Kinh tế đêm Nghệ An: Đơn điệu tạo ra sự nhàm chán
Nghệ An đang đi đúng hướng phát triển kinh tế đêm. Tuy nhiên, các mô hình hiện nay của tỉnh chưa phát huy hiệu quả như kỳ vọng.
Thực tế cho thấy, các sản phẩm kinh tế đêm ở Nghệ An còn khá đơn điệu, nhỏ lẻ, chưa có nhiều sản phẩm đa dạng, đặc sắc để hấp dẫn ánh mắt của người dân và du khách thập phương.
Sản phẩm đơn điệu, vắng khách
Là mô hình kinh tế đêm đầu tiên trên địa bàn tỉnh Nghệ An, phố đêm Cao Thắng được chính quyền đầu tư, nâng cấp nhiều hạng mục công trình với kỳ vọng sẽ tạo ra một địa điểm vui chơi, giải trí, mua sắm mới, phục vụ nhu cầu người dân và du khách thập phương. Tháng 10/2019, phố đêm Cao Thắng chính thức đi vào hoạt động, tuy nhiên, từ đó đến nay, khu vực này thường xuyên trong tình trạng ảm đạm, vắng vẻ.
Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân phố đêm Cao Thắng không thể níu chân người dân và du khách là do các loại hình dịch vụ nơi đây còn khá đơn điệu, hàng hoá và ẩm thực chưa phong phú, hấp dẫn. Trong số các ki ốt được đăng ký kinh doanh, hầu hết là mặt hàng quần áo, túi xách, giày dép, khu vực còn lại chủ yếu là đồ ăn nhẹ, không tạo ra điểm nhấn, kích thích nhu cầu tiêu dùng của người dân và du khách gần xa.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Thái Văn Hải – Phó Trưởng Ban quản lý chợ Vinh, đơn vị phụ trách phố đêm Cao Thắng cho hay: Về cơ sở hạ tầng, chúng tôi đã đầu tư, nâng cấp nhiều hạng mục làm điểm nhấn cho phố đêm như: Mái che di động có điều khiển, hệ thống chiếu sáng, đèn điện trang trí, quầy hàng đẹp, hiện đại… Cùng với đó là nhiều chính sách ưu đãi, tạo điều kiện tốt nhất cho các tiểu thương kinh doanh, đồng thời xây dựng các chương trình, sự kiện văn hoá nghệ thuật sôi động nhằm thu hút người dân và du khách. Tuy nhiên, điều đáng buồn là hiệu quả kinh tế của phố đêm Cao Thắng vẫn chưa đạt được như kỳ vọng.
Tương tự, phố đi bộ TP Vinh mặc dù toạ lạc tại vị trí rất thuận lợi, hoạt động vào mỗi dịp cuối tuần, thế nhưng hiệu quả kinh tế mang lại thì chưa có nhiều. Theo ghi nhận của PV, hiện trạng toàn tuyến phố đi bộ về đêm có nhiều điểm bán hàng phục vụ du khách nhưng cơ bản vẫn chỉ là những quầy hàng ăn uống nhẹ, ít điểm vui chơi giải trí hấp dẫn, chủ yếu chỉ dành phục vụ người dân địa phương tham quan, ngắm cảnh; chưa thu hút đông đảo khách du lịch tham gia vào các hoạt động kinh tế đêm.
Xa hơn là phố biển Cửa Lò – nơi thu hút hàng triệt lượt khách du lịch mỗi năm, mang lại nguồn thu ngân sách lớn cho Nghệ An, về kinh tế đêm cũng chỉ thực sự sôi động, náo nhiệt vào mùa cao điểm du lịch. Qua đánh giá chung, các hình thức dịch vụ ban đêm ở phố biển Cửa Lò còn khá hạn chế, không gian vui chơi, giải trí, ăn uống chưa thật sự thú vị, cuốn hút, chưa có nhiều các chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc, dịch vụ mua sắm manh mún, nhỏ lẻ, chưa chú trọng đầu tư một cách bài bản, chuyên nghiệp…
Cần đa dạng hoá sản phẩm
Trong khi đó, với người dân địa phương, các hoạt động giao lưu, gặp gỡ, gắn kết xã hội đa phần diễn ra trong khoảng thời gian từ 18 – 22 giờ. Với du khách thập phương, nhu cầu tham gia các hoạt động về ban đêm càng lớn hơn gấp nhiều lần. Do vậy, việc đầu tư, phát triển kinh tế đêm được xem là xu hướng tất yếu để kích cầu tiêu dùng và thúc đẩy du lịch.
Hiện nay, Nghệ An đang triển khai thực hiện Đề án phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung xây dựng, khai thác ở các địa phương sầm uất, trung tâm về du lịch, thương mại dịch vụ như TP Vinh, phố biển Cửa Lò, với nhiều hoạt động: Ẩm thực, giải trí, lễ hội, sự kiện văn hoá, nghệ thuật, âm nhạc cho tới các buổi triển lãm, trưng bày sản phẩm OCOP, sản vật địa phương...
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Mạnh Cường – Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Nghệ An cho hay: “Nghệ An đã và đang đi đúng hướng về câu chuyện kinh tế đêm. Tuy nhiên, để kích cầu, tạo hiệu quả sau những vận hành cần có sự chăm chút, quan tâm, định hướng thay đổi những thứ phù hợp để tạo đà phát triển và thu hút được sự quan tâm của người dân, du khách”.
Theo Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Nghệ An, để tăng hiệu quả khai thác kinh tế đêm thì sẽ phải tổng hợp nhiều vấn đề mà đơn vị vận hành, đơn vị chịu trách nhiệm cần tính tới như: Tập trung củng cố hàng hóa đa dạng, đặc sắc; chú trọng duy trì thường xuyên các sự kiện âm nhạc, chương trình văn hóa nghệ thuật, vui chơi, giải trí… tạo điểm nhấn hấp dẫn người dân và du khách thập phương.
Mặt khác, cần phải đưa ra quy định rõ ràng về thời gian, cụ thể như quy định giờ giấc mở, đóng cửa các khu vui chơi, ăn uống, giải trí sao cho hợp lý, để du khách thoải mái trải nghiệm. Địa điểm vị trí quy hoạch các khu phố đêm, chợ đêm phải ổn định, có thể tính đến việc mở rộng khi cần thiết để làm sao đó đáp ứng nhu cầu, phục vụ tốt nhất cho du khách. Chú trọng quan tâm thu hút đầu tư, xã hội hóa các mảng, lĩnh vực đa dạng và mang tính bền vững hơn...
Còn ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Quốc Lâm – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Song Ngư Sơn nhìn nhận: Du lịch gắn liền với các hoạt động kinh tế đêm. Tuy nhiên, hiện nay loại hình này vẫn còn mang tính thời vụ, nhất là tại phố biển Cửa Lò, thời gian hoạt động kinh doanh mỗi năm chỉ rơi vào khoảng thời gian từ 3 - 4 tháng mùa hè.
“Do vậy, tỉnh Nghệ An cần sớm thực hiện đồng bộ các giải pháp để quảng bá du lịch 4 mùa. Trong đó, tập trung khai thác và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, dịch vụ phụ trợ vào mùa thấp điểm, nhất là vào mùa đông như: Tổ chức các hoạt động hội nghị, hội thảo, chương trình sự kiện văn hoá nghệ thuật, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng,…” , ông Trần Quốc Lâm nói.