Vai trò của chuỗi cung ứng bền vững
Vấn đề bền vững đang ngày càng nhận được thêm nhiều sự quan tâm trên toàn cầu.
Cách đây mấy tháng, báo chí có đăng tin về việc biến đổi khí hậu làm tăng cường độ của hai cơn bão Helene và Milton, để lại hậu quả nặng nề cho Mỹ. Chẳng phải đâu xa, siêu bão Yagi cũng tàn phá và ảnh hưởng đến đời sống của nhiều quốc gia Đông Nam Á. Tôi thực sự sốc khi chứng kiến hiện tượng trái đất nóng lên có thể khiến các cơn bão có thể trở nên tàn bạo và có sức phá hủy ghê gớm hơn. Điều đó một lần nữa nhắc chúng ta nhớ rằng biến đổi khí hậu là một vấn đề sát sườn với hậu quả vô cùng sâu rộng tới tất cả chúng ta trên thế giới này.
Điều đáng mừng là vấn đề bền vững đang ngày càng nhận được thêm nhiều sự quan tâm trên toàn cầu. Cùng với đó là báo cáo mới nhất từ Uỷ ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) nhấn mạnh hậu quả nếu chúng ta không hành động khiến áp lực thúc đẩy các công ty thực thi thông lệ bền vững càng gia tăng ở thời điểm hiện tại. Áp lực từ các bên như nhà đầu tư, khách hàng, nhân viên và cơ quan quản lý khiến thay đổi này diễn ra nhiều hơn. Nhờ vậy, chúng ta có thể thấy nhiều công ty đưa ra cam kết cân bằng phát thải như một phần chính sách môi trường cũng như ESG nói chung. Theo nghiên cứu của PwC, ở Việt Nam, 40% doanh nghiệp trong nước đã có kế hoạch và đề ra cam kết ESG. Trong một khảo sát do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng) thực hiện, 48,7 doanh nghiệp đánh giá rằng giảm phát thải, chuyển đổi xanh là cần thiết.
Bài toán nan giải nhất
Các công ty toàn cầu lớn đã lồng ghép ESG vào hoạt động của họ. Chẳng hạn, HSBC hướng tới mục tiêu đạt cân bằng phát thải trong hoạt động và chuỗi cung ứng vào năm 2030, trong danh mục tài trợ vào năm 2050. Không chỉ dừng ở đó, hướng tiếp cận này đang ngày càng được triển khai rộng hơn trên toàn chuỗi cung ứng.
Trong bối cảnh các doanh nghiệp tích cực tìm cách để cải thiện các chỉ số bền vững, phần lớn trong số họ sẽ đào sâu hơn vào chuỗi cung ứng của mình. Lý do rất giản đơn. Đối với hầu hết các tổ chức, tác động môi trường trong chuỗi cung ứng của họ vượt xa tác động liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của chính họ. Bình quân, chuỗi cung ứng chiếm hơn 90% lượng phát thải khí nhà kính của một doanh nghiệp.
Phát thải phạm vi 3 (Scope 3 emissions), sản sinh ra từ các bên cung ứng của doanh nghiệp, chính là bài toán nan giải nhất với nhiều công ty cam kết giảm dấu chân các-bon của họ. Mặc dù vậy, nỗ lực của họ cũng rất đáng khích lệ. Theo nghiên cứu của EY, 78% doanh nghiệp đang phát triển các chương trình và sáng kiến xoay quanh chuỗi cung ứng bền vững với các đối tác quan trọng, cho thấy tham vọng thay đổi mạnh mẽ. Trong khảo sát Tương lai của thương mại của DMCC, hầu hết người tham gia (59%) kỳ vọng doanh nghiệp ngưng hợp tác với những bên có kết quả ESG yếu kém khỏi chuỗi cung ứng của họ.
Bền vững cũng là một ưu tiên ngày càng lớn được coi là vấn đề trọng tâm của doanh nghiệp ở châu Á trong việc quản lý chuỗi cung ứng và đáp lại kỳ vọng của khách hàng. Kết quả báo cáo Chuỗi cung ứng châu Á – Một kỷ nguyên mới của HSBC cho thấy các công ty không chỉ đang xây dựng chính sách bền vững mà còn đầu tư vào việc triển khai những thông lệ bền vững trên toàn mạng lưới của họ.
Tháo gỡ rào cản
Mặc dù ngày càng nhiều doanh nghiệp áp dụng chính sách môi trường và xã hội đối với chuỗi cung ứng, việc xanh hóa toàn chuỗi không hề đơn giản, nhất là trong bối cảnh thiếu dữ liệu liên quan và sự minh bạch. Về lâu về dài, áp lực thúc đẩy chuỗi cung ứng xanh hơn sẽ dẫn đến thay đổi lớn trong hoạt động thương mại mà ở đó, doanh nghiệp không chỉ tìm kiếm nguồn cung hiệu quả về mặt chi phí mà còn đòi hỏi nhiều dữ liệu hơn từ các nhà sản xuất thân thiện với môi trường.
