Kinh tế địa phương

Bạc Liêu thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp

Thùy Linh 12/12/2024 14:02

Bạc Liêu hiện có 2.745 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Với vị trí cửa sông đổ ra biển Đông, Gành Hào là một trong những huyện của Bạc Liêu có lợi thế lớn phát triển kinh tế biển tổng hợp.
Với vị trí cửa sông đổ ra biển Đông, Gành Hào là một trong những huyện của Bạc Liêu có lợi thế lớn phát triển kinh tế biển tổng hợp.

Định hướng chung của tỉnh Bạc Liêu trong thu hút mời gọi các dự án đầu tư là chọn lọc các dự án có chất lượng, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, công nghệ sinh học, vật liệu mới, thân thiện môi trường và giải quyết nhiều lao động tại địa phương.

Để tăng cường nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế và phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế vốn có, Bạc Liêu đã tập trung làm tốt công tác thu hút mời gọi đầu tư.

Ưu tiên thu hút đầu tư vào 05 lĩnh vực trụ cột

Để đáp ứng kịp thời nhu cầu của nhà đầu tư, tỉnh Bạc Liêu cũng đã tập trung tái cơ cấu mô hình tăng trưởng, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững.

Ông Mai Hải Giang, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp, Khởi nghiệp và Xúc tiến đầu tư cho biết, định hướng chung của tỉnh Bạc Liêu trong thu hút mời gọi các dự án đầu tư là chọn lọc các dự án có chất lượng, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, công nghệ sinh học, vật liệu mới, thân thiện môi trường và giải quyết nhiều lao động tại địa phương. Đồng thời, tăng cường xúc tiến mời gọi đầu tư các dự án có quy mô lớn; lựa chọn các nhà đầu tư lớn, có uy tín, có tiềm lực về tài chính; chú trọng đến các dự án có quy mô vừa và nhỏ phù hợp với tiềm năng, thế mạnh và điều kiện của tỉnh.

Trong năm 2024, tỉnh Bạc Liêu tập trung thu hút đầu tư vào 05 lĩnh vực trụ cột. Cụ thể: (1) Phát triển nông nghiệp mà trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất tôm, lúa gạo; (2) Phát triển công nghiệp, trọng tâm là năng lượng tái tạo (gồm điện gió, điện mặt trời) và điện khí; (3) Phát triển du lịch; (4) Phát triển thương mại dịch vụ - giáo dục - y tế chất lượng cao; (5) Phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Tỉnh Bạc Liêu cũng đặt mục tiêu tăng cường thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước trên các lĩnh vực trọng tâm của tỉnh trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn khó khăn, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tỉnh tập trung thu hút đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các ngành công nghiệp hỗ trợ; đồng thời coi trọng hiệu quả đầu tư, tiết kiệm tối đa diện tích sử dụng đất, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng; khuyến khích các dự án sử dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; ưu tiên những dự án sử dụng nhiều lao động địa phương.

Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư

Theo ông Mai Hải Giang, hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tu có ý nghĩa rất quan trong, quyết định đến sự phất triên kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong thời gian qua, tỉnh đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 10 dự án điện gió, với tổng quy mô công suất là 660,2 MW; tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 33.027 tỷ đồng và 01 dự án điện khí với tổng công suất 3.200 MW, tổng mức đầu tư 93.600 tỷ đồng. Hiện nay, có 08 dự án điện gió đã đi vào hoạt động chính thức, với tổng công suất hơn 469,2 MW.

Với lợi thế thuận lợi về nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản với sản phẩm chủ lực là con tôm và Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu với quy mô 418,91 ha, tỉnh chọn phát triển nông nghiệp mà trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nâng cao hiệu quả sản xuất tôm, lúa gạo là một trong những lĩnh vực ưu tiên phát triển hàng đầu. Tỉnh đã lựa chọn được 09 doanh nghiệp đầu tư vào Khu. Hiện nay, Ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu đang khởi công xây dựng cơ sở hạ tầng giai đoạn 2.

Bạc Liêu hiện có 02 khu công nghiệp (KCN) nằm trong quy hoạch phát triển KCN quốc gia, gồm: KCN Trà Kha đang hoạt động có diện tích 64,86 ha và đạt tỷ lệ lấp đầy 98,04%, tập trung các ngành có tính chất công nghiệp sạch; KCN Láng Trâm diện tích 94,19 ha, tập trung các ngành công nghiệp chế biến thủy sản, dịch vụ, các ngành nghề phục vụ nuôi trồng và khai thác thủy hải sản, hiện đang mời gọi dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. 02 KCN (KCN Ninh Quới, diện tích 257ha và KCN Bạc Liêu, diện tích 500ha) đã được bổ sung tích hợp vào Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hiện nay, tỉnh tích cực thực hiện Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2024 đảm bảo phù hợp Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch ngành, lĩnh vực. Đồng thời, gắn công tác xúc tiến đầu tư với quảng bá, giới thiệu các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Tỉnh cũng tăng cường liên kết các hoạt động xúc tiến đầu tư với các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch và các chương trình tuyên truyền đối ngoại. Đồng thời, kết nối, hợp tác với các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề để xây dựng kênh thông tin hiệu quả về môi trường đầu tư của tỉnh.

Tỉnh Bạc Liêu cũng phối hợp chặt chẽ với các địa phương để tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng liên kết vùng, trao đổi học tập kinh nghiệm xúc tiến đầu tư; phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương để quảng bá, giới thiệu và tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước theo chuyên đề ngành, lĩnh vực, địa bàn…. qua đó mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với Bạc Liêu.

Thùy Linh