Tín dụng - Ngân hàng

Ngân hàng nới lỏng trích lập dự phòng để tăng lợi nhuận

Quản Trọng Thành, Giám đốc Khối NCPT Maybank Investment Bank (MSVN) 07/12/2024 04:05

Nhiều ngân hàng đã nới lỏng trích lập dự phòng và sử dụng dự phòng tổn thất cho vay (mà các ngân hàng đã tích lũy trong những năm trước) để quản lý tăng trưởng lợi nhuận của mình.

Theo BCTC của các ngân hàng trong 9 tháng đầu 2024, biên lãi ròng (NIM) của các ngân hàng ghi nhận giảm do lãi suất cho vay giảm nhanh và cho vay bán lẻ thấp hơn.

Biên lãi ròng còn áp lực giảm

Biên lãi ròng 9 tháng 2024 (9T2024) của các ngân hàng niêm yết ghi nhận giảm (16 điểm cơ bản so với 9T2023 và 12 điểm cơ bản 2023) xuống còn trung bình 3,82%.

ty-gia-anh-quoc-tuan-enternews-1695390349(1).jpg
Dự báo NIM toàn ngành sẽ tiếp tục chịu áp lực trong Q4/2024 (hoặc kéo dài đến nửa đầu năm 2025). Ảnh minh họa: Quốc Tuấn

So với 9T2023, có 8 ngân hàng đã ghi nhận NIM giảm trong 9T2024 do lợi suất cho vay giảm nhanh hơn, nguyên nhân là do lãi suất cho vay chung giảm và tỷ lệ cho vay bán lẻ thấp hơn. Trong khi đó, chỉ có 6 ngân hàng ghi nhận NIM cải thiện so với cùng kỳ nhờ vào bao gồm TCB (nhờ chi phí vốn giảm nhanh hơn), VPB (nhờ lợi suất cho vay ổn định và chi phí vốn giảm) và HDB, LPB (nhờ lợi suất cho vay tương đối cao).

Theo kế hoạch gần đây của ban lãnh đạo các ngân hàng niêm yết, chúng tôi dự báo NIM toàn ngành sẽ tiếp tục chịu áp lực trong quý 4/2024 (hoặc kéo dài đến nửa đầu năm 2025) do lợi suất cho vay có thể duy trì ở mức ổn định (do cạnh tranh cao để thu hút khách vay) trong khi lãi suất tiền gửi đang tăng lên.

Các ngân hàng hiện tại có lợi suất cho vay thấp + lợi thế về chi phí + dư địa để tăng cho vay bán lẻ nhanh hơn sẽ có khả năng bảo vệ NIM tốt hơn và có nhiều cơ hội trong việc cải thiện NIM trong giai đoạn 2025-2026.

Chúng tôi nhận thấy TCB và VCB có khả năng duy trì NIM tốt nhất, nhờ khả năng cạnh tranh về chi phí huy động vốn và lợi suất cho vay lành mạnh. Lưu ý rằng NIM của TCB có khả năng hồi phục hơn nữa khi thu lãi từ các khoản vay theo cơ chế định giá linh hoạt (chủ yếu là trong năm 2025).

Sau khi xem xét KQKD 9T2024, chúng tôi duy trì dự báo NIM (sau khi đã hạ dự báo trong quý 2/2024), ước tính NIM bình quân của các ngân hàng niêm yết sẽ giảm khoảng 24 điểm cơ bản xuống còn khoảng 3,7% trong năm 2024 và duy trì ở định ở mức này trong năm 2025 theo kịch bản cơ sở, và có thể sẽ phục hồi nhẹ khoảng 10 điểm cơ bản trong kịch bản tích cực (với tăng trưởng tín dụng mạnh hơn dự kiến được thúc đẩy bởi cho vay bán lẻ).

Nới lỏng trích lập dự phòng

Tổng chi phí dự phòng của 17 ngân hàng niêm yết chỉ tăng 9% n/n trong 9T2024, tương đương với tỷ lệ trích lập dự phòng là 1,27%, điều này dường như không tương xứng với mức tăng 30% YTD của các khoản nợ xấu tuyệt đối.

bank11.jpg

Chúng tôi nhận thấy rằng nhiều ngân hàng đã quyết định nới lỏng trích lập dự phòng và sử dụng dự phòng tổn thất cho vay (mà các ngân hàng đã tích lũy trong những năm trước) để quản lý tăng trưởng lợi nhuận của mình. Do đó, tỷ lệ bao phủ nợ nấu (LLCR) đã giảm xuống còn 83% (tính chung) đối với 17 ngân hàng niêm yết (so với 94% vào cuối năm 2023).

Dựa trên tỷ lệ trích lập dự phòng và tình trạng LLCR của các ngân hàng, chúng tôi cho rằng chỉ có một số ít ngân hàng (VCB, BID, CTG, TCB) đã thực hiện trích lập dự phòng hợp lý trong 9T2024. Đặc biệt, VCB, BID và CTG có khả năng giảm trích lập dự phòng vì tỷ lệ NPL của các ngân hàng này vẫn ở mức thấp và LLCR vẫn rất tốt.

Theo quan điểm của chúng tôi, TCB đã thực hiện dự trích lập phòng thận trọng nhất, vì ngân hàng duy trì tỷ lệ trích lập dự phòng ở mức hợp lý (0,9%, thay vì giảm trích lập để đẩy mạnh trăng trưởng lợi nhuận) và do đó duy trì LLCR ở mức đáng kể là 104%.

Triển vọng lợi nhuận 2024-2025: Dựa trên kế hoạch lợi nhuận của các ngân hàng trong năm 2024, các chỉ số hoạt động chính và phân tích của chúng tôi về động lực ngành trong 9T2024, chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận sẽ tăng trưởng 16-17% cho năm 2024-2025.

Quản Trọng Thành, Giám đốc Khối NCPT Maybank Investment Bank (MSVN)