Nhà cung cấp ở nhiều nơi trên thế giới gặp khó khăn trong việc cải thiện các chỉ số bền vững, chẳng hạn như không tiếp cận được nguồn vốn, thiếu ưu đãi cũng như hiểu biết. Tiến tới chuỗi cung ứng bền vững, một nghiên cứu mới đây của HSBC và Boston Consulting Group (BCG), nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ không có nhân viên chuyên về khí hậu cũng như gặp hạn chế trong tiếp cận nguồn vốn để thúc đẩy và tài trợ cho những thay đổi liên quan đến khí hậu.
Cụ thể, chi phí chuyển đổi có thể là một khoản tốn kém đặc biệt đối với những nhà máy quy mô nhỏ ở các thị trường đang phát triển và doanh nghiệp cũng cần cân nhắc về sự khác biệt trong môi trường pháp lý tại các thị trường mà nhà cung cấp của họ hoạt động. Báo cáo này cho thấy một nhu cầu cần có “đầu tàu” dẫn dắt qua gian khó mà ở đó, các tập đoàn lớn cung cấp thanh khoản, chia sẻ kiến thức và nguồn lực với các doanh nghiệp nhỏ hơn. Đây là nơi các ngân hàng toàn cầu có thể phát huy vai trò hỗ trợ giảm phát thải cho các dòng chảy thương mại và chuỗi cung ứng xuyên biên giới.
Chẳng hạn, HSBC phối hợp với các doanh nghiệp để hỗ trợ họ đạt được các chỉ tiêu môi trường và xã hội lâu dài, sâu rộng trên toàn hệ thống. Sản phẩm và dịch vụ chiến lược của chúng tôi bao gồm giải pháp tài chính cho chuỗi cung ứng bền vững có tiềm năng lớn lao để giúp các công ty giảm phát thải phạm vi 3 và triển khai các hoạt động khí hậu trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Giải pháp này có thể giúp các nhà cung cấp của khách hàng tiếp cận vốn lưu động, thường là dưới hình thức điều khoản thanh toán sớm hoặc các mức lãi suất theo bậc tùy theo chỉ số bền vững của nhà cung cấp, có thể được dùng để hỗ trợ giảm phát thải và cải thiện chỉ số bền vững nói chung. Với giải pháp tài chính này, các doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc chuỗi cung ứng của doanh nghiệp lớn sẽ có tiếp cận tốt hơn đến nguồn vốn lưu động từ ngân hàng với lãi suất thấp hơn so với khoản họ tự đi vay.
Năm 2019, HSBC đã hỗ trợ tập đoàn bán lẻ Walmart của Mỹ xây dựng chương trình tài chính cho chuỗi cung ứng đầu tiên trong ngành, không chỉ tạo điều kiện giảm phát thải khí nhà kính mà còn áp dụng các chỉ tiêu có cơ sở khoa học để giảm phát thải theo lộ trình giữ mức nóng lên của trái đất ở 1,5°C. Chương trình này bao gồm các tiêu chuẩn nâng cao, công cụ và hoạt động xây dựng năng lực để giúp các nhà cung cấp nhãn hiệu riêng cho Walmart cải thiện bản thân. Ngược lại, các nhà cung cấp này cũng điều chỉnh hoạt động cho phù hợp với các mục tiêu bền vững minh bạch và có thể tiếp cận mức giá tốt hơn so với các sản phẩm và dịch vụ tài chính cho chuỗi cung ứng truyền thống. Những nhà cung cấp áp dụng chỉ tiêu có cơ sở khoa học, báo cáo đạt chuẩn quốc tế, thăng hạng trong Chương trình công bố thông tin khí hậu (Climate Disclosure Program - CDP), cho thấy tiến bộ trong các chỉ tiêu bền vững sẽ được ưu đãi bằng cơ hội tiếp cận nguồn vốn tốt hơn từ HSBC.
HSBC đã phát triển giải pháp này trên toàn cầu bao gồm châu Á – Thái Bình Dương, châu Âu, Mỹ và Trung Đông với nhiều chương trình triển khai thành công cho khách hàng trong nhiều lĩnh vực, từ bán lẻ, giày dép, dệt may… Ở những thị trường như Việt Nam, chúng tôi nhìn thấy tiềm năng lớn đối với dịch vụ tài chính cho chuỗi cung ứng bền vững bởi sự quan tâm không nhỏ của các khách hàng trong ngành hàng tiêu dùng nhanh, logistics…
Tóm lại, bền vững đã nhanh chóng trở thành một mối quan tâm cốt lõi trong các thảo luận về chuỗi cung ứng doanh nghiệp ngày nay, chủ yếu do sức ép từ người tiêu dùng và nhà đầu tư mong muốn nhìn thấy các doanh nghiệp nơi họ mua hàng hoặc đầu tư vào nâng cao tiêu chuẩn đạo đức của nhà sản xuất. Những thảo luận này sẽ còn tiếp tục diễn biến và để lại tác động lên chiến lược chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngành tài chính sẽ có vai trò trong việc hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy chiến lược bền vững trên toàn mạng lưới của họ.