DIỄN ĐÀN KCN TRỤC CAO TỐC PHÍA ĐÔNG: “Liên kết, thúc đẩy chuỗi cung ứng sản xuất thông minh”
Diễn đàn KCN trục cao tốc phía Đông với chủ đề “Liên kết, thúc đẩy chuỗi cung ứng sản xuất thông minh” được tổ chức ngày 12/12 tại Khách sạn ROYAL Hạ Long - Quảng Ninh.
Việc kết nối 4 tỉnh trục cao tốc phía Đông đã góp phần tạo ra không gian, động lực tăng trưởng, thu hút đầu tư cho các địa phương.
Liên kết, thúc đẩy chuỗi cung ứng sản xuất thông minh để tạo ra chuỗi sản xuất thông minh góp phần đảm bảo ổn định, hiệu quả sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp.
Liên kết là tất yếu
Sáng kiến kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông nhằm hướng tới việc xây dựng một mô hình liên kết kinh tế tiểu vùng, tạo không gian phát triển mới, khai thác tối đa lợi thế của 4 tỉnh, thành phố dọc trục cao tốc phía Đông. Đây cũng là tiền đề góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, tăng trưởng kinh tế cao cho các địa phương. Đặc biệt là tạo ra một cộng đồng doanh nghiệp phát triển mạnh, mở ra thêm các cực tăng trưởng mới, khai thác các ngành công nghiệp mũi nhọn trong vùng Đồng bằng sông Hồng và khu vực phía Bắc.
Sau 2 năm ký kết thỏa thuận phát triển, các địa phương cũng đã ghi nhận nhiều thành tựu quan trọng, thể hiện rõ qua báo cáo tăng trưởng về kinh tế - xã hội được ghi nhận thường niên. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2024, dù chịu nhiều biến động của thị trường trong và ngoài nước, song 4 địa phương vẫn tăng trưởng đều, thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước.
Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của 4 tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên trong 6 tháng đầu năm cụ thể đạt: 9,02%, 10,32%, 8,22%, 6,81%. Cùng với đó, các địa phương cũng đã thu hút được nhiều dự án đầu tư lớn.
Mặt khác, tham gia liên kết kinh tế, mỗi địa phương đều có các thế mạnh riêng để phát huy, khai thác. Cụ thể, Quảng Ninh có thế mạnh về tài nguyên du lịch, dịch vụ, chuỗi sản xuất - thương mại gắn với thị trường Trung Quốc. Hải Phòng có lợi thế đặc biệt về hệ thống cảng biển và logistics. Hải Dương có tiềm năng nổi trội về nguồn nhân lực, quỹ đất và vị trí trung tâm vùng, thế mạnh về công nghiệp cơ khí, chế tạo. Hưng Yên có lợi thế đặc biệt do tiếp giáp Hà Nội, tiềm năng lớn trong phát triển công nghiệp, cũng như nông nghiệp công nghệ cao, đang có tốc độ đô thị hoá rất nhanh.
Việc kết nối các tỉnh, thành phố cũng góp phần tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh, tạo niềm tin lớn, mục tiêu phát triển xanh cho các nhà đầu tư, đảm bảo đúng theo định hướng phát triển của Nhà nước và mỗi địa phương riêng.
Bà Vũ Thị Thu Hằng – Trưởng ban Kinh doanh ROX iPark cho biết: “Với vai trò là chủ đầu tư phát triển KCN hàng đầu tại Việt Nam, đến nay, chúng tôi đã đầu tư xây dựng và vận hành 5 KCN tại Hưng Yên và Hải Dương. Do vậy, chúng tôi đánh giá rất cao về sáng kiến kết nối trục cao tốc phía Đông. Đối với chúng tôi, đó là sáng kiến vô cùng hiệu quả, không chỉ nhằm mục tiêu tối đa tất cả các lợi thế của các địa phương nằm trong trục cao tốc phía Đông, hơn nữa còn tạo ra các cực tăng trưởng mới mạnh mẽ của khu vực Đồng bằng sông Hồng cũng như khu vực phía Bắc mà chúng tôi cho rằng đối với những chủ đầu tư KCN như chúng tôi thu hút thêm nhiều nhà đầu tư lớn trên toàn thế giới”.
