Bằng cấp có vai trò thế nào với các CEO hàng đầu thế giới
Trong danh sách Future 50 CEO có đến 10% không có bằng đại học, và số người có bằng cấp trên đại học chỉ chiếm ⅓.
Dù bất ngờ nhưng đó là sự thật. Những vị “đương kim” CEO được lọt vào danh sách các CEO xuất sắc nhất của Fortune không phải ai cũng theo học tại các trường trong hệ thống đại học hàng đầu Ivy League hoặc có bằng cấp về quản trị kinh doanh.
Cụ thể, trong danh sách Future 50 CEO của Fortune: 46% tốt nghiệp đại học; 18% có bằng MBA (Thạc sĩ quản trị kinh doanh); 18% có bằng tiến sĩ; 22% tốt nghiệp Harvard hoặc Stanford và ấn tượng nhất là 10% không học hoặc không tốt nghiệp đại học.
Trong số những người không có bằng đại học, có những tên tuổi lớn như CEO Sam Altman của OpenAI hay hoặc Tobias Lutke của Shopify.
Ông Jensen Huang, CEO Nvidia, người vừa có chuyến thăm Việt Nam, đã lấy bằng thạc sĩ về kỹ thuật điện từ Đại học Stanford và sau đó nhận bằng danh dự từ Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong.
Ông Debanjan Saha, CEO của DataRobot, công ty chuyên về ứng dụng AI xếp thứ 24 trong danh sách Future 50, nhận định rằng con đường dẫn đến vị trí lãnh đạo đang dần cởi mở hơn, đặc biệt trong những lĩnh vực liên quan đến công nghệ. Tại đó, bằng cấp không phải là thiết yếu, cũng chẳng phải điều kiện để lên làm người đứng đầu công ty. Thay vào đó, các công ty cần một người có kiến thức chuyên môn công nghệ thật vững chắc.
Về bản thân mình, ông Saha học đại học tại Viện Công nghệ Ấn Độ, sau đó lấy bằng Tiến Sĩ về khoa học máy tính tại Đại học Maryland.
Nhận định về xu hướng hiện nay, ông chia sẻ rằng điểm nổi bật của bằng Tiến Sĩ hoặc các bằng cấp cao cấp khác không chỉ nằm ở chuyên môn kỹ thuật mà nó đại diện, mà đó còn là minh chứng cho khả năng khám phá và học hỏi - những phẩm chất rất cần thiết cho một người lãnh đạo trong bối cảnh thị trường thay đổi nhanh chóng như hiện nay.
Ngoài ra, ông cho rằng thành công của những nhà lãnh đạo đã không còn dựa quá nhiều vào bằng cấp chính quy, mà chủ yếu đến từ khả năng thích ứng, tầm nhìn và khả năng truyền cảm hứng để cùng công ty giải quyết các vấn đề phức tạp.
Trái ngược với nền tảng giáo dục của ông Saha là ông Tomer Weingarten, CEO của công ty an ninh mạng SentinelOne (xếp thứ 37 trong danh sách Future 50). Ông không theo học đại học vì cho rằng nó “lãng phí thời gian quý báu”.
Chia sẻ với Fortune, ông giải thích rằng việc học đại học để lấy được bằng cấp và có được công việc ổn định không phù hợp với sự tự do mà ông muốn xây dựng hoặc tốc độ tiếp thu kiến thức của mình. Vậy nên ông đã mua sách lập trình và tự mình khám phá các công nghệ tiên tiến nhất, chẳng hạn các thuật toán hoặc đám mây. Theo ông, sự chính trực, khéo léo, bền bỉ và theo đuổi đến cùng mục đích mới là chìa khóa thành công trong kinh doanh và cuộc sống.
Lý do “lãng phí thời gian quý báu” có vẻ rất quen thuộc với nhiều “cao thủ” công nghệ trong khoảng 30 năm trở lại đây. Đó chính là lí do của những Bill Gates, Steve Jobs hay Mark Zuckerberg. Tuy vậy, Bill Gates vẫn nói là “nên đi học đại học, đừng bắt chước tôi”.