Vai trò của trường đại học trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Hội thảo “Đổi mới sáng tạo trong giáo dục đại học: Vai trò của trường đại học trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo” được tổ chức tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành.
Được tổ chức bởi Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo Khởi nghiệp Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (NIIC) đã phối hợp với SWISS EP Việt Nam và BK HoldingsHội thảo đã thu hút của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp và các tổ chức trong và ngoài nước có kinh nghiệm về lĩnh vực này.
Hội thảo cũng là dịp để các trường đại học, doanh nghiệp gặp gỡ, thảo luận và học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia trong việc phát triển mô hình đại học sáng tạo, qua đó nâng cao kiến thức, năng lực về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại đơn vị. Bên cạnh đó, hội thảo còn được kỳ vọng trở thành cầu nối giữa các cơ sở giáo dục hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam, đồng thời tạo điều kiện chia sẻ các mô hình đại học tiên tiến trong việc phát triển đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Đặc biệt là cùng các trường đại học của Việt Nam hướng tới mục đích thúc đẩy xây dựng và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, góp phần tạo ra môi trường hỗ trợ mạnh mẽ cho khởi nghiệp sáng tạo trong giáo dục.
Phát biểu tại hội thảo PGS.TS. Trần Thị Hồng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành chia sẻ, sự kiện là cơ hội kết nối, học hỏi, và hợp tác giữa các trường đại học, doanh nghiệp và các tổ chức liên quan. Cùng nhau, chúng ta sẽ xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mạnh mẽ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.
Theo tư liệu Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có nguy cơ phát triển chậm lại nếu không có sự chuyển mình. Để đạt mức thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam cần thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ. Việt Nam cần nhấn mạnh đổi mới sáng tạo phải là ưu tiên hàng đầu, trong đó vai trò của các trường đại học là phải xác định điều cần làm và cách thức thực hiện để đạt được mục tiêu, đặc biệt là phải hợp tác chặt chẽ với các bên liên quan (doanh nghiệp, đối tác, viện nghiên cứu…) kết hợp thực hiện đồng bộ các chính sách, đầu tư và sáng kiến để thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Đề cập đến các mô hình đổi mới sáng tạo hiện nay trên thế giới, ông Kevin Murphy cho biết, tại một số đất nước như Hàn Quốc, Chính phủ hỗ trợ trực tiếp, tài trợ và tập trung vào nghiên cứu. Ở Mỹ, các doanh nghiệp tư nhân chủ động nghiên cứu, nổi bật trong các lĩnh vực công nghệ sinh học, y tế. Tại Thụy Sĩ thì có mô hình hợp tác ba bên Nhà nước – Nhà trường/viện nghiên cứu – Doanh nghiệp tư nhân với vai trò ngang nhau trong thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.
Tại Việt Nam, vai trò của các trường đại học trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo (hiện còn mờ nhạt, chưa hiệu quả và nguyên nhân là từ GAP – khoảng cách giữa nhà trường và khởi nghiệp. Đó là sự không đồng bộ về nhiều yếu tố từ tư duy, kiến thức đến kỹ năng, công cụ thực hiện… Giải pháp để các trường kéo gần khoảng cách này lại phải tạo cầu nối, thường xuyên tổ chức và hỗ trợ một cách chuyên nghiệp trong thúc đẩy sáng tạo, khởi nghiệp cho mọi đối tượng đam mê nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tiếp cận các xếp hạng đại học theo chuẩn quốc tế không ngừng khẳng định danh tiếng và độ ảnh hưởng xã hội của Nhà trường; thu hút nguồn vốn – kết hợp doanh nghiệp để “ươm tạo” và “giữ chân” nhân tài.
Theo diễn giả Nguyễn Trung Dũng nhận định, các trường cần phải lựa chọn mô hình phù hợp – tùy vào chiến lược phát triển và nguồn lực sẵn có như chính sách, con người, kết quả và nội lực nghiên cứu, tài chính, khả năng quảng bá trong và ngoài trường… Hiện có 3 mô hình đổi mới sáng tạo đang được các trường đại học Việt Nam áp dụng. Trong đó, theo diễn, Mô hình loại A – tận dụng các đơn vị có sẵn trong hệ thống của Trường (như Phòng nghiên cứu khoa học, Trung tâm sáng tạo và ươm tạo khởi nghiệp, Hội sinh viên, Đoàn thanh niên…) để thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, được đa số các trường đại học nước ta lựa chọn. Mô hình loại B: outsource ra các tổ chức hỗ trợ chuyên nghiệp, mô hình này sẽ phù hợp với các trường đơn ngành như ĐH Luật, ĐH Sư phạm, ĐH Mỹ thuật công nghệ; Mô hình loại C: là sự kết hợp của một nhóm các trường đại học follow một mô hình thúc đẩy trung gian, đây cũng hiện là mô hình mà ĐH Bách Khoa Hà Nội đang thực hiện và thu được một số thành tựu nhất định.
Với nhiều thông tin hữu ích từ chủ đề đổi mới sáng tạo trong giáo dục đại học mà các chuyên gia chia sẻ tại hội thảo, các đại biểu, khách mời cùng hai diễn giả cũng có phần thảo luận tương tác và hỏi đáp sôi nổi về tình hình đổi mới sáng tạo tại Việt Nam giai đoạn hiện nay, cách để các trường đại học Việt Nam có thể tích hợp Mô hình 10 cầu nối vào chiến lược phát triển, mối liên kết 3 nhà: Nhà nước – Nhà trường – Nhà doanh nghiệp hay một số thách thức, cơ hội cụ thể mà các trường đại học gặp phải trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo…
Kết thúc hội thảo, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành hy vọng trong thời gian tới có thể được hợp tác cùng SWISS EP và BK Holdings và các chuyên gia trong lĩnh vực tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động thúc đẩy hình thành và phát triển toàn diện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong phạm vi các trường đại học nói riêng và cả nước nói chung.