Kinh tế địa phương

Thái Bình: Chắp cánh cho sản phẩm địa phương vươn xa

Minh Huệ - Trung Thành 06/12/2024 08:50

Trong thời gian qua, nhiều hoạt động kết nối đưa sản phẩm của tỉnh Thái Bình ra thị trường trong nước, quốc tế.

Tìm kiếm cơ hội

Trong thời gian qua, nhiều hoạt động kết nối chuỗi sản xuất, phân phối và tiêu thụ các sản phẩm “made in Thái Bình” như: các loại đặc sản, sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm), sản phẩm công nghiệp nông thôn… của tỉnh đã được triển khai, góp phần mở rộng thị trường cho sản phẩm địa phương đến với các thị trường trong nước, quốc tế.

Theo Sở Công thương Thái Bình: Hội chợ nông nghiệp quốc tế khu vực đồng bằng Bắc Bộ năm 2024 vừa diễn ra tại thành phố Thái Bình. Đây được cho là điểm đến tham quan, mua sắm lý tưởng cho các tầng lớp nhân dân. Và cũng là cơ hội để các doanh nghiệp, HTX trong tỉnh và các địa phương quảng bá thương hiệu sản phẩm, tìm kiếm cơ hội liên doanh, liên kết với nhau phát triển mở rộng thị trường tiêu thụ ở cả trong và ngoài nước.

4.jpg
Giới thiệu bán hàng chiếu Cói Thân Vui Thái Bình bằng TMĐT

Gần 300 gian hàng trưng bày, giới thiệu những sản phẩm tiêu biểu, đặc sản vùng miền trong cả nước thực sự hấp dẫn người tiêu dùng. Cùng chung suy nghĩ như nhiều người đến hội chợ, anh Phạm Quang Duy, phường Lê Hồng Phong (thành phố Thái Bình) chia sẻ: Tôi thấy hội chợ năm nay hàng hóa rất phong phú, giá cả hợp lý. Tôi ấn tượng với các gian hàng giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm nông sản chế biến rất chất lượng, mẫu mã đẹp và gia đình tôi mua được một số sản phẩm ưng ý.

Bà Ngô Thị Hoa - Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và xuất nhập khẩu Quy Hoa cho biết: Hội chợ tại Thái Bình tổ chức có quy mô lớn, an ninh trật tự cũng tốt, hàng hóa là đặc sản của các vùng miền mang về rất phong phú, đa dạng nên thu hút sự quan tâm của nhiều người tiêu dùng. Đây là cơ hội cho chúng tôi quảng bá sản phẩm của mình tới mọi miền đất nước.

Còn bà Hồ Hồng Hạnh - Giám đốc HTX Toàn Tâm (TP Hà Nội) chia sẻ: Lần đầu tham gia hội chợ nông nghiệp quốc tế khu vực đồng bằng Bắc Bộ tại Thái Bình, chúng tôi cũng như các HTX trong Liên minh HTX của thành phố Hà Nội mong muốn được giao lưu, giao thương sản phẩm của Thủ đô với Thái Bình và tiếp cận với các đặc sản vùng miền khác, học hỏi nhau về công tác quản lý, tổ chức sản xuất hiệu quả, kỹ năng phát triển thị trường.

Hội chợ nông nghiệp quốc tế khu vực đồng bằng Bắc Bộ năm nay dành riêng một khu vực cho các doanh nghiệp, HTX do thanh niên làm chủ. Đối với những doanh nghiệp mới khởi nghiệp, hội chợ thực sự là kênh quảng bá, xúc tiến thương mại hữu ích.

Ông Nguyễn Văn Tuân - GĐ cơ sở sản xuất chiếu cói Thân Vui (huyện Quỳnh Phụ) cho biết: Chúng tôi đưa các sản phẩm đến hội chợ với mong muốn người tiêu dùng và đối tác trong tỉnh, trong nước, quốc tế biết đến thương hiệu chiếu cói của Thái Bình. Sản phẩm của chúng tôi đủ điều kiện để xuất khẩu nhưng hiện nay chưa tìm được hướng đi, nên khi tham gia hội chợ cũng kỳ vọng sẽ kết nối được với các doanh nghiệp đối tác để đưa sản phẩm thâm nhập thị trường thế giới.

