Du lịch Sóc Sơn: Những điểm đến nao lòng du khách
Những địa điểm du lịch đẹp như mơ tại huyện Sóc sơn (TP Hà Nội) đang là điểm đến không thể bỏ qua, thu hút nhiều du khách những năm gần đây…
Quần thể khu di tích Đền Sóc linh thiêng
Quần thể khu di tích Đền Sóc được xây dựng từ thời Tiền Lê, năm 980 và đến nay đã trải qua 1044 năm, cùng với 13 lần trùng tu lớn nhỏ thì quần thể mới có diện mạo như ngày hôm nay. Được nhà nước công nhận là khu di tích cấp quốc gia năm 1962 và đặc biệt hơn nữa ngày 31/12/2014 thủ tướng chỉnh phủ đã công nhận khu di tích đền sóc là khu di tích quốc gia đặc biệt, bên cạnh đó thì hội gióng được unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2010.
Lễ hội đã trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống, sinh hoạt văn hóa, tâm linh của mỗi người. Hàng năm, cứ mỗi độ xuân về, người dân lại nô nức về với lễ hội Gióng đền Sóc thể hiện lòng thành kính, cầu mong một năm bình an, may mắn đến với bản thân, gia đình và người thân. Theo tục lệ truyền thống, Lễ hội đền Sóc được tổ chức trong 3 ngày, từ ngày mùng 6 đến ngày mùng 8 tháng giêng hàng năm.
Chùa Non Nước giữa ngàn thông reo
Nổi bật trong khu di tích đền Sóc là chùa Non Nước. Ngôi chùa còn có tên gọi khác là Sóc Thiên Vương Thiền Tự. Chùa nằm ngay vị trí trung tâm của dãy núi hình vòng cung, uốn lượn, cách chân núi với độ cao 110m.
Dù không phải là ngôi chùa cổ nhưng với nét kiến trúc lưu truyền từ thời tiền Lê đã tạo nên một sức hút riêng cho chùa. Đến đây tham quan, bạn sẽ được hòa mình vào không gian yên tĩnh, trang nghiêm của chùa.
Tượng đài Thánh Gióng
Tượng đài Thánh Gióng cũng nằm trong quần thể di tích Đền Sóc - chùa Non - Học viện Phật giáo Việt Nam. Thánh Gióng là một trong "Tứ Thánh bất tử" của tín ngưỡng dân gian Việt Nam, gắn với huyền thoại cậu bé làng Phù Đổng dũng cảm đánh thắng giặc Ân, đem lại thái bình cho đất nước.
Bức tượng mô phỏng hình ảnh vị thánh trẻ tay cầm tre ngà, thúc ngựa hướng tới trời cao. Tác giả là Nguyễn Kim Xuân, một nhà điêu khắc thuộc Hội Mỹ thuật Hà Nội. Đây từng là công trình văn hóa trọng điểm trong năm 2010 nhân dịp chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Chứng tích lịch sử về tình yêu đã đi vào huyền thoại
Nằm cách trung tâm thị trấn Sóc Sơn khoảng chừng một cây số về phía Đông là địa danh Núi Đôi và bài thơ cùng tên của nhà thơ Vũ Cao đã trở thành một địa chỉ văn hóa và sống mãi trong tình cảm cũng như trong tâm thức của rất nhiều người Việt, đặc biệt là người dân Hà Nội.
Bài thơ “Núi Đôi” của nhà thơ Vũ Cao được xếp vào một trong năm bài thơ tình hay nhất thế kỉ XX. Bài thơ kể về chuyện tình một đôi trai gái trong cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp ở xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Nơi đây có hai ngọn núi nằm cạnh nhau như núi vợ, núi chồng, như chứng tích về một tình yêu đã đi vào huyền thoại thơ ca và lịch sử.
Hơn bảy mươi năm về trước, với địa hình và địa thế án ngữ trên con đường huyết mạch chuyển tiếp từ trung du Việt Bắc tiến về đồng bằng và ở ngay cửa ngõ phía Bắc của thủ đô Hà Nội nên Thực dân Pháp đã tăng cường và biến nơi đây thành một căn cứ phòng thủ nhằm khống chế hoạt động của quân ta. Chúng đưa lính Tây đến ở và càn quét trên vành đai trắng, đồng thời trang bị những hỏa lực rất mạnh và xây dựng hàng chục đồn bốt, hầm ngầm, lô cốt rất kiên cố bằng gạch, đá, bê tông cốt thép trên hai quả đồi.
Các dấu tích ấy giờ vẫn còn nguyên đó cùng những rêu phong theo thời gian và đã trở thành những chứng nhân lặng thầm của lịch sử.
Khám phá “nóc nhà Thủ đô"
Núi Hàm Lợn nằm trên dãy núi Độc Tôn, thuộc địa phận huyện Sóc Sơn, cách trung tâm Hà Nội khoảng 40km theo hướng cao tốc Bắc Thăng Long – Nội Bài.
