Kinh tế

DIỄN ĐÀN KCN TRỤC CAO TỐC PHÍA ĐÔNG: Doanh nghiệp phải xanh hoá để đón dòng đầu tư

Bài: Thy Hằng - Ảnh: Tuấn Ngọc 12/12/2024 17:43

Xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng đang cho Việt Nam cơ hội đón dòng đầu tư, đòi hỏi doanh nghiệp phải xanh hoá để đón nhận cơ hội này.

Trên cơ sở Thoả thuận Kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông (VEHEC) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ký kết với UBND 4 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên; nhằm kết nối với chuỗi cung ứng sản xuất thông minh toàn cầu, dưới sự chỉ đạo của VCCI và UBND 4 tỉnh, Thành phố; ngày 12/12, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Ban Pháp chế (VCCI), Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh tổ chức Diễn đàn Khu công nghiệp trục cao tốc phía Đông năm thứ hai liên tiếp với chủ đề “Liên kết và thúc đẩy chuỗi cung ứng sản xuất thông minh”.

Theo các đại biểu, ở Việt Nam đã có nhiều dự án sản xuất thông minh của châu Âu, các công ty của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Trung Quốc.
Diễn đàn “KCN Trục cao tốc phía đông 2024: Liên kết, thúc đẩy chuỗi cung ứng sản xuất thông minh” tổ chức ngày 12/12 tại Quảng Ninh.

Phát biểu thảo luận tại Diễn đàn “KCN Trục cao tốc phía đông 2024: Liên kết, thúc đẩy chuỗi cung ứng sản xuất thông minh”, ông Đào Trọng Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) nhấn mạnh, logistics được ví là xương sống, mạch máu thương mại, thúc đẩy phát triển kinh tế, đồng thời là nền tảng kết nối chuỗi cung ứng.

Tại các khu công nghiệp thuộc tiểu vùng trục cao tốc phía Đông - nơi có lợi thế hạ tầng giao thông hiện đại, logistics giúp tối ưu hóa luồng vận chuyển, rút ngắn thời gian giao hàng và giảm chi phí, từ đó thúc đẩy sự phát triển của các chuỗi cung ứng sản xuất thông minh và bền vững.

Chủ tịch VLA cũng cho biết, tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề ra 3 mục tiêu và 7 giải pháp phát triển logistics thời gian tới.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2025 sẽ giảm tỷ lệ chi phí logistics so với GDP từ 18% xuống 15%; tăng quy mô ngành logistics Việt Nam từ 10% GDP lên 15%, tiến tới 20%; nâng tốc độ tăng trưởng của ngành logistics từ 14-15%/năm lên 20%.

ongkhoa.jpg
Ông Đào Trọng Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA).

Để hiện thực mục tiêu này, Thủ tướng yêu cầu trước hết cần thực hiện 7 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gồm nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của ngành logistics và vị trí Việt Nam ở trung tâm khu vực châu Á - Thái Bình Dương để khai thác, phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh trong chuỗi logistics thế giới.

Thứ hai, tạo đột phá thể chế theo hướng thông thoáng để phát triển ngành xứng tầm, với quan điểm "thể chế là nút thắt của nút thắt", là "đột phá của đột phá".

Thứ ba, xây dựng hạ tầng logistics hiện đại, thông suốt để giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm, đặc biệt là phát triển ngành hàng không, hàng hải và đường sắt tốc độ cao.

Thứ tư, xây dựng quản trị thông minh và đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành logistics.

Thứ năm, đẩy mạnh hội nhập, ngoại giao logistics và hiện đại hóa ngành logistics nội địa.

Thứ sáu, xây dựng và phát triển quốc gia thương mại tự do, đồng thời quản lý hiệu quả, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển.

Thứ bảy, kết nối chặt chẽ giữa các phương thức giao thông (hàng không, hàng hải, đường sắt, đường bộ và đường thủy nội địa) và kết nối với giao thông quốc tế, với các khu thương mại tự do của thế giới.

chutoa (15)
Giải pháp giảm chi phí logistics, tăng quy mô thị trường logistics, đòi hỏi phát triển về chất, theo đó doanh nghiệp chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là hướng tất yếu.

Theo ông Đào Trọng Khoa: “Giải pháp giảm chi phí logistics, tăng quy mô thị trường logistics, đòi hỏi phát triển về chất, theo đó doanh nghiệp chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là hướng tất yếu.”

Nhấn mạnh về tiềm năng phát triển logistics xanh tại các khu công nghiệp thông minh tại Việt Nam, ông Khoa cho rằng, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng đang cho Việt Nam cơ hội đón dòng đầu tư, đòi hỏi doanh nghiệp phải xanh hoá để đón nhận cơ hội này.

Chia sẻ về hai vấn đề được nêu bật từ “Báo cáo kinh tế tiểu vùng Trục cao tốc phía Đông”, Chủ tịch VLA nhấn mạnh, báo cáo có nêu số lượng doanh nghiệp logistics ở tại trục kinh tế phía Đông (VEHEC) là 5.377 doanh nghiệp, về mặt quy mô chỉ bằng 1/2 số lượng doanh nghiệp của TP Hồ Chí Minh là 11.800 doanh nghiệp. “Tuy nhiên tôi cho rằng vấn để chất lượng doanh nghiệp mới là quan trọng. Việc thúc đẩy dịch vụ theo hướng có chất lượng, nhân lực có trình độ cao mới là quan trọng. Đây là cơ hội để chúng ta cải tiến”, ông Khoa nhấn mạnh.

Lấy đơn cử về Sáng kiến ESG của USAID và Bộ KH&ĐT đã có 3/10 doanh nghiệp logistics được trao chứng nhận này là Gemalink, Trasas, U&I đều là doanh nghiệp phía Nam, doanh nghiệp của vùng VEHEC không có mặt, ông Khoa cho rằng có thể doanh nghiệp của vùng quan tâm chưa đủ hoặc chưa đủ năng lực, do đó, chất lượng mới là quan trọng.

Chia sẻ thêm về yêu cầu ngoại giao kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch VLA cho biết Hiệp hội đã tích cực thực hiện ngoại giao kinh tế, đồng thời thành công đưa Đại hội Thế giới Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận vận tải Quốc tế (FIATA World Congress - FWC) về Việt Nam vào tháng 10/2025 với chủ đề tương đồng là logistics xanh. Ông Khoa cho rằng đây là cơ hội để các địa phương VEHEC cũng như doanh nghiệp của vùng cùng tham gia để quảng bá tiềm năng của khu vực kinh tế VEHEC với thế giới như xây dựng những hành lang kết nối khu vực và Trung Quốc cũng như thế giới…

Bài: Thy Hằng - Ảnh: Tuấn Ngọc