Sự bùng nổ của show âm nhạc tiếp tục "khuấy động" du lịch Việt
Du lịch âm nhạc, sự kết hợp giữa thưởng thức âm nhạc và trải nghiệm văn hóa đang mở ra cơ hội mới cho ngành du lịch Việt Nam.
Hai chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc “hot” “Anh trai say hi” và “Anh trai vượt ngàn chông gai” tổ chức ở Hà Nội trong tháng 12/2024, được đánh giá là hoạt động văn hóa nghệ thuật có quy mô lớn, thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả.
Quy mô và sức hút của các sự kiện âm nhạc của Việt Nam tổ chức gần đây đã ngày càng khẳng định thực lực sánh ngang với quốc tế của âm nhạc trong nước.
Chia sẻ về nội dung này, ông Nguyễn Công Hoan - trưởng Ban truyền thông Hiệp hội Du lịch Việt Nam - cho biết thêm sự nhập cuộc và đầu tư mạnh mẽ của các doanh nghiệp lớn góp phần phát triển các xu hướng du lịch mới cho Việt Nam, bên cạnh những giá trị, tiềm năng du lịch truyền thống như lịch sử, cảnh quan, văn hóa.
Theo TS. Lê Quang Đăng - Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ VH-TT&DL), loại hình du lịch này không chỉ giúp du khách thư giãn mà còn nâng cao đời sống tinh thần, trở thành cầu nối quảng bá văn hóa độc đáo.
"Với một nền văn hóa phong phú và đa dạng, Việt Nam sở hữu tiềm năng lớn để phát triển du lịch âm nhạc, đặc biệt khi kết hợp hài hòa giữa âm nhạc, ẩm thực, và du lịch tự nhiên. Các điểm đến hàng đầu như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang hay Phú Quốc đều là 'mảnh đất vàng' để tổ chức các sự kiện âm nhạc lớn nhờ hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ và hiện đại", TS. Đăng nhận định.
Ông cũng nhấn mạnh vai trò của các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam trong việc kết nối và tổ chức các sự kiện tầm cỡ, thu hút nghệ sĩ quốc tế và tạo nên sức hút đặc biệt cho các điểm đến này.
PGS. TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng sự cộng hưởng giữa âm nhạc và du lịch không chỉ làm phong phú các hoạt động văn hóa, giải trí mà còn thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa.
Với cảnh quan thiên nhiên ngoạn mục, các thành phố nhộn nhịp, cùng lòng hiếu khách của con người Việt Nam, du lịch âm nhạc có thể trở thành một sản phẩm chiến lược, thu hút làn sóng du khách mới tìm kiếm sự hòa mình vào văn hóa và nghệ thuật.
Mặc dù đầy tiềm năng, nhưng Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều thách thức. Theo PGS. TS Bùi Sơn, trên thế giới các quốc gia như Mỹ, Anh hay Đức đã xây dựng thương hiệu du lịch âm nhạc qua các lễ hội quy mô lớn, thu hút hàng triệu du khách mỗi năm.
PGS. TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh rằng Việt Nam cần một chiến lược bài bản và lâu dài để xây dựng thương hiệu cho các lễ hội âm nhạc. Điều này bao gồm việc đầu tư vào cơ sở vật chất như nhà hát, sân khấu ngoài trời, nâng cấp dịch vụ giao thông và lưu trú, đồng thời xây dựng đội ngũ chuyên gia sự kiện chuyên nghiệp.
"Việt Nam cần học hỏi từ các mô hình thành công trên thế giới và tìm kiếm hợp tác quốc tế để nâng cao chất lượng tổ chức. Đồng thời, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về pháp lý và ưu đãi thuế để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này", PGS. TS. Bùi Hoài Sơn nói.