Ông Phạm Vũ Hoàng - TGĐ Công ty Cổ phần Xuân Thành Thái (huyện Quỳnh Phụ) chuyên sản xuất các loại trà thảo dược chia sẻ: Gia nhập thị trường được gần 1 năm, việc tiếp cận thị trường, đưa sản phẩm đến gần hơn người tiêu dùng đang là nhiệm vụ hàng đầu của doanh nghiệp. Theo ông Hoàng, việc tham gia hội chợ, tôi được kết nối với rất nhiều doanh nghiệp khác trong khu vực, trong đó có đơn vị sàn thương mại nông sản xanh để đưa sản phẩm vào tiêu thụ, tạo thêm một kênh phân phối giúp doanh nghiệp mở rộng thị phần.

Được biết, đã có hơn 100 doanh nghiệp trong nước và quốc tế đưa sản phẩm đến hội chợ nông nghiệp quốc tế khu vực đồng bằng Bắc Bộ năm 2024 triển lãm. Ngoài mục tiêu quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, các doanh nghiệp cũng kỳ vọng được giao lưu, kết nối với nhau để phát triển thị trường.

Nâng tầm giá trị thương hiệu

Thời gian qua, tỉnh Thái Bình đã chú trọng các hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại, mở rộng các thị trường quốc tế đối với các sản phẩm thế mạnh của tỉnh. Các sở, ngành, đơn vị liên quan đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại với thị trường nước ngoài. Bên cạnh đó, Sở Công thương đã hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp trong tỉnh tham gia một số hội chợ, triển lãm và hoạt động kết nối giao thương.

1(2).jpg
nhiều sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng vùng miền hấp dẫn người tiêu dùng (Ảnh Báo Thái Bình)

Anh Bùi Văn Khoái - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và chế biến thủy hải sản số 06 (huyện Tiền Hải) chia sẻ: Hợp tác liên doanh, liên kết là xu hướng phát triển của các doanh nghiệp nhằm tạo sức mạnh cạnh tranh trên thị trường nội địa và chinh phục thị trường thế giới. Nhận thức được điều đó, chúng tôi đến hội chợ với mong muốn tìm kiếm được đối tác bạn hàng mới ở các địa phương trong cả nước. Cùng với đó là được giao lưu, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm từ doanh nghiệp các địa phương về công tác quản lý, công nghệ sản xuất, kỹ năng kinh doanh.

Theo đại diện một số doanh nghiệp, trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới, các doanh nghiệp địa phương cần thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh, đa dạng hình thức xúc tiến thương mại phù hợp với những xu hướng chuyển đổi lớn trên thế giới như: chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi công nghệ… Qua đó, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường nội địa và xuất khẩu.

Bà Trần Thị Kim Anh - PGĐ Công ty TNHH Tuấn Linh (TP Thái Bình) cho biết: Chúng tôi kỳ vọng sau hội chợ lần này sản phẩm của doanh nghiệp sẽ được người tiêu dùng trong tỉnh Thái Bình và cả nước biết đến nhiều hơn. Các doanh nghiệp tham gia hội chợ kết nối được với nhau, hỗ trợ nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là mở rộng thị trường tiêu thụ để doanh nghiệp phát triển bền vững.

Theo ông Đỗ Văn Vẻ - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh: Thái Bình là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng trong xây dưng phát triển thương hiệu sản phẩm địa phương. Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu đã khó, việc duy trì và giữ vững thương hiệu trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt trên thị trường như hiện nay càng khó hơn.

Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp cần chủ động thay đổi tư duy, nắm bắt những cơ hội và tạo ra được dấu ấn riêng trong quá trình hội nhập. Hy vọng mỗi doanh nghiệp, HTX trong và ngoài tỉnh tham gia hội chợ đều tìm thấy những cơ hội hợp tác phát triển cho mình. Sự thành công hợp tác của mỗi doanh nghiệp, HTX sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của các địa phương khu vực đồng bằng Bắc Bộ ngày càng phát triển.

Minh Huệ - Trung Thành