TPHCM đề xuất rút ngắn thời gian hoàn thành 500 km đường sắt đô thị
Thay vì phải thực hiện 3 giai đoạn (đến năm 2060) thì rút ngắn còn 2 giai đoạn (đến năm 2045) sẽ hoàn thành 510 km.
Đó là nhưng thông tin được Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Lâm trình bày đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị theo Kết luận số 49 của Bộ Chính trị, tại kỳ họp cuối năm của HĐND TPHCM.
Rút ngắn thời gian để thu hút các nhà đầu tư chiến lược
Theo ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT TPHCM, thay vì phát triển mạng lưới đường sắt đô thị theo 3 giai đoạn thì TP.HCM đề xuất rút ngắn còn 2 giai đoạn, hoàn thành 355 km vào năm 2035.
Cụ thể, TPHCM cân đối lại mục tiêu phân kỳ đến năm 2035 nhằm giải quyết được các bất cập về giao thông đô thị, yêu cầu phát triển thành phố hiện đại, văn minh trong tương lai. Trong đó, TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2035 xây dựng hoàn chỉnh 7 tuyến đường sắt đô thị (từ tuyến số 1 đến tuyến số 7) với chiều dài khoảng 355 km; đảm bảo vận tải hành khách công cộng đạt 40 - 50% nhu cầu đi lại của người dân.
“Đến năm 2045, địa phương xây dựng hoàn thành thêm 155 km (hoàn chỉnh tuyến số 8 đến tuyến số 10), nâng tổng chiều dài đường sắt đô thị lên khoảng 510 km; đảm bảo vận tải hành khách công cộng đạt 50 - 60% nhu cầu đi lại của người dân. Như vậy, mục tiêu đề ra lần này có sự tăng cao so với mục tiêu đã trình, thay vì phải thực hiện 3 giai đoạn (đến năm 2060) thì rút ngắn còn 2 giai đoạn (đến năm 2045) sẽ hoàn thành 510 km, ông Lâm nói.
Cũng theo ông Lâm, về tổng mức đầu tư sơ bộ, đề án trước dự kiến cần 37,2 tỉ USD để thực hiện 6 tuyến vào năm 2035, còn đề án mới cần 40,2 tỉ USD để thực hiện 7 tuyến.
Trên cơ sở quy mô đầu tư, tiêu chuẩn, công nghệ dự kiến lựa chọn, suất vốn đầu tư, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và các chi phí khác có liên quan, đề án xác định sơ bộ tổng mức đầu tư 7 tuyến đường sắt đô thị đến năm 2035 khoảng 40,21 tỉ USD. Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hơn 6,1 tỉ USD; chi phí xây dựng hơn 17,6 tỉ USD; chi phí thiết bị và phương tiện hơn 7 tỉ USD; chi phí quản lý dự án hơn 3,8 tỉ USD; chi phí dự phòng hơn 5,5 tỉ USD.
Song, để thực hiện mục tiêu trên, ông Lâm cho rằng: trong giai đoạn 2025 - 2027 phải hoàn thành công tác chuẩn bị dự án; giai đoạn năm 2027 - 2028 hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng để triển khai thi công. Dự kiến, dự án khởi công từ năm 2027 và chậm nhất vào năm 2028 thì mới có thể hoàn thành 355 km vào năm 2035.
Trong giai đoạn 2036 - 2045, TPHCM dự kiến cần khoảng 26,7 tỉ USD để hoàn thành 155 km còn lại, địa phương không đề nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ.
Song song đó, UBND TPHCM đề xuất 30 chính sách thuộc thẩm quyền Quốc hội và 13 chính sách thuộc thẩm quyền Chính phủ nhằm ưu tiên huy động vốn và bố trí vốn; phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho thành phố; rút ngắn trình tự, thủ tục, đẩy nhanh tiến độ thực hiện; phát triển đô thị theo định hướng TOD; thu hút các nhà đầu tư chiến lược, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư.
Xin giữ lại phần thu vượt ngân sách
Đáng chú ý, liên quan tới lộ tình thực hiện hơn 500km đường sắt đô thị, trước đó, TPHCM đã nghiên cứu nguồn vốn cho 6 tuyến metro, gồm: nguồn đầu tư công từ ngân sách TP; phát triển đô thị TOD; huy động vốn BT theo nghị quyết 98...
