Cá nhân nợ thuế từ 10 triệu đồng bị tạm hoãn xuất cảnh: Chuyên gia nói gì?
“Phạm vi áp dụng tạm hoãn xuất cảnh nên tính toán thu hẹp lại. Quyền con người là được tự do đi lại nên chỉ áp dụng khi thật sự cần thiết, tránh lạm dụng…”.
Đây là quan điểm của ông Nguyễn Ngọc Tú - giảng viên Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội xung quanh đề xuất của Bộ Tài chính mới đây về việc cá nhân nợ thuế từ 10 triệu đồng trở lên, trên 120 ngày có thể bị tạm hoãn xuất cảnh.
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định Quy định chi tiết khoản 9 Điều 6 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật, cụ thể là về ngưỡng nợ thuế và thời gian nợ đối với các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh; dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Theo đề xuất của Bộ Tài chính, cá nhân, chủ hộ kinh doanh có số tiền thuế nợ quá hạn trên 120 ngày, với số tiền từ 10 triệu đồng trở lên sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh. Với doanh nghiệp/hợp tác xã/liên hiệp hợp tác xã bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế có số tiền nợ thuế quá hạn trên 120 ngày với số tiền từ 100 triệu đồng trở lên thì người đại diện pháp luật sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh.
Bình luận về dề xuất này, luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch - Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng, mức nợ thuế 10 triệu đồng để tạm hoãn xuất cảnh đối với cá nhân là hợp lý, xét trong bối cảnh giá trị tiền tệ và mức sống tăng cao như hiện tại. Đây là mức “vừa sức”, tránh việc áp dụng cho những khoản nợ nhỏ, gây phiền hà không cần thiết.
Đối với doanh nghiệp, mức nợ 100 triệu đồng cũng là phù hợp, nhằm tạo áp lực để doanh nghiệp tuân thủ nghĩa vụ thuế, đồng thời không quá cao để gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên, vị luật sư lưu ý rằng, có những doanh nghiệp dù nợ nhiều nhưng không có nhu cầu ra nước ngoài và ngược lại, có những doanh nghiệp dù nợ ít do gặp khó khăn tạm thời nhưng lại có nhu cầu phải xuất cảnh để gặp đối tác, tìm kiếm đơn hàng... Vì vậy, theo luật sư, Bộ Tài chính nên đưa ra nhiều biện pháp khác để thu thuế hiệu quả hơn, chứ không chỉ dựa vào việc tạm hoãn xuất nhập cảnh để thu thuế.
“Để tránh tác động tiêu cực, phạm vi áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh cần thu hẹp lại, thay vì mở rộng thêm. Đồng thời, cần bổ sung quy định loại trừ đối với những cá nhân, doanh nghiệp có lịch sử tuân thủ thuế tốt nhưng đang gặp khó khăn kinh doanh hoặc đã có lộ trình phân kỳ nộp thuế.
Việc ngăn cản xuất cảnh trong các trường hợp đi hợp tác kinh doanh hoặc chữa bệnh hiểm nghèo cũng cần được cân nhắc, tránh gây khó khăn không cần thiết và thiếu nhân văn. Quyền tự do đi lại là quyền cơ bản, nên chỉ áp dụng biện pháp này khi thật sự cần thiết, tránh lạm dụng", ông Tuấn Anh đề xuất.
Bên cạnh đó là việc cải thiện quy trình thông báo, đảm bảo người nộp thuế biết rõ tình trạng nợ thuế và nguy cơ bị tạm hoãn xuất cảnh, tránh trường hợp bị từ chối xuất cảnh tại sân bay mà không hay biết trước. Đối với các người nộp thuế tuân thủ pháp luật thuế nhưng rơi vào khó khăn, cần tạo điều kiện để họ tiếp tục kinh doanh, thay vì áp dụng biện pháp cưỡng chế quá cứng nhắc, có thể dẫn đến phá sản.
Cũng bình luận về đề xuất này, ông Nguyễn Ngọc Tú - giảng viên Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho rằng, việc đưa ra ngưỡng nợ thuế 10 triệu và 100 triệu đồng để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh là "khá lạ" vì chưa rõ căn cứ và số lượng cá nhân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp (gọi chung người nộp thuế) bị tạm hoãn xuất cảnh sẽ rất nhiều.
Trong khi đó, vị chuyên gia cho biết, vừa qua, khi cơ quan thuế áp dụng biện pháp này đã gây bức xúc trong dư luận. Bởi trong danh sách cố tình “chây ì” không chịu nộp thuế thì cũng có những người nộp thuế thật sự gặp khó khăn do không bán được hàng, thiên tai, hỏa hoạn… Họ cần sự hỗ trợ, như phân kỳ nộp thuế, khi có dòng tiền thì nộp dần. Vì vậy, việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế phải tùy từng trường hợp mới hợp lý chứ không nên "đổ đồng".
Chưa kể theo quy định hiện hành, nợ thuế trên 90 ngày thì phạt chậm nộp, trích tài khoản ngân hàng, đình chỉ sử dụng hóa đơn, sau đó tạm hoãn xuất cảnh. Vì vậy, tạm hoãn xuất cảnh trong thời gian tới cũng phải phân loại. Trong trường hợp người nộp thuế xuất cảnh để bàn bạc đối tác, ký hợp đồng, giới thiệu sản phẩm dịch vụ thì không nên hạn chế mà cần hỗ trợ họ.
"Trong năm 2023, việc áp dụng biện pháp cưỡng chế này có phần lạm dụng nên Nghị định sắp tới cần có hướng xử lý giảm phạm vi hơn so với trước. Trong khi đó, ngưỡng 10 triệu và 100 triệu đồng khá thấp. Chưa kể trước đây, cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh không thuộc đối tượng tạm hoãn xuất cảnh, nhưng từ 1/1/2025, nếu nợ trên 10 triệu đồng tiền thuế mà không trả sẽ bị áp dụng biện pháp cưỡng chế, nghĩa là phạm vi rộng hơn thì nguy cơ số lượng người bị tạm hoãn xuất cảnh sẽ nhiều hơn.
"Nên tính toán làm sao cho phạm vi áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh phải nhỏ hơn, chứ không nên tăng thêm. Nếu áp dụng ngưỡng nợ thuế để thực hiện tạm hoãn xuất cảnh thì mức này phải tăng gấp 5 - 10 lần so với dự thảo đưa ra, chẳng hạn cá nhân nợ thuế là 100 triệu đồng, doanh nghiệp là 500 triệu đồng, tập đoàn 1 tỉ đồng. Đồng thời dự thảo cần bổ sung trong trường hợp người nộp thuế đang hoạt động có quá trình lịch sử tuân thủ thuế tốt mà đang gặp khó khăn trong kinh doanh hay họ có lộ trình phân kỳ nộp thuế thì không áp dụng biện pháp cưỡng chế này", ông Tú đề xuất bởi mục tiêu không cho xuất cảnh là sợ trốn đi nước ngoài, chứ người nộp thuế đi hợp tác mà không được thì đúng là làm khó họ. Thêm nữa trường hợp bị bệnh hiểm nghèo, cần chữa bệnh ở nước ngoài mà không cho đi thì không nhân văn. Quyền con người là được tự do đi lại nên cần xem xét áp dụng biện pháp cưỡng chế tạm hoãn xuất cảnh chỉ khi thật sự cần thiết, tránh lạm dụng.