Ưu tiên, phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, da giày
Việc hình thành trung tâm nguyên phụ liệu với ngành dệt may, da giày là vấn đề cần xúc tiến sớm để doanh nghiệp tự chủ nguyên liệu.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2024 ước đạt 44 tỷ USD, bằng mức dự kiến, tăng 11,26% so với năm 2023; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 25 tỷ USD, tăng 14,79%; xuất siêu 19 tỷ USD, tăng 6,93% so với năm 2023. Đứng đầu thị trường xuất khẩu dệt may trong năm 2024 vẫn là Mỹ với kim ngạch ước đạt 16,71 tỷ USD, tăng 12,33% so với năm 2023 và chiếm tỷ trọng 37,98% tổng kim ngạch xuất khẩu, tiếp đó là Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc và thị trường ASEAN.
Bên cạnh đó, trong năm 2024, ngành dệt may Việt Nam còn có nhiều lợi thế, khi 17/19 Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đã có hiệu lực. Đây là thị trường mang tính toàn cầu mang lại lợi thế rất lớn cho dệt may Việt Nam. Cộng đồng doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam đã tiếp thu rất nhanh chiến lược đa dạng hóa thị trường; đa dạng hóa đối tác khách hàng và đa dạng hóa sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Tuy nhiên, ngành này cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, như ít cơ hội tiếp cận với những đơn hàng lớn, đơn giá không tăng và phụ thuộc nguồn nguyên liệu. Cụ thể, hiện tại, các FTA thế hệ mới đang đòi hỏi yêu cầu xuất xứ từ sợi, vải trở đi, trong khi đó, Việt Nam vẫn đang phải nhập khẩu khá nhiều xơ sợi và vải, đặc biệt từ Trung Quốc.
Số liệu thống kê từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho thấy, 70% trong số hơn 3.800 nhà máy dệt sản xuất các sản phẩm may mặc, chỉ có 6% sản xuất sợi, 17% sản xuất vải và 4% là các cơ sở nhuộm. Mỗi năm, Việt Nam sử dụng khoảng 400.000 tấn bông nhưng chỉ có 3.000 tấn được cung cấp bởi các chuỗi cung ứng trong nước, tức là tỉ lệ nội địa chưa đáp ứng được 1% nhu cầu.
Trước thực tế nêu trên, không ít ý kiến cho rằng, việc hình thành trung tâm nguyên phụ liệu với ngành dệt may, giày da là vấn đề cần xúc tiến sớm để doanh nghiệp tự chủ nguyên liệu.
Nêu quan điểm về vấn đề này, đại diện Hội Dệt may Thêu đan TP. Hồ Chí Minh cho biết, đa số các nguyên phụ liệu cho ngành dệt may chủ yếu được nhập từ nước ngoài, ngành dệt may cả nước đều vướng phải tình trạng xuất sợi và nhập lại do khâu dệt, nhuộm còn yếu, buộc phải nhập lượng lớn nguyên liệu vải để sản xuất.
Hiện nay, sản xuất nguyên liệu hỗ trợ cho ngành dệt may mới chỉ tập trung cho các công đoạn giá trị gia tăng thấp như cúc, nhựa cài, chỉ dây, khóa kéo… còn các khâu có giá trị gia tăng cao như sợi, hóa chất, chất trợ nhuộm, nhuộm in hoa và hoàn tất vải vẫn phải nhập khẩu. Ngay cả các máy móc công nghệ hỗ trợ, các loại nút áo cũng phải nhập khẩu vì sản phẩm trong nước chưa đáp ứng được các yêu cầu. Các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm may mặc của Việt Nam vẫn sản xuất theo phương thức gia công đơn giản, thiếu khả năng cung cấp trọn gói.
“Do vậy, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may cần được ưu tiên, sớm thu hút được các tập đoàn đa quốc gia đầu tư công nghệ, vốn, thúc đẩy hình thành hệ thống doanh nghiệp hỗ trợ phục vụ cho ngành dệt may”, đại diện Hội Dệt may Thêu đan TP Hồ Chí Minh chia sẻ.
Đồng tình với quan điểm trên, Chủ tịch Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso) Nguyễn Đức Thuấn cũng nhấn mạnh, việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và tăng cường tự chủ nguồn nguyên liệu là giải pháp cấp thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế. Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã xác định dệt may – da giày là hai trong số 7 ngành công nghiệp ưu tiên của Việt Nam. Tuy nhiên, để tiếp tục phát triển ngành trong giai đoạn sắp tới, cần có những giải pháp đột phá để nâng cấp chuỗi giá trị ngành nhằm tạo ra những lợi ích bền vững.
“Để làm được điều này, cần phải thúc đẩy phát triển hoạt động của thị trường cung ứng nguyên phụ liệu theo hướng quy mô, chuẩn hóa và minh bạch. Từ đó giúp các doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao tính năng động, hiệu quả, có cơ hội vươn lên và tham gia vào chuỗi cung ứng ngành. Trên cơ sở đó, chúng tôi đã kiến nghị xây dựng khu trung tâm giao dịch phát triển nguyên phụ liệu và đổi mới sáng tạo ngành thời trang Việt Nam tại Bình Dương”, ông Nguyễn Đức Thuấn đề nghị.