Để đấu giá đất “loạn” đến bao giờ?
Giới chuyên gia cho rằng, hành vi “phá” đấu giá đất không phải là vấn đề mới, nhưng ngày càng tinh vi, làm thị trường bất động sản “méo mó”, ngân sách thất thu…
Thông tin từ Công an huyện Thanh Oai (Hà Nội) cho biết, đơn vị đang vào cuộc xác minh có hay không dấu hiệu vi phạm liên quan đến việc đấu giá thất bại 22 thửa đất trên địa bàn. Cụ thể, ngày 30/11, các thửa đất này được khách hàng trả giá 70 triệu đồng/m2 (giá khởi điểm chỉ là 5,3 triệu đồng/m2), rồi sau đó đồng loạt không tiếp tục trả giá, khiến phiên đấu giá đất phải dừng giữa chừng.
Đáng chú ý, động thái này của Công an huyện Thanh Oai diễn ra trong bối cảnh, Công an TP Hà Nội vừa tạm giữ 5 người để điều tra về hành vi vi phạm quy định về đấu giá tài sản. Nhóm này cũng có hành vi trả giá "trên trời", cao nhất đến 30 tỉ đồng/m2, rồi bỏ cuộc giữa chừng, khiến 36 lô đất ở huyện Sóc Sơn đấu giá thất bại.
Nhiều ý kiến cho rằng, liên tiếp các vụ việc diễn ra cho thấy sự xuất hiện của một chiêu trò mới về đấu giá đất. Trước đây, dư luận "nóng hổi" với các phiên đấu giá đất ở vùng ven thủ đô, người tham gia đấu giá trả mức giá cao ngất ngưởng, trúng đấu giá rồi bỏ cọc. Còn hiện nay lại xuất hiện “chiêu trò” mới là tham gia đấu giá, cũng trả giá cao một cách vô lý nhưng đến vòng đấu cuối cùng sẽ không trả giá khiến phiên đấu giá “thất bại”.
Theo phân tích của giới bất động sản, nếu trúng đấu giá và không nộp tiền, người trúng đấu giá ít nhất sẽ bị mất khoản tiền đặt cọc. Tuy nhiên, với việc bỏ đấu giá giữa chừng, người thực hiện chiêu trò này sẽ chỉ mất tiền phí hồ sơ tham gia đấu giá, có lợi hơn rất nhiều. Như lời khai của Phạm Ngọc Tuấn, người trả giá 30 tỉ đồng/m2 đất ở huyện Sóc Sơn, bằng việc không tiếp tục trả giá ở vòng cuối, nhóm này sẽ không mất tiền đặt cọc mà vẫn giữ được cơ hội tiếp tục tham gia đấu giá ở lần tiếp theo để mua được lô đất như mong muốn.
Bình luận về vấn đề này, TS Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia kinh tế, nhận định, hành vi “phá” đấu giá đất không phải là vấn đề mới, nhưng ngày càng tinh vi hơn. Các nhóm lợi ích lợi dụng sự lỏng lẻo trong quy định đấu giá để thao túng thị trường. Hệ quả là các phiên đấu giá không đạt được mục tiêu thực sự, làm méo mó thị trường và thất thu ngân sách.
Ngoài ra, giá khởi điểm vẫn chưa sát thị trường, thường được định ở mức thấp cũng tạo cơ hội cho những đội nhóm tham gia không nghiêm túc, đẩy giá lên cao bất hợp lý, gây méo mó thị trường.
Một "kẽ hở" nữa cũng được ông Hiếu chỉ ra chính là thời gian thanh toán kéo dài, không có quy định rõ ràng về tiến độ sử dụng đất khiến đất đai bị bỏ hoang, lãng phí tài nguyên và không hạn chế chuyển nhượng trong một khoảng thời gian nhất định.
Đồng quan điểm, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị nhanh chóng bịt các "kẽ hở" trong quy định đấu giá đất, không thể đứng nhìn những kẻ phá hoại, gây hệ lụy xấu tới thị trường bất động sản. Theo ông Võ, các địa phương cần nhanh chóng triển khai những quy định của Luật Đất đai năm 2024. Trong đó, trọng tâm là việc điều chỉnh, cập nhật bảng giá đất theo mức giá thị trường ở từng khu vực, căn cứ vào đó để đưa ra mức giá khởi điểm phù hợp.
Khi bảng giá đất sát với giá thị trường, là căn cứ để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, sẽ hạn chế được tình trạng “thổi giá” của những người đầu cơ và ngăn chặn được tình trạng lũng đoạn, thao túng thị trường.
Trong trường hợp chưa thể cập nhật bảng giá đất, ông đề nghị cần gấp rút điều chỉnh tăng tiền cọc bằng cách lấy tổng diện tích thửa đất đưa ra đấu giá nhân với mức giá khởi điểm, kết quả ra bao nhiêu thì đó chính là tiền đặt cọc tối thiểu. Ví dụ: Thửa đất đưa ra đấu giá là 100 m2; giá khởi điểm được xác định 10 triệu đồng/m2, thì người tham gia cần đặt cọc tối thiểu 1 tỷ đồng mới được vào đấu giá.
Không những thế, ông Võ đề xuất hình thức đấu giá kín hoặc trực tuyến sẽ giảm thiểu nguy cơ thông đồng và thao túng giữa các đối tượng tham gia. Sau đó, xây dựng chế tài nghiêm khác, các đối tượng phá hoại cần bị xử phạt nặng: Như cấm tham gia các phiên đấu giá khác trong thời gian dài hoặc tịch thu toàn bộ tiền cọc.
Cũng theo ông Võ, việc định giá sát với thị trường, tăng tiền cọc, rút ngắn thời gian nộp tiền, hạn chế chuyển nhượng,.. sẽ tạo ra một "sân chơi" đấu giá đất minh bạch. Không những thế là đấu giá đất sẽ phát huy được tối đa ưu điểm, góp phần phát triển kinh tế bền vũng và đảm bảo nguồn lực đất đai.
Liên quan đến tình trạng giá đất cao bất thường sau một số phiên đấu giá đất vừa qua, tại một diễn đàn về đất đai mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho hay, Bộ đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương áp dụng đồng bộ các giải pháp để khắc phục và chấn chỉnh các hoạt động đấu giá đất, xử lý nghiêm đối với các đối tượng lợi dụng đấu giá đất để thổi giá trục lợi.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh, để khắc phục các bất cập trong đấu giá đất, ngăn tình trạng "thổi" giá đất trục lợi, các địa phương cần công khai minh bạch về kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, nhất là tại khu vực đấu giá. Giải pháp tiếp theo là các tỉnh, thành phố cần nghiên cứu, điều chỉnh hợp lý giá đất trong bảng giá đất làm cơ sở để định giá khi đấu giá đất.