“Để đảm bảo được mục tiêu xây dựng, thúc đẩy sản xuất xanh, chúng tôi đã tuân thủ hết sức nghiêm ngặt các quy định về bảo vệ môi trường, gia tăng các mảng xanh trong KCN, ứng dụng quản trị thông minh trong điều hành KCN, sử dụng các nguyên vật liệu tiết kiệm năng lượng cũng như đảm bảo giảm thiểu khí thải phát sinh để đảm bảo môi trường kinh doanh thân thiện nhất cho các nhà đầu tư”, bà Hằng chia sẻ.
Cần thêm nhiều giải pháp
Mặc dù vậy, việc liên kết, thúc đẩy chuỗi cung ứng sản xuất thông minh vẫn đang còn là bài toán khó trong bối cảnh hiện nay đối với các doanh nghiệp trong 4 tỉnh, thành phố dọc trục cao tốc phía Đông nói riêng và cả nước nói chung. Chính vì vậy, cần phải nhanh chóng tìm ra các giải pháp để sớm tháo gỡ các khó khăn về công nghệ, chi phí đầu tư phát triển chuỗi sản xuất thông minh, xây dựng KCN xanh tại các doanh nghiệp, KCN trên địa bàn.
Theo TS Phan Hữu Thắng – Chủ tịch Viện Nghiên cứu Đầu tư Quốc tế ISC, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư: “Xu thế chuyển dịch chuỗi cung ứng và chuỗi sản xuất thông minh toàn cầu đã nổi lên rất rõ. Trong xu thế đó, chúng ta phải chủ động để đón nhận các dòng đầu tư mà chúng ta mong muốn. Chúng ta phải đón được những dự án đầu tư chất lượng cao nhất. Diễn đàn là nơi để hiểu rõ về nhau. Hiểu được sẽ chủ động được”.
Còn theo ông Bùi Quốc Khánh – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần TNTech cho hay: “Dựa trên nền tảng quản trị và vận hành lâu năm của Công ty Cổ phần Dịch vụ Quản lý Văn hóa KCN IMC, chúng tôi cũng đã phối hợp để triển khai các hệ thống xử lý KCN thông minh, nhằm quản lý toàn bộ quá trình liên quan đến vấn đề giảm thiểu phát thải, ô nhiễm đất, nước, không khí và liên quan đến việc xây dựng toàn bộ các bộ biểu đồ chỉ số về cung cấp các biểu đồ chỉ số về tình trạng ô nhiễm trong KCN với tất cả các khách hàng trong KCN của ICM. Bên cạnh đó, chúng tôi luôn nâng cấp không ngừng cải tiến về mặt kỹ thuật để làm sao tích hợp được hệ thống IOT trong việc tích hợp dữ liệu và phân tích dữ liệu trong quá trình quản lý vận hành để làm sao tối ưu cho công tác quản trị vận hành KCN thông minh, góp phần đóng góp cho việc cải thiện môi trường các KCN ngày càng xanh, thông minh hơn”.
Cùng với đó, các bộ ban ngành, các địa phương cũng cần nhanh chóng đưa ra các cơ chế chính sách, thuế kịp thời, đảm bảo điều kiện cho các doanh nghiệp vận hành hiệu quả, thu hút thêm được nhiều nhà đầu tư lớn, chất lượng trong khu vực.
Bà Hằng cho biết: “Để có thể tận dụng tối đa các lợi thế vượt trội về hạ tầng giao thông của các KCN dọc trục cao tốc phía Đông, chúng tôi cũng rất mong muốn Chính phủ và các cơ quan Nhà nước tạo ra các hành lang hỗ trợ pháp lý và thuế ưu đãi hơn nữa, để chúng tôi có thể hỗ trợ, thu hút thêm các nhà đầu tư lớn, chất lượng vào khu vực”.