Nơi đây được ví như “nóc nhà của Thủ đô" khi nằm trên độ cao 462m. Núi Hàm Lợn trở thành điểm đến hấp dẫn nhiều bạn trẻ nhờ sở hữu khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, địa hình đa dạng và khí hậu trong lành, dễ chịu. Đây là điểm du lịch gần Hà Nội lý tưởng để bạn có một chuyến picnic hay tổ chức teambuilding, khám phá núi rừng thật thú vị cùng bạn bè và người thân.
Nếu bạn yêu thích thiên nhiên và muốn tìm kiếm những phút giây yên bình giữa thiên nhiên hoang sơ, đừng quên dành thời gian để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của rừng thông trên núi Hàm Lợn. Khi lên đỉnh núi, bạn sẽ được ngắm nhìn toàn cảnh cánh rừng thông với màu xanh mướt tựa như tranh vẽ, cùng với khung cảnh thiên nhiên hoang sơ và thanh bình. Những tia nắng len lỏi qua tán cây, đốm sáng trên lá thông, gió thổi qua làm rung động những cành cây, tất cả tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp và độc đáo.
Cũng tại nơi này, bình minh và hoàng hôn là thời điểm đẹp nhất để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Hồ Hàm Lợn, khi mặt nước trong xanh như gương phản chiếu toàn bộ cảnh quan xung quanh. Không khí mát mẻ, trong lành và yên bình tạo cảm giác thư thái, thả hồn đắm chìm trong không gian thiên nhiên tuyệt đẹp của núi rừng Hàm Lợn.
Không chỉ có khung cảnh đẹp, Hồ Hàm Lợn còn có không gian rộng rãi, mát mẻ và yên tĩnh, mang đến trải nghiệm tuyệt vời cho du khách muốn tận hưởng những giây phút bình yên với gia đình và bạn bè. Bạn có thể cắm trại ngay bên bờ hồ, thưởng thức tiệc BBQ với những món ăn đậm chất của địa phương, và tận hưởng những giây phút thư giãn giữa không gian thiên nhiên tuyệt đẹp.
Một Đà Lạt thu nhỏ ngay tại Hà Nội
Nằm tại tại xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn, Hồ Đồng Đò sở hữu một không gian rộng lớn, sơn thủy hữu tình khiến du khách không khỏi yêu mến vẻ đẹp thiên nhiên nơi đây. Đập Hồ Đồng Đò trước đây chỉ là con suối nhỏ, đến năm 2000 đập Đồng Đò được chính quyền địa phương xây dựng với diện tích lên đến 200ha để phục vụ tưới tiêu cho người dân. Trước là phục vụ mục đích công – nông nghiệp, tuy nhiên sau đó phát hiện tiềm năng du lịch.
Với khung cảnh thơ mộng và xanh tươi bao quanh, cùng với hồ nước rộng, trong vắt, không khí yên bình, trong lành, xung quanh lại có nhiều bãi đất trống nên địa điểm này dần trở thành điểm đến được yêu thích với những ai yêu thiên nhiên. Dần dần du lịch hồ Đồng Đò và cắm trại hồ Đồng Đò trở thành xu hướng với nhiều bạn trẻ và gia đình thủ đô. Hồ Đồng đò được nhiều du khách ví như một Đà Lạt thu nhỏ của Hà Nội.
Việt Phủ Thành Chương – Nơi lưu giữ “hồn xưa đất Việt”
Việt Phủ Thành Chương được bắt nguồn từ ý tưởng và cũng được lấy tên của chính họa sĩ Thành Chương - người đã tái hiện lại những nét đẹp tinh hoa của nền văn hóa Việt từ xa xưa. Việt phủ được xây dựng từ năm 2001, tọa lạc ở hồ Kèo Cả, xã Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội.
Với khuôn viên rộng trên 8000ha, Việt Phủ Thành Chương như một bức tranh mang đậm nét đẹp hoài cổ, tái hiện lại rất nhiều công trình kiến trúc nổi bật, kể lại dòng lịch sử Việt Nam. Không chỉ thu hút du khách trong nước mà tiếng vang Việt Phủ Thành chương còn vươn tầm quốc tế. Năm 2004, Hoàng hậu và phái đoàn hoàng gia Thụy Điển đã có chuyến du ngoạn nơi đây. Năm 2012, Việt Phủ Thành Chương được ca ngợi bởi vẻ đẹp tuyệt vời của các công trình hoài cổ trên tờ New York Time của Mỹ. Vô cùng tự hào, Việt Phủ Thành Chương như một khu bảo tàng - nơi bảo tồn những hình ảnh đi cùng năm tháng lịch sử, hãnh diện với bạn bè năm châu bốn biển.