Chính trị - Xã hội

Vận dụng có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển Thủ đô

Lam Song 09/12/2024 14:28

Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đề nghị phát huy mọi nguồn lực của thành phố, đề xuất các giải pháp để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2025.

Phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 20 HĐND thành phố Hà Nội sáng 9/12/2024, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài cho biết, năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng, năm tăng tốc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII, năm tổ chức triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để cụ thể hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị và các chương trình, kế hoạch trung hạn 5 năm 2021-2025 của thành phố; năm 2024 cũng là năm tổ chức nhiều sự kiện quan trọng của Thủ đô và đất nước.

bui thi minh hoai
Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài phát biểu chỉ đạo kỳ họp thứ 20 HĐND TP Hà Nội. Ảnh: ANTĐ

“Có thể khẳng định, năm 2024, mặc dù Thủ đô Hà Nội cùng cả nước phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, đặc biệt tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến bất thường, có lúc ngoài dự báo đã gây tổn thất lớn về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân như cơn bão số 3 (Yagi).

Trong bối cảnh đó, Thành uỷ, HĐND, UBND thành phố đã bám sát chỉ đạo của Trung ương, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai kịp thời quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 đạt kết quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực”. - Bà Bùi Thị Minh Hoài nói.

Theo đó, thành phố cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu tổng quát về Kinh tế - xã hội năm 2024. Kinh tế duy trì mức tăng trưởng (dự kiến đạt trên 6,5%), cao hơn so với năm 2023; GRDP bình quân đầu người ước đạt 162,2 triệu đồng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực.

Công tác quản lý, chỉnh trang và phát triển đô thị chuyển biến tích cực; tiến độ lập và phê duyệt các đồ án quy hoạch xây dựng được đẩy nhanh; Hạ tầng giao thông đô thị được quan tâm xây dựng đồng bộ, hiện đại; phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh.

Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế và tôn tạo di tích được đặc biệt quan tâm đầu tư. Giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu toàn quốc về chất lượng. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được chăm lo, đời sống nhân dân được cải thiện, nâng lên.

Thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai kịp thời quyết liệt các giải pháp phòng chống lụt bão, khắc phục hậu quả do cơn bão số 2, số 3 gây ra vừa qua bảo đảm an toàn cho người dân, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ nhân dân Thủ đô khôi phục sản xuất đối với cây trồng, vật nuôi bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão. Tập trung đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch đầu tư 03 lĩnh vực giáo dục, y tế và tu bổ các di tích văn hoá; triển khai quyết liệt Dự án đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô và các dự án trọng điểm của Thành phố; thực hiện Đề án về phân cấp, ủy quyền giữa các cơ quan, các cấp Chính quyền thuộc Thành phố; công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh; chính trị, xã hội duy trì ổn định; quốc phòng- an ninh được đảm bảo; đối ngoại, hội nhập quốc tế được tăng cường.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài, đạt được kết quả nêu trên là sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân Thủ đô; sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Thành uỷ; việc cụ thể hoá, thể chế hoá các chủ trương, cơ chế, chính sách của HĐND thành phố; sự điều hành, quản lý, triển khai của UBND thành phố; sự quan tâm, chỉ đạo của các cơ quan Trung ương, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội và sự ủng hộ của cử tri, nhân dân Thủ đô và đặc biệt là sự chủ động, đồng hành, tham gia tích cực, trách nhiệm của HĐND thành phố, các vị đại biểu HĐND thành phố.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài cho biết, trong năm 2024 vừa qua, hoạt động của HĐND thành phố tiếp tục có nhiều đổi mới theo hướng sâu sát, quyết liệt, thực chất, hiệu quả, sát tình hình thực tiễn của thành phố.

Thứ nhất, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai có hiệu quả Đề án số 15 của Ban Thường vụ Thành uỷ về “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp giai đoạn 2021-2026 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn tại thành phố Hà Nội”; Nghị quyết số 594 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ Đại biểu HĐND và đại biểu HĐND”, để hoạt động của HĐND thành phố và các cấp ngày càng bài bản, hiệu lực, hiệu quả hơn.

Thứ hai, chủ động, trách nhiệm, kịp thời tổ chức các kỳ họp thường lệ, chuyên đề để xem xét, quyết nghị các vấn đề quan trọng, cấp thiết, có tác động sâu rộng đến hiệu lực, hiệu quả của các cấp chính quyền, các cơ chế chính sách, biện pháp để đảm bảo các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội của thành phố. Từ đầu năm đến nay, HĐND thành phố đã tổ chức 05 kỳ họp trong đó có 04 kỳ họp chuyên đề và 01 kỳ họp thường lệ; ban hành 80 nghị quyết, đặc biệt là 11 nghị quyết để kịp thời triển khai, thi hành Luật Thủ đô 2024.

