Hiệp định CEPA (Kỳ I): “Đòn bẩy” giao thương Việt Nam - UAE
Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA) được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy giao thương giữa Việt Nam và Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE).
Hiện nay, UAE là thị trường xuất khẩu lớn nhất và là đối tác thương mại lớn thứ hai (sau Kuwait) của Việt Nam tại Tây Á.
Giao thương tăng trưởng mạnh
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong giai đoạn 2018-2023, tổng trao đổi thương mại giữa hai nước bình quân đạt khoảng 5 tỷ USD/năm. Về cán cân thương mại, Việt Nam luôn xuất siêu sang thị trường UAE với giá trị lớn, khoảng từ 3 - 4 tỷ USD/năm.
Năm 2023, tổng trao đổi thương mại hai chiều đạt gần 4,7 tỷ USD, tăng 5,9% so với năm 2022, trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt hơn 4 tỷ USD, tăng 4,3% và nhập khẩu đạt trên 676 triệu USD, tăng 16%. Trong 8 tháng đầu năm 2024, tổng trao đổi thương mại hai chiều đạt trên 4,47 tỷ USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt 3,85 tỷ USD, tăng 47,5% và nhập khẩu đạt 623,5 triệu USD, tăng 32,5%.
Về cơ cấu hàng hóa, các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang UAE gồm điện thoại di động, máy vi tính và linh kiện, sản phẩm điện, điện tử gia dụng, hạt tiêu, thủy sản, giày dép, hàng dệt may, sản phẩm ngũ cốc, sản phẩm nhựa, đồ gỗ nội thất… Các mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ UAE gồm chất dẻo nguyên liệu, khí đốt hóa lỏng (LPG), chế phẩm từ dầu mỏ, nguyên liệu thức ăn gia súc, kim loại thường, hóa chất.
Thúc đẩy thương mại song phương
Từ năm 2022, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Kinh tế UAE đã chủ động nghiên cứu khả năng đàm phán, ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương. FTA giữa Việt Nam và UAE được đánh giá là khả thi, kỳ vọng mang lại lợi ích cho cả hai bên và phù hợp với mong muốn tăng cường hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực.
Sau quá trình nghiên cứu khả thi và đánh giá tác động của FTA giữa Việt Nam và UAE vào năm 2022, trên cơ sở thống nhất với UAE, tháng 4/2023, trong chuyến thăm và làm việc với UAE của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, hai bên đã thống nhất tên gọi của FTA song phương là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (CEPA), ký Tuyên bố cấp Bộ trưởng về việc tiến tới khởi động đàm phán cũng như thống nhất Điều khoản tham chiếu (TOR) của CEPA.
Ngày 20/6/2023, Chính phủ đã chính thức quyết định khởi động đàm phán CEPA trong bối cảnh quan hệ song phương Việt Nam - UAE ngày càng phát triển tốt đẹp, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế-thương mại.
Trải qua 5 phiên đàm phán chính thức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, ngày 28/10/2024, tại Dubai dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ và Quốc vương UAE, Hiệp định CEPA giữa Việt Nam và UAE đã được ký kết tại Dubai, UAE. Như vậy, từ khi khởi động đàm phán đến khi ký kết Hiệp định CEPA chỉ mất hơn 1 năm, nhanh hơn rất nhiều so với các FTA trước đây và có thể coi đây là một kỷ lục.
Đây là FTA truyền thống với toàn bộ các nội dung vẫn thường có trong các hiệp định thương mại tự do khác nhưng với tiêu chuẩn cao và bao gồm nhiều yếu tố để chuẩn bị cho các xu thế phát triển của thế giới trong tương lai. Với những cam kết mang tính ưu đãi, thuận lợi, cân bằng lợi ích giữa hai bên, CEPA sẽ là động lực quan trọng để thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại - đầu tư song phương giữa Việt Nam và UAE trong thời gian tới.
Cam kết tự do hóa thương mại
Hiệp định bao trùm các nội dung gồm thương mại hàng hóa, dịch vụ - đầu tư, quy tắc xuất xứ, hàng rào kỹ thuật đối với thương mại (TBT), các biện pháp vệ sinh kiểm dịch động thực vật (SPS), hải quan, phòng vệ thương mại, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, pháp lý – thể chế. Trong đó, đáng chú ý là hai bên đã thống nhất đưa ra cam kết mạnh mẽ về tự do hóa thương mại. Hiệp định cũng bao gồm nhiều quy định tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, phù hợp với các xu hướng chuyển đổi số và phát triển xanh hiện nay.
UAE cam kết xóa bỏ thuế quan theo lộ trình đối với 99% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang UAE. UAE cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định CEPA có hiệu lực đối với nhiều ngành hàng chủ lực và có tiềm năng xuất khẩu lớn của Việt Nam, tạo cơ sở thuận lợi cho việc xúc tiến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này, và từ đó sang các nước Trung Đông. Đặc biệt, UAE sẽ mở cửa cho gần như toàn bộ các mặt hàng Việt Nam có lợi thế xuất khẩu.
Việt Nam cũng cam kết xóa bỏ thuế quan theo lộ trình cho 98,5% kim ngạch xuất khẩu của UAE sang Việt Nam. Việt Nam cam kết mở cửa thị trường cho UAE với mức độ cao hơn so với WTO và một số FTA khác trong một số lĩnh vực mà nước này quan tâm như dịch vụ khách sạn, nhà hàng; cho thuê tàu có kèm người điều khiển; dịch vụ bảo dưỡng và sửa chữa tàu thuỷ; dịch vụ đại lý hàng hải... Đây là những dịch vụ mà UAE có thế mạnh và có khả năng sẵn sàng đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới sau khi Hiệp định chính thức có hiệu lực.
Kỳ II: Cơ hội song hành thách thức