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung.
FWC 2025 do VLA đấu thầu giành quyền đăng cai từ năm 2017. Qua nhiều nỗ lực và những gián đoạn vì Covid-19, tới năm 2022, VLA chính thức giành quyền đăng cai FWC 2025 tại FWC 2022 tổ chức tại Hàn Quốc. Sau khi dành được vinh dự này, VLA đã nhanh chóng làm việc với các Bộ ngành, cơ quan liên quan, khẩn trương chuẩn bị cho việc tổ chức Đại hội.
Đặc biệt, việc tổ chức FWC 2025 đã nhận được sự quan tâm và ủng hộ từ Chính phủ và các Bộ ngành địa phương. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hai lần tiếp đoàn đại biểu FIATA và VLA tại Trụ sở Chính phủ vào năm 2023 và 2024, đồng thời khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam đối với sự kiện FWC 2025. Lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ GTVT, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cùng nhiều Bộ ngành, địa phương cũng đã gặp gỡ lãnh đạo FIATA và VLA bày tỏ sự ủng hộ tổ chức sự kiện thành công, hiệu quả tại Hà Nội.