Cụ thể, theo Đề án metro và mục tiêu từ nay đến năm 2035, TPHCM sẽ xây dựng và hoàn thành khoảng 183km với 6 tuyến đường sắt đô thị. Đến năm 2045 làm thêm 168km để nâng tổng chiều dài lên hơn 351km. Và toàn bộ hệ thống với chiều dài hơn 510km sẽ được hoàn thành vào năm 2060. Đề án dự kiến sẽ trình Bộ Chính trị thống nhất chủ trương trong quý 4/2024. Và trong quý 1/2025, Quốc hội ban hành nghị quyết cho phép thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để hoàn thành mục tiêu hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị TPHCM vào năm 2035. Giai đoạn 2025 - 2026 sẽ trình thông qua chủ trương đầu tư toàn bộ 6 tuyến. Công tác giải phóng mặt bằng thực hiện trong giai đoạn năm 2027 - 2028. TP dự kiến khởi công tuyến đầu tiên bắt đầu từ năm 2028 và lần lượt các tuyến cho đến hết năm 2028 và hoàn thành vào năm 2035.
Đặc biệt, trong báo cáo gửi Bộ Tài chính về đánh giá tác động nợ công khi thực hiện đề án metro, UBND TPHCM cho biết các khoản tăng thu ngân sách trung ương từ nguồn thu phân chia theo tỉ lệ trung ương 79% và TPHCM 21%. Trong đó, phần tăng thu của trung ương sẽ điều tiết về ngân sách trung ương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định thưởng vượt dự toán. Tuy nhiên để đáp ứng nhu cầu vốn làm đường sắt đô thị, TPHCM đề xuất giữ lại số tăng thu này để làm metro. Việc này vẫn đảm bảo phần thu 79% của ngân sách trung ương. Và nếu đề án được thông qua, ước tính số vốn cần huy động từ nay đến 2035 khoảng 898.103 tỉ đồng (hơn 37,4 tỉ USD). Từ cơ sở trên, TPHCM đề xuất giữ lại số thu ngân sách vượt dự toán đối với phần thu chia sẻ giữa Trung ương và địa phương giai đoạn 2026 - 2030 để làm đường sắt đô thị.
Đề xuất này nhận được sự đồng tình của các chuyên gia tài chính, giao thông vận tải, bởi càng đầu tư cho hạ tầng, số thu ngân sách càng tăng và TP sẽ đóng góp nhiều thêm cho sự phát triển của đất nước.
Liên quan tới việc TPHCM đề xuất xin giữ lại ngân sách để thực hiện dự án đường sắt đô thị, TS Nguyễn Viết Thuận – Viện trưởng Viện kinh tế Tài nguyên và Môi trường TPHCM, cho rằng việc TPHCM xin được giữ lại phần ngân sách thu vượt dự toán để làm metro là hoàn toàn khả thi. Bởi, trong những năm qua, TPHCM đang đối mặt với quá tải hạ tầng, trong khi giao thông công cộng vẫn chưa thể đáp ứng. Điều này dẫn tới các vấn đề kẹt xe, ngập nước... gây thiệt hại kinh tế đáng kể. Do đó, hệ thống metro được đầu tư hoàn thiện sẽ giúp giải quyết những vấn đề trên, thay đổi bộ mặt đô thị và thúc đẩy TPHCM phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
"Việc sử dụng nguồn ngân sách thu vượt dự toán để làm metro có thể thấy là cơ hội giải quyết bớt khó khăn về nguồn vốn làm hạ tầng. Kinh phí để hoàn thiện hệ thống metro là khá lớn nên cần tính toán thêm vốn từ những nguồn khác. Trong đó, có thể kể đến phát hành trái phiếu huy động vốn từ trong nước để phát triển giao thông công cộng đem lại lợi ích cho người dân. Tuy nhiên, muốn thu hút tổ chức tài chính tham gia nắm giữ trái phiếu thì Nhà nước cần đảm bảo lợi ích bền vững, lãi suất hấp dẫn...", TS Nguyễn Viết Thuận nhấn mạnh.