Kinh tế

Thúc đẩy thị trường năng lượng cạnh tranh

Bài: Yến Nhung - Ảnh: Quốc Tuấn 07/12/2024 04:00

Cần đổi mới tư duy thị trường để thúc đẩy thị trường năng lượng cạnh tranh lành mạnh, bền vững, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế - xã hội trong bối cảnh mới.

Thực tế cho thấy, thị trường năng lượng cạnh tranh không chỉ giúp tối ưu hóa nguồn lực quốc gia mà còn tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư, phát triển. Tại Việt Nam, Đề án Phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 2020, với mục tiêu xây dựng, hình thành và phát triển thị trường năng lượng (than, khí, điện) cạnh tranh lành mạnh, theo từng giai đoạn và có sự điều tiết của Nhà nước, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia góp phần đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế - xã hội và thực hiện các mục tiêu, chính sách của Đảng và Nhà nước, tăng cường hội nhập quốc tế.

167a7865-1-.jpg
Thị trường năng lượng cạnh tranh không chỉ giúp tối ưu hóa nguồn lực quốc gia mà còn tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư, phát triển.

Tuy vậy, thị trường năng lượng Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức lớn. Theo đó, kết cấu hạ tầng năng lượng, đặc biệt là hệ thống truyền tải điện, chưa theo kịp tốc độ phát triển, gây quá tải và lãng phí trong các dự án năng lượng tái tạo. Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào năng lượng hóa thạch như nhiệt điện than, làm gia tăng khí thải và áp lực môi trường.

Đáng nói, thị trường năng lượng cạnh tranh phát triển chưa đồng bộ, chính sách giá năng lượng còn bất cập, và nhiều dự án đầu tư gặp rủi ro hoặc thua lỗ, khung pháp lý chưa hoàn chỉnh và môi trường kinh doanh chưa ổn định khiến các nhà đầu tư còn e ngại.

PGS-TS Đinh Văn Châu, Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực nhấn mạnh rằng, việc xây dựng một thị trường điện minh bạch và hiệu quả không chỉ là yêu cầu cấp bách mà còn đóng vai trò then chốt trong việc đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường của Việt Nam.

Theo ông Châu, cần hoàn thiện cơ chế chính sách và xây dựng khung pháp lý rõ ràng để hỗ trợ thực thi và quản lý thị trường điện hiệu quả. Việc phân định rõ ràng trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý và đơn vị vận hành là yếu tố cốt lõi nhằm đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả. Đồng thời, cần tái cơ cấu ngành điện, trong đó các khâu mang tính độc quyền tự nhiên như truyền tải và phân phối điện cần được tách biệt khỏi các khâu cạnh tranh như phát điện và bán lẻ, tránh tư nhân hóa ồ ạt trong lĩnh vực truyền tải để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

qt1_2899-1-.jpg
Cần đổi mới tư duy thị trường để thúc đẩy thị trường năng lượng cạnh tranh lành mạnh.

“Đầu tư vào hạ tầng công nghệ hiện đại cũng là điều kiện tiên quyết để xây dựng thị trường điện cạnh tranh. Việc phát triển các công cụ tài chính như thị trường phái sinh điện sẽ giúp quản lý rủi ro, đồng thời minh bạch hóa chi phí vận hành. Đặc biệt, cần nâng cao năng lực các đơn vị bán lẻ điện trong dự báo, quản lý rủi ro và chăm sóc khách hàng, nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Cơ chế giá điện linh hoạt, áp dụng theo vùng hoặc lĩnh vực, sẽ là giải pháp hiệu quả để thúc đẩy sự phát triển đồng bộ của thị trường điện”, PGS-TS Đinh Văn Châu cho hay.

Đề xuất giải pháp để phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh, PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, cần một cách tiếp cận mới về tư duy thị trường, hiện đại hóa và tầm nhìn năng lượng tái tạo từ đó tạo cơ hội thời đại và vị thế quốc gia mới. Trong quá trình này, cần điều chỉnh chiến lượng phát triển năng lượng tái tạo cả phía cung lẫn phía cầu trên cơ sở căn bản về giá cả và thị trường điều tiết, chủ động đẩy mạnh quá trình thị trường hóa điện song hành cùng giá điện.

“Để giá điện thực sự mang tính thị trường và công bằng trong xã hội, cần tách bạch vai trò giữa nhà nước và thị trường. Cần trả lại vai trò doanh nghiệp đích thực cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đồng thời đẩy nhanh việc hình thành cơ chế giá điện 2 thành phần (giá công suất và giá điện năng), cũng như chủ động có kế hoạch điều chỉnh giả điện theo mùa vụ, trừ trường hợp bất thường”, PGS-TS Trần Đình Thiên đề nghị.

Được biết, Luật Điện lực (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 30/11/2024. Đây là Dự án Luật quan trọng, có tác động lớn đến nền kinh tế, đảm bảo cho các mục tiêu tăng trưởng, phát triển của đất nước cũng như an ninh năng lượng quốc gia. Luật đã bao quát được các chính sách lớn như quy hoạch điện lực, thị trường điện và phát triển năng lượng tái tạo, bảo đảm đồng bộ với các luật liên quan, bổ sung nhiều quy định để tháo gỡ những điểm nghẽn đã tồn tại trong thời gian dài. Có hiệu lực từ ngày 01/02/2025, Luật Điện lực (sửa đổi) được kỳ vọng mở ra chương mới cho ngành năng lượng Việt Nam.

Bài: Yến Nhung - Ảnh: Quốc Tuấn