Nghiên cứu - Trao đổi

Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân: Cần thiết xử lý bất cập về bậc thuế

Gia Nguyễn 09/12/2024 04:30

Cùng với vấn đề liên quan đến giảm trừ gia cảnh trong tính thuế, góp ý sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân, không ít ý kiến cũng cho rằng, cần thiết xử lý bất cập về bậc thuế...

Theo đó, bên cạnh nội dung liên quan đến mức giảm trừ gia cảnh trong tính thuế thu nhập cá nhân, một trong những nội dung nhận được sự quan tâm, chú ý trong sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành là đề xuất nghiên cứu, điều chỉnh Biểu thuế lũy tiến từng phần đối với thu nhập từ tiền lương tiền công của cá nhân cư trú.

sua-luat-thue-thu-nhap-ca-nhan-08.12.1.jpg
Quá trình áp dụng Biểu thuế lũy tiến từng phần hiện hành được cho là chưa hợp lý - Ảnh minh họa: ITN

Cụ thể, khoản 2 Điều 22 Luật Thuế thu nhập cá nhân quy định Biểu thuế lũy tiến từng phần áp dụng đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công với 7 bậc thuế: 5%, 10%, 15%, 20%, 25%, 30% và 35%.

Thực tế, quá trình áp dụng nội dung đã nêu vào thực tế, không ít ý kiến cho rằng, Biểu thuế lũy tiến từng phần hiện hành là chưa hợp lý, quá nhiều bậc, giãn cách giữa các bậc quá hẹp dễ dẫn đến nhảy bậc thuế khi tổng hợp thu nhập vào cuối năm làm tăng số thuế phải nộp, số lượng phải quyết toán thuế tăng một cách không cần thiết trong khi số thuế phải nộp thêm không nhiều…

Theo cơ quan soạn thảo, qua rà soát cơ cấu biểu thuế hiện nay và nghiên cứu xu hướng cải thiện về mức sống dân cư trong thời gian tới cũng như kinh nghiệm quốc tế, Việt Nam có thể nghiên cứu để cắt giảm số bậc thuế của Biểu thuế hiện nay từ 7 bậc xuống mức phù hợp; cùng với đó, xem xét nới rộng khoảng cách thu nhập trong các bậc thuế, đảm bảo điều tiết ở mức cao hơn vào những người có thu nhập ở bậc thuế cao. Thực hiện theo hướng này sẽ góp phần đơn giản hóa, giảm số bậc thuế nhằm tạo thuận lợi cho công tác kê khai, nộp thuế của người nộp thuế.

Việc sửa đổi Biểu thuế thu nhập cá nhân sẽ được nghiên cứu, xem xét một cách kỹ lưỡng và cần phù hợp với định hướng được đặt ra trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030, đảm bảo phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội, thu nhập và mức sống của người dân và với thông lệ quốc tế, đặc biệt là với các nước có điều kiện tương đồng, vừa đảm bảo quyền lợi của người lao động, khuyến khích sự phát triển của thị trường lao động trong bối cảnh hội nhập quốc tế, vừa đảm bảo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

sua-luat-thue-thu-nhap-ca-nhan-08.12.2.jpg
Nhiều ý kiến cho hay, việc giảm số bậc và nới rộng khoảng cách thu nhập trong các bậc thuế sẽ đảm bảo điều tiết ở mức cao hơn vào những người có thu nhập ở bậc thuế cao - Ảnh minh họa: ITN

Đồng tình với quan điểm, định hướng của cơ quan soạn thảo, nhiều ý kiến cho hay, việc giảm số bậc và nới rộng khoảng cách thu nhập trong các bậc thuế sẽ đảm bảo điều tiết ở mức cao hơn vào những người có thu nhập ở bậc thuế cao. Điều này giúp người nộp thuế ở bậc đầu tiên, nhất là lao động trẻ, có điều kiện tích lũy thu nhập để đầu tư nâng cao năng lực bản thân và ổn định cuộc sống. Đây là việc cần thiết thay đổi trong bối cảnh giá nhà đất và các chi phí dịch vụ liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người dân tại các đô thị lớn ngày càng đắt đỏ.

Liên quan nội dung này, ông Nguyễn Văn Được - Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín cho hay, cần giảm xuống còn 5 bậc thay vì 7 bậc như hiện nay. Trong đó, nghiên cứu lợi ích và đánh giá tác động của việc bỏ bậc thuế cao nhất (35%). Đồng thời, nên giãn rộng khoảng cách thu nhập ở các bậc thuế thấp và “co hẹp” ở các bậc thuế cao.

“Chẳng hạn, quy định hiện hành là thu nhập chịu thuế từ 0 - 5 triệu đồng/tháng chịu thuế suất 5% có thể thay bằng thu nhập chịu thuế từ 0 - 10 triệu đồng/tháng mới chịu thuế suất đó. Tương tự, khoảng cách thu nhập tính thuế ở bậc 5 và bậc 6 hiện là 8 triệu đồng có thể thay bằng 10 triệu đồng…”, vị chuyên gia này đề xuất.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế - PGS, TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, hiện mức thuế có 7 bậc là quá nhiều và gần nhau, vừa gây phức tạp cho việc tính toán, vừa gây việc chuyển bậc quá gần.

Theo vị chuyên gia này, hiện mức thuế có 7 bậc, quá nhiều, lắt nhắt, gần nhau, vừa gây phức tạp cho việc tính toán, vừa gây việc chuyển bậc quá gần. Nên giãn ra 4-5 bậc, bởi trong xu thế chung của thế giới hiện nay, mức thuế suất cao nhất đang có vấn đề khi các quốc gia xung quanh chúng ta hiện nay chỉ khoảng 22-25%, còn chúng ta là 35%.

“Bên cạnh đó là chi phí vãng lai, chi phí dịch vụ không còn phù hợp nữa. Chúng ta nên cân nhắc cho thỏa đáng”, vị chuyên gia này bày tỏ.

Xoay quanh vấn đề này, nhiều ý kiến cũng cho hay, mức tính thuế thu nhập cá nhân được phân làm 7 mức là quá dày đặc và chưa phù hợp với thực tế. Đặc biệt, ở bậc 7, với thu nhập trên 80 triệu đồng/tháng trở lên, người dân phải chịu thuế thu nhập cao nhất 35% - Đây là mức thuế rất cao, vì sau khi trừ thuế thu nhập, nguồn thu còn lại phải lo nhiều việc trong cuộc sống như: Mua nhà cửa, việc học hành của con cái và tái đào tạo của cá nhân...

Được biết, Dự án sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, dự kiến được trình Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025), thông qua tại Kỳ họp thứ 11 (tháng 5/2026).

Gia Nguyễn