Nghiên cứu - Trao đổi

Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân: Nên linh hoạt mức giảm trừ gia cảnh

Gia Nguyễn 08/12/2024 03:30

Để tránh bất cập phát sinh trong thực tế, theo chuyên gia, việc sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân có thể đưa vào quy định mức giảm trừ gia cảnh tự động thay tỷ lệ tăng CPI…

Dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) mà Bộ Tài chính đang đưa ra lấy ý kiến các bộ, ngành để sửa đổi và dự kiến trình Quốc hội vào năm 2026 sẽ sửa đổi, bổ sung 31/35 điều. Trong đó, sửa nội dung về thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công của cá nhân cư trú (Điều 11); về giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc (Điều 19)... nhận được sự quan tâm đặc biệt.

sua-luat-thue-thu-nhap-ca-nhan-07.12.2.jpg
Nội dung sửa đổi về thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công của cá nhân cư trú (Điều 11); về giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc (Điều 19)... nhận được sự quan tâm đặc biệt - Ảnh minh họa: ITN

Trong tờ trình Chính phủ của Bộ Tài chính về việc sửa đổi cũng nhấn mạnh “Yêu cầu nghiên cứu điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế và người phụ thuộc cho phù hợp bối cảnh mới...” để giảm gánh nặng cho người nộp thuế.

Quan điểm sửa luật lần này là “bổ sung những quy định đang là vướng mắc, không còn phù hợp để kịp thời giải quyết những vấn đề bất cập phát sinh trong thực tế, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cá nhân...”.

Thực tế cho thấy, mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân (áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020) đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng; đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng đang là rất thấp.

Bởi, Luật Thuế thu nhập cá nhân từ khi ra đời đến nay, trải qua từng giai đoạn khác nhau, mức giảm trừ gia cảnh đã được điều chỉnh. Từ ngày 01/01/2009, quy định mức giảm trừ với đối tượng nộp thuế là 4 triệu đồng/tháng; mức giảm trừ với mỗi người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng.

sua-luat-thue-thu-nhap-ca-nhan-07.12.1.jpg
Nhiều ý kiến cho rằng, việc nâng mức giảm trừ gia cảnh cần có sự linh hoạt hơn nữa để phù hợp với thực tế phát triển - Ảnh minh họa: ITN

Từ 01/7/2013, mức giảm trừ với đối tượng nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng; mức giảm trừ với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng. Ngày 02/6/2020, nhờ có Nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh (áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020), mức giảm trừ với đối tượng nộp thuế được nâng lên mức 11 triệu đồng/tháng; mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.

Mặc dù mức giảm này khi đưa vào áp dụng được đánh giá đã góp phần giảm bớt nghĩa vụ cho người nộp thuế, thế nhưng, chỉ trong thời gian ngắn sau đó, mức thu nhập của người có nguồn thu từ tiền lương, tiền công ở ngưỡng 17 triệu đồng/tháng (nếu có 1 người phụ thuộc) cũng đã nhanh chóng lạc hậu.

Xoay quanh vấn đề đã nêu, không ít ý kiến cho rằng, Bộ Tài chính cần cân nhắc kỹ lưỡng mức giảm trừ gia cảnh, tổng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế ở khu vực thành thị khoảng 18-20 triệu đồng là phù hợp. Đặc biệt, Luật Thuế thu nhập cá nhân nên quy định cơ chế linh hoạt điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo tỷ lệ tăng lương tối thiểu vùng tương ứng.

Ví dụ, mức giảm trừ gia cảnh với người nộp thuế bằng 4 lần lương tối thiểu vùng và người phụ thuộc bằng 1,5 - 2 lần lương tối thiểu vùng. Như vậy, mỗi lần điều chỉnh giảm trừ gia cảnh không cần trình, không cần xin ý kiến, đồng thời có thể linh hoạt điều chỉnh cho từng khu vực thành thị và nông thôn.

Theo Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hồ Chí Minh, hiện nay tại TP Hồ Chí Minh lương tối thiểu vùng là 4,96 triệu đồng. Với mức này, nếu giảm trừ gia cảnh gấp 4 lần lương thì người lao động phải được giảm trừ 19,84 triệu đồng, thay vì 11 triệu mỗi tháng như Dự thảo Luật.

Vị chuyên gia này cho rằng, giảm trừ gia cảnh là mức chi phí để đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người đóng thuế và người phụ thuộc. Để giảm trừ gia cảnh không lạc nhịp với chi tiêu, lương thực tế của người dân, Chính phủ nên điều chỉnh khi CPI biến động 5-10% là cần thay đổi mức giảm trừ thuế thu nhập. Với người phụ thuộc, Luật sư Nghĩa đề nghị ngưỡng giảm trừ nên bằng 50% mức của người nộp thuế, cao hơn tỷ lệ 40% hiện hành.

Còn theo TS Nguyễn Quốc Việt - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR), với mức giảm trừ gia cảnh, không chỉ nâng lên một mức nhất định mà cần phải phân theo mức sống thực tế ở từng vùng miền. Cần căn cứ vào lương tối thiểu vùng để có mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế cá nhân và người phụ thuộc cho tương ứng ở vùng miền đó.

“Mặt khác để đảm bảo công bằng, cần tính toán cho khấu trừ các chi phí liên quan trực tiếp đến người nộp thuế cá nhân và người phụ thuộc. Đơn cử như chi phí học tập, khám chữa bệnh... phải được khấu trừ trước khi tính thuế giảm trừ gia cảnh”, vị chuyên gia này bày tỏ.

Xoay quanh vấn đề này, một số ý kiến cũng cho hay cần liên kết mức giảm trừ gia cảnh với các chỉ số kinh tế quan trọng như GDP bình quân đầu người. Hiện nay, mức giảm trừ gia cảnh cố định dẫn đến sự bất cập khi kinh tế tăng trưởng nhưng thu nhập khả dụng của người dân không được phản ánh đầy đủ.

Việc điều chỉnh dựa trên chỉ số giá tiêu dùng đã được luật định nhưng ngưỡng biến động 20% là quá cao và thiếu tính linh hoạt. Cần xây dựng cơ chế tự động cập nhật mức giảm trừ gia cảnh mỗi năm, dựa trên tỉ lệ tăng trưởng GDP hoặc mức tăng chi phí sinh hoạt trung bình, giúp đảm bảo chính sách sát với thực tế hơn. Điều này cũng hạn chế việc cần sửa đổi luật định kỳ, tiết kiệm nguồn lực hành chính.

Gia Nguyễn