Sa Pa đặt mục tiêu trở thành Đô thị du lịch sạch ASEAN
Là một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn nhất châu Á, Sa Pa xác định mục tiêu trở thành Đô thị du lịch sạch ASEAN.
Để hiện thực mục tiêu này, Sa Pa đã và đang triển khai các đề án, quy hoạch về đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch... Đặc biệt, địa phương đang nỗ lực tập trung đầu tư phát triển sản phẩm du lịch và bảo tồn, khai thác những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể.
Những năm gần đây, du lịch Sa Pa đã có bước phát triển vượt bậc. Năm 2023, thị xã đón hơn 3,68 triệu lượt khách, doanh thu đạt 12.707 tỷ đồng. Mục tiêu đến năm 2025, Sa Pa sẽ đón 5,8 triệu lượt khách, doanh thu đạt 27.900 tỷ đồng.
Ông Tô Ngọc Liễn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Sa Pa chia sẻ du lịch Sa Pa đã nhận được những bình chọn ấn tượng như Top 10 điểm du lịch hấp dẫn nhất Đông Nam Á, Top 14 điểm đến hấp dẫn nhất châu Á, 1/10 điểm ngắm tuyết đẹp nhất châu Á…
“Từ nền tảng này, thị xã Sa Pa xác định mục tiêu sẽ trở thành Đô thị du lịch sạch ASEAN vào năm 2025”, ông Tô Ngọc Liễn nhấn mạnh.
Theo bà Hoàng Thị Vượng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Sa Pa địa phương đang xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm văn hóa gắn với du lịch cộng đồng các dân tộc Sa Pa với chủ đề “Sa Pa - Xứ sở trải nghiệm và tìm hiểu văn hóa truyền thống”.
Trong đó, tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng 5 điểm du lịch cộng đồng theo Tiêu chuẩn ASEAN gắn với đặc trưng 5 dân tộc thiểu số trên địa bàn thị xã.
Ngoài ra, còn có sản phẩm du lịch “Thiên đường nghỉ dưỡng núi” với các dự án du lịch nghỉ dưỡng quy mô lớn mang dấu ấn bản sắc văn hóa độc đáo của vùng Tây Bắc và đạt chuẩn điểm du lịch MICE ASEAN sản phẩm, “Sa Pa - xứ sở của các chương trình du lịch đi bộ dã ngoại và thể thao mạo hiểm hấp dẫn”.
Sản phẩm du lịch “Chinh phục đỉnh cao”; du lịch nghỉ dưỡng phục hồi sức khỏe, sản phẩm du lịch gắn với thương hiệu riêng của Khu du lịch quốc gia Sa Pa - Chợ tình Sa Pa, trải nghiệm ruộng bậc thang Sa Pa, du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp…
Trong định hướng phát triển, Sa Pa đang tiếp tục thu hút đầu tư các dự án nghỉ dưỡng quy mô lớn, chất lượng và phấn đấu đến năm 2030 sẽ nâng số lượng khách sạn 5 sao, 4 sao trên địa bàn để đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.
Song song với đó, thị xã cũng đang quan tâm phát triển các cơ sở lưu trú tại gia như homestay nhằm phân phối lượng khách đến các điểm du lịch cộng đồng, tạo cơ hội việc làm và thu nhập bền vững cho người dân địa phương – đáp ứng nhu cầu của thị trường khách quốc tế và những người ưa khám phá và trải nghiệm văn hóa.
Về hạ tầng giao thông đô thị, bên cạnh nguồn vốn của nhà nước đầu tư nâng cấp cải tạo giao thông và cảnh quan, Sa Pa tiếp tục được đầu tư bằng các nguồn lực từ các tập đoàn, doanh nghiệp. Hiện bộ mặt khu vực trung tâm Sa Pa đã đổi khác với thảm bê tông nhựa và được đầu tư chỉnh trang đô thị, mang lại vẻ đẹp mới.
Chia sẻ về mục tiêu đón 10 triệu lượt khách vào năm 2030, ông Phan Đăng Toàn, Bí thư thị ủy Sa Pa cho biết, trong thời gian đến năm 2030 Sa Pa sẽ có các dự án lớn như T&G đầu tư 4 dự án du lịch nghỉ dưỡng ở phía Đông Nam của Sa Pa, Bitexco đầu tư khu đô thị Đông Bắc. Tại Ô Quy Hồ có dự án lớn về đô thị, Thung lũng Mường Hoa có dự án của ECOPARK, Sun Group, AnphaNam với 5 khách sạn tiêu chuẩn 5 sao…
“Với tổng số 50 dự án hiện nay đã và đang nghiên cứu đầu tư và một số dự án đang thực hiện, hy vọng khi các dự án hoàn thiện sẽ đáp ứng 10 triệu lượt khách vào năm 2030”, ông Phan Đăng Toàn bày tỏ.
Mới đây, nhà xuất bản du lịch Rough Guides của Anh đã công bố Top 10 điểm đến hấp dẫn nhất Đông Nam Á, trong đó, Sa Pa đứng thứ 6 trong bảng xếp hạng này. Ruộng bậc thang ở Sa Pa được bình chọn là 1 trong 7 ruộng bậc thang đẹp và kỳ vĩ nhất châu Á.
Cùng với đó là hàng loạt những đánh giá khen ngợi Sa Pa của các chuyên trang, chuyên gia uy tín trong và ngoài nước. Điều đó có thể thấy Sa Pa hoàn toàn có thể trở thành điểm đến du lịch mang tầm quốc tế.
Về định hướng phát triển du lịch Sa Pa, ông Hà Văn Siêu - Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam nhấn mạnh, để Sa Pa phát triển xứng tầm là khu du lịch quốc gia mang tầm vóc quốc tế, là một điểm đến đáng sống, đáng đến, đáng trải nghiệm thì Sa Pa cần phải tiếp tục khẳng định là một điểm đến có những sản phẩm du lịch đặc sắc bền vững.
Định hướng phát triển cho khu du lịch quốc gia Sa Pa dựa trên phát triển bền vững và phải lấy yếu tố con người, văn hóa bản địa làm nền tảng, để tạo ra sản phẩm du lịch chất lượng cao, du khách có thể trải nghiệm có chiều sâu và ở lại Sa Pa lâu hơn.
Sa Pa có nhiều cảnh đẹp tự nhiên như thác Bạc cao khoảng 200m, cổng Trời, rừng Trúc, động Tả Phìn, bãi đá cổ Sa Pa nằm trong thung lũng Mường Hoa, Hàm Rồng, bản Cát Cát, Nhà thờ Đá. Sa Pa nổi tiếng với đỉnh Fansipan cao 3.147 m trên dãy Hoàng Liên Sơn. Sa Pa còn là "vương quốc" của hoa trái, như đào hoa, đào vàng to, đào vàng nhỏ, mận hậu, mận tím, mận tam hoa, hoa lay dơn, hoa mận, hoa lê, hoa đào, hoa cúc, hoa hồng… Sa Pa với 6 tộc người cùng cư trú là Mông, Dao, Tày, Giáy, Xá Phó và Kinh, mỗi tộc người có một vốn văn hóa riêng đã góp phần làm nên Khu du lịch Quốc gia đặc sắc và ấn tượng.