Khởi nghiệp

Doanh nghiệp khởi nghiệp sẵn sàng chuyển đổi số

Bùi Hiền – Hải Ngân 12/12/2024 14:11

Chuyển đổi số đang trở thành thực tế bắt buộc, các DN khởi nghiệp đang phải vừa tìm hướng đi mới, vừa sẵn sàng chuyển đổi số để tránh tụt hậu, đáp ứng bước phát triển mới.

hai-phong-4-42052.jpg
Chương trình “Hải Phòng – Cà phê khởi nghiệp sáng tạo” tổ chức hàng tuần - điểm đến của cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo.

Ngày 18/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án hỗ trợ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025. Đến ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 749/QĐ-TTg, về “Phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, đề ra mục tiêu để Việt Nam trở thành quốc gia số. Trong đó, chuyển đổi số cho doanh nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng.

Không gian phát triển mới

Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tự tạo ra sức bật phát triển, với cốt lõi là việc số hóa doanh nghiệp trên mọi phương diện. Nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp và công nghệ thông tin đang ngày càng bùng nổ, chuyển đổi số là nhu cầu, là giải pháp sinh tồn để doanh nghiệp duy trì và phát triển, trong đó có cả các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Ông Lê Đình Thao – Phó Giám đốc Kinh doanh toàn quốc Công ty GC Pro Shop cho biết: “Việt Nam đang trong đường đua chuyển đổi số rất tuyệt vời, chúng tôi cũng đã tính trước và đã bắt đầu đưa công nghệ APP điều khiển vận hành mua hàng cũng như nhập hàng, mua hàng, chế độ bảo hành, đưa các sản phẩm vào công nghệ số.

Chúng tôi đã vận dụng công nghệ APP, IOT, AI trong các hệ phần mềm để doanh nghiệp quản lý tất cả việc mua bán hàng hóa, theo dõi lịch trình bảo hành. Từ đó, nhắc nhở đội ngũ kỹ thuật trên toàn quốc bảo hành, bảo trì cho người mua hàng đúng thời hạn, đảm bảo sự hài lòng lớn nhất cho người tiêu dùng”.

Còn theo ông Phạm Vũ Đăng Quang - Giám đốc điều hành Chuỗi Hải Phòng Computer cho biết: “Việc chuyển đổi số đã giúp doanh nghiệp chúng tôi bán hàng tăng khả năng tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa. Nhất là trong thời gian vừa qua, chúng tôi đang tích cực đẩy mạnh việc bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội. Việc này vừa giúp tăng độ phủ thương hiệu đến tất cả các địa phương trên cả nước, vừa tăng thêm nguồn lợi nhuận cho các cửa hàng”.

doanh-nghiep-khoi-nghiep.jpg
Doanh nghiệp khởi nghiệp đang vừa chuyển đổi, vừa học hỏi để sẵn sàng bước vào cuộc đua chuyển đổi số.

Cần lộ trình rõ ràng

Mặc dù các doanh nghiệp đều bước vào cuộc đua chuyển đổi số, song, hoạt động chuyển đổi số vẫn chưa thực sự đồng bộ, thiếu lộ trình rõ ràng. Điều này dẫn đến quá trình chuyển đổi số trong các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng còn hạn chế.

Bà Nguyễn Thị Minh Lan – Đại diện Sokfarm Hải Phòng, Công ty TNHH Trà Vinh Farm chia sẻ: “Trong quá trình xây dựng và phát triển doanh nghiệp, nhất là với sản phẩm truyền thống là dừa, với nhiều nét khác biệt, với vốn kiến thức về chuyển đổi số còn hạn chế nên doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Khó khăn đến từ việc nghiên cứu sản xuất, tiếp cận với khách hàng, tiêu thụ sản phẩm trên thị trường. Chúng tôi đang phải đi từng bước để vừa chuyển đổi, vừa rút kinh nghiệm. Từ đó, có thể tạo ra hiệu quả cao trong hoạt động sản xuất, kinh doanh”.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Phương Dung – Phó Trưởng phòng Marketing Công ty Cổ phần Công nghệ Viindoo cho hay, việc ứng dụng công nghệ trong doanh nghiệp không chỉ đơn thuần là giải pháp công nghệ, mà quan trọng hơn là sự hòa hợp giữa chiến lược, con người, quy trình và công nghệ. Điều đó đòi hỏi một lộ trình, quá trình từng bước, với mục tiêu rõ ràng và phương pháp chuyển đổi đúng đắn.

Cũng theo bà Dung, hiện nay, hoạt động chuyển đổi số là hoạt động được các bộ ban ngành ưu tiên và được triển khai trên diện rộng. Đồng thời, có các chương trình giúp tốc độ chuyển đổi số tại Việt Nam trở nên nhanh chóng, mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu. “Để hoạt động chuyển đổi số trở nên đồng bộ, và tiếp cận sâu tới các doanh nghiệp, từ góc độ của chuyên gia tư vấn, tôi nghĩ rằng có thể tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu, với nội dung đào tạo về cả quản trị doanh nghiệp lẫn lộ trình công nghệ, chia sẻ các câu chuyện, bí kíp thành công, doanh nghiệp trực tiếp trải nghiệm công nghệ. Như vậy có thể giúp doanh nghiệp có nhiều cơ hội hơn trong việc phát triển đổi mới, chủ động trên hành trình chuyển đổi số của doanh nghiệp mình", bà Dung cho biết thêm.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đã bước qua giai đoạn đầu tiên, đang bước sang giai đoạn mở rộng và hội nhập với các hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trên thế giới. Theo đó cần xây dựng chính sách pháp luật, hành lang pháp lý để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam phát triển tương xứng với mô hình, tiềm lực, yêu cầu của giai đoạn mới.

Bùi Hiền – Hải Ngân