Bao giờ mới hết cảnh ô tô, xe máy lấn làn, giao thông hỗ loạn?
Càng ngày “vấn nạn” ô tô, xe máy lấn làn, chen nhau càng trở nên phổ biến ở các thành phố lớn, nhất là vào khung giờ cao điểm, khi mật độ giao thông tăng cao.
Tại Hà Nội, vào giờ cao điểm sáng và chiều, các phương tiện giao thông phải di chuyển chậm chạp. Tình trạng giao thông hỗn loạn thường xuyên xảy ra. Những lúc này, nhiều tài xế ô tô cảm thấy khó chịu khi phải chờ đợi trong sự tắc nghẽn. Để rút ngắn thời gian, một số tài xế sẽ lấn sang làn xe máy hoặc đè lên vạch phân làn, thậm chí một số người còn lái xe ô tô vào phần đường dành riêng cho xe máy. Ngược lại nhiều xe máy, cứ thấy chỗ nào trống là chen vào, bất chấp đó là làn đường dành cho ô tô.
Tại đường Nguyễn Trãi, nối quận Thanh Xuân và quận Hà Đông, dù cho mặt đường khá rộng và có sự phân làn rõ ràng, nhưng cứ vào giờ cao điểm sáng và chiều thì tình trạng giao thông hỗn loạn luôn xảy ra. Ô tô lấn sang chiếm hết cả làn dành riêng cho xe máy, còn xe máy thì cứ “điền vào chỗ trống” gây ra ùn tắc kéo dài. Các con đường khác như Láng Hạ, Lê Văn Lương, Tố Hữu nối các quận Đống Đa, Thanh Xuân và Hà Đông cũng tương tự. Đường có làn dành riêng cho xe buýt nhanh thì xe máy tràn vào, trong khi 2 làn còn lại ô tô chiếm hết.
Với những con đường nhỏ hơn, không có sự phân làn rõ ràng thì còn rối loạn hơn nữa. Đường Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân là một điển hình. Con đường này dài hơn 1 km, nhưng là điểm nhức nhối về ùn tắc giao thông hàng ngày. Mỗi chiều có 2 làn, nhưng vào giờ cao điểm ô tô thường chiếm cả 2 làn, đẩy xe máy chạy lên vỉa hè.
Tình trạng ô tô lấn làn xe máy phổ biến khắp toàn thành phố từ lâu đến nay không được cải thiện mà ngày càng trầm trọng hơn. Khi ô tô lấn sang làn xe máy thì tình trạng ùn tắc giao thông sẽ càng trở nên nghiêm trọng. Các phương tiện không thể di chuyển như bình thường, dẫn đến tắc nghẽn kéo dài. Điều này cũng gây ra nhiều bức xúc cho người tham gia giao thông.
“Vấn nạn” này không chỉ ảnh hưởng đến trật tự giao thông mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn. Xe máy vốn có kích thước nhỏ và tốc độ di chuyển nhanh, dễ bị va chạm khi các tài xế ô tô bất ngờ lấn sang làn đường của họ. Các vụ tai nạn này có thể gây thương vong cho người lái xe máy, đặc biệt là những trường hợp lái xe không kịp phản ứng.
Có nhiều yếu tố tác động đến việc ô tô, xe máy lấn làn chen nhau. Một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến việc lấn làn là ý thức kém của người điều khiển phương tiện giao thông. Nhiều lái xe không chú ý đến việc tuân thủ các quy định về làn đường, đặc biệt là những đoạn đường không có phân làn rõ ràng hoặc trong tình trạng tắc đường.
Mặc dù thành phố Hà Nội đã đầu tư nhiều cho phát triển hạ tầng giao thông, nhưng vấn đề phân làn trên các tuyến đường vẫn chưa được chú trọng đúng mức. Ở nhiều khu vực, các làn đường dành cho xe máy và ô tô không được phân chia rõ ràng, hoặc khi có phân làn thì các vạch kẻ đường lại không đủ nổi bật, khiến cho tài xế ô tô dễ dàng lấn làn mà không nhận ra. Thậm chí, trong một số trường hợp, những con đường hẹp, tắc nghẽn khiến cho tài xế ô tô buộc phải lấn làn xe máy.
Pháp luật đã quy định rõ làn đường dành cho các phương tiện giao thông và mức phạt khi vi phạm. Mức xử phạt được quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP. Theo đó, ô tô bị phạt tiền từ 4 - 6 triệu đồng và tước bằng lái từ 1-3 tháng khi đi sai làn. Trường hợp xe đi sai làn, gây tai nạn giao thông, mức phạt từ 10-12 triệu đồng và bị giữ giấy phép lái xe từ 2-4 tháng.
Đối với xe máy đi sai làn, phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng. Riêng xe máy đi sai làn và gây tai nạn, phạt tiền từ 4-5 triệu đồng và tước giấy phép lái xe từ 2-4 tháng.
Tuy nhiên, việc xử phạt không nghiêm minh, khiến cho người tham gia giao thông coi thường và coi việc vi phạm là chuyện bình thường, không có gì phải bận tâm. Vì vậy, vấn nạn giao thông hỗn loạn ngày càng thêm trầm trọng.