Chuyện làm ăn

Chuyện “giống” ý tưởng

Cáp Tần 10/12/2024 03:52

Bắt chước ý tưởng là chuyện không hiếm gặp trong kinh doanh.

Tuy nhiên nếu chỉ dừng lại ở việc bắt chước và không tạo ra giá trị cốt lõi cho riêng mình, doanh nghiệp ấy khó lòng thành công.

bong bieng2
Nếu nhìn qua, dễ cho rằng Bông Biêng là thương hiệu nhượng quyền. Ảnh: H.Trang

Bông Biêng là thương hiệu trà sữa mới ra mắt và được giới trẻ Hà thành cực kỳ yêu thích, nhưng họ đang vướng lùm xùm bộ nhận dạng thương hiệu “khá giống” với một thương hiệu trà của Trung Quốc.

Bông Biêng “giống” trà Trung Quốc

Bông Biêng có đủ các yếu tố để thu hút giới trẻ. Sản phẩm của họ là trà sữa đậm vị, một ngách cao cấp hơn trong mảng trà sữa. Họ đầu tư vào thiết kế bao bì đúng chuẩn thanh nhã, kết hợp giữa sắc xanh pastel và tông trắng. Đặc biệt nhất họ tạo cho mình định vị riêng là “trà hương hoa” và thông điệp “thanh trà dệt hương”, tạo cảm giác khá “sang trọng” và “thuần khiết”.

Tuy nhiên, gần đây có một thảo luận trên một nhóm Facebook chuyên về marketing chỉ ra hàng loạt điểm tương đồng giữa Bông Biêng và Molly Tea (Trung Quốc).

Đầu tiên là thiết kế và cảm giác. Sự tương đồng lên đến 80-90%. Cả hai đều chọn gam màu pastel, với Molly là hồng phấn pastel còn Bông Biêng là xanh pastel. Biểu tượng đặc trưng cũng rất giống nhau, đều là bông hoa bốn cánh. Ở Molly, cánh hoa dài hơn, thanh mảnh hơn. Trong khi đó Bông Biêng có 4 cánh hoa to, tròn trịa hơn và nét mềm mại hơn. Ngoài ra một số sản phẩm trong bộ nhận diện thương hiệu như tag nắp hoặc túi xách đựng ly cũng có nhiều nét tương đồng.

Không chỉ dừng lại ở thiết kế, bài đăng còn chỉ ra sự giống nhau trong các chiến dịch quảng bá. Nhiều ý kiến cho rằng video quảng cáo của Bông Biêng đã sao chép gần như 100% concept video được Molly Tea đăng tải lên Instagram hơn một năm trước, từ cách phối màu, góc quay, bối cảnh có gì đó mơ màng và cả thần thái, động tác của người mẫu! Sự nghi ngờ một lần nữa bị đẩy lên cao khi Bông Biêng có chiến dịch tặng túi thơm cho khách hàng check-in, hình thức từng được Molly Tea triển khai.

Với những luận điểm rõ ràng và dẫn chứng cụ thể, đồng thời liên quan đến một thương hiệu trà sữa đang nổi, bài đăng lập tức nhận về rất nhiều chú ý, với gần 3.000 lượt bày tỏ cảm xúc, 400 lượt chia sẻ và hàng trăm bình luận.

Ý kiến phản hồi chủ yếu chia ra làm hai luồng. Thứ nhất là chỉ trích thương hiệu Bông Biêng cùng đội ngũ thiết kế và đội nhóm agency vì đã sao chép ý tưởng và không cẩn trọng trong việc quản lý, kiểm duyệt. Thậm chí có bên còn nghi ngờ Bông Biêng đang dùng vụ lùm xùm này để đánh bóng tên tuổi.

Trong khi đó, có không ít ý kiến cho rằng việc học tập, lấy cảm hứng từ thương hiệu lớn là điều không phải hiếm, đặc biệt trong bối cảnh thị trường F&B hiện nay.

“Giống” và đằng sau

Bình luận này không phải là một lời chống chế. Trên thực tế, việc trùng ý tưởng xảy ra khá thường xuyên trên thương trường.
Nhỏ nhỏ thì có những màn ăn theo tên các thương hiệu lớn của những cửa hàng tự phát. Chẳng hạn cà phê Hi Land đạo nhái chuỗi cà phê Highland. Hoặc khi trà sữa Gongcha hot lên thì có hàng loạt cái tên tương tự như Congcha, Gongma, Maycha,... Lớn hơn chút có các màn học tập mô hình, ví dụ như Luckin Coffee là “Starbucks Trung Quốc” hay Xiaomi là “Apple Trung Quốc”.

Tuy nhiên điều cần nói ở đây không chỉ dừng lại ở chuyện đạo nhái hay học tập. Chẳng hạn Xiaomi. Họ không phủ nhận việc bắt chước Apple, giống Apple. Tuy nhiên ngoài việc học tập ông lớn, Xiaomi vẫn hoàn thiện và triển khai tầm nhìn, chiến lược riêng.

Ngay từ khi thành lập, Xiaomi gắn liền với sứ mệnh đem những công nghệ tiên tiến và dễ tiếp cận nhất đến với người dùng. Tầm nhìn này được củng cố bởi triết lý đặt nhu cầu và nguyện vọng của người dùng lên làm ưu tiên hàng đầu, từ đó định hình bản sắc thương hiệu và định hướng quỹ đạo thương hiệu.

Tầm nhìn và định hướng nhất quán giúp Xiaomi từ một công ty khởi nghiệp non trẻ thành một ông lớn trong ngành công nghệ. Thậm chí trong quý 2 năm 2021, Xiaomi còn vượt qua Apple để trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới với 17% thị phần, chỉ đứng sau Samsung với 19% thị phần. Với kết quả này, có thể nói Xiaomi đã thoát khỏi cái mác bắt chước Apple và đạt được những thành tựu nhất định cho riêng mình.

Từ câu chuyện của Xiaomi nhìn lại việc các thương hiệu đạo nhái khác. Trong khi Xiaomi không phủ nhận việc “giống”, thì không thiếu những bên đạo rõ ràng nhưng vẫn phủ nhận. Tuy nhiên Xiaomi có những thứ riêng của họ, và họ thành công dựa vào điểm riêng ấy. Ngược lại, nếu chỉ ra sức phủ nhận việc đạo nhái mà không có chiến lược, đường lối riêng thì chắc chắn việc làm ăn sẽ không bền.

Hoặc nhìn rộng ra hơn trong lĩnh vực kinh doanh. Nhận diện hình ảnh chỉ là một phần rất nhỏ trong thành công của một thương hiệu. Hay nói cách khác, nếu chỉ bắt chước ý tưởng về bên ngoài của người thành công đi trước mà không tự xây dựng giá trị cốt lõi, chiến lược dài hơi cho riêng mình thì việc bắt chước sẽ chỉ giúp doanh nghiệp tồn tại trong thời gian ngắn, khó có thể đi xa và ổn định.

Cáp Tần