Thứ ba, HĐND thành phố, Thường trực HĐND thành phố đã nắm bắt, lựa chọn đúng và trúng các nội dung, những vấn đề quan trọng, cấp thiết, sát yêu cầu thực tiễn thành phố và cử tri, nhân dân quan tâm để tổ chức giám sát nhằm kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế, bất cập và từ đó đề xuất thúc đẩy đầu tư, xây dựng các cơ chế, chính sách trong các lĩnh vực của thành phố. Hoạt động chất vấn, giải trình được đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả, được cử tri, nhân dân đánh giá cao.

Thứ tư, mối quan hệ công tác giữa Đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam thành phố tiếp tục được tăng cường, phối hợp theo Quy chế ngày càng chặt chẽ, hiệu quả. Đoàn ĐBQH thành phố, Thường trực HĐND thành phố tham gia tích cực, trách nhiệm, hiệu quả cùng các cơ quan của Thành phố tham gia xây dựng, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô và 02 Quy hoạch Thủ đô để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và nhiều nhiệm vụ quan trọng khác của Trung ương và thành phố.

“Với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm trước cử tri, chúng ta cũng phải nghiêm túc, thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức và những vấn đề đặt ra đối với thành phố như: tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với vị trí, vai trò và tiềm năng của Thủ đô. Vai trò đầu tầu, động lực phát triển, tăng cường liên kết vùng của thành phố đối với vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước chưa rõ nét. Kết cấu hạ tầng ngày càng quá tải, tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường vẫn chậm được khắc phục và còn một số hạn chế, yếu kém, điểm nghẽn phát triển cần được tập trung tháo gỡ...” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài nói.

Đồng thời chia sẻ, gợi mở và nhấn mạnh một số nội dung sau:

Một là, tại kỳ họp này, HĐND thành phố sẽ thảo luận, quyết nghị các nội dung quan trọng của năm 2025 và những năm tiếp theo. Trên cơ sở phân tích, đánh giá một cách khách quan, toàn diện về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tài chính ngân sách và đầu tư công năm 2024 của thành phố; các tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân để thảo luận kỹ lưỡng, đặc biệt là phân tích, dự báo và lượng hóa đầy đủ các yếu tố tác động và ảnh hưởng đến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và Kế hoạch đầu tư công năm 2025 của Thành phố đảm bảo sát với thực tiễn, có tính đột phá, tính hiệu quả, tính khoa học và tính khả thi cao;

Trong đó cần đặc biệt quán triệt các quan điểm, chủ trương của Đảng về Kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên phát triển, được thể hiện qua các bài viết, bài phát biểu, nội dung chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về chuyên đề Kỷ nguyên mới- Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam; xây dựng hệ thống chính trị “Tinh- Gọn- Mạnh- Hiệu năng- Hiệu lực- Hiệu quả”, về chuyển đổi số, về phòng chống lãng phí.

Hai là, tiếp tục nghiên cứu, vận dụng có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù mà Bộ Chính trị và Quốc hội đã ưu tiên dành cho Thành phố (như Luật Thủ đô 2024) để cải thiện mạnh mẽ hơn môi trường đầu tư kinh doanh, góp phần thu hút, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển.

Tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra theo Kết luận của Trung ương về kinh tế - xã hội năm 2025, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và các văn bản liên quan; đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển năm 2025.

Ba là, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và các công trình trọng điểm nhất là các dự án hạ tầng giao thông, xử lý, giải quyết ô nhiễm môi trường. Tiếp tục cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy, siết chặt kỷ cương; tăng cường phân cấp, uỷ quyền theo hướng “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát. Tiếp tục thực hiện cuộc cách mạng chuyển đổi số với những giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ, toàn diện, đưa số hóa vào trong sản xuất, kinh doanh, hướng tới chuyển đổi số trong toàn xã hội.

Bốn là, phát huy những kết quả đã đạt được, đề nghị HĐND, Thường trực HĐND, các vị đại biểu HĐND thành phố tiếp tục chủ động, tích cực, đổi mới hơn nữa, phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định. Tập trung lựa chọn các lĩnh vực được Thành uỷ tập trung chỉ đạo; những vấn đề bức xúc, nổi cộm được cử tri, dư luận quan tâm để giám sát, chất vấn, giải trình như: phòng chống lãng phí; ô nhiễm môi trường rác thải, nước thải, không khí; tình trạng ùn tắc giao thông, úng ngập, tiến độ các công trình dự án; công tác giải quyết kiến nghị cử tri để kịp thời giải quyết các vấn đề dân sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô.

Lam Song