24h

TPHCM: Vì sao Thảo Cầm Viên Sài Gòn có nguy cơ ngưng hoạt động?

Bài và Ảnh: Hương Giang 13/12/2024 00:15

Là doanh nghiệp hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, thế nhưng với khoản tiền gần 800 tỉ đồng tiền nợ thuê đất, Thảo Cầm Viên Sài Gòn có nguy cơ ngưng hoạt động.

Đó là nội dung được dư luận đặc biệt quan tâm trong những ngày qua sau khi ngành thuế TPHCM thông báo về số tiền thuê đất mỗi năm là 163,3 tỉ đồng, đối với Thảo Cầm Viên Sài Gòn.

thảo cầm viên 3
Thảo cầm viên Sài Gòn được xây dựng vào năm 1864 (đến nay đã tròn 160 tuổi). Đây là 1 trong 8 vườn thú cổ nhất trên thế giới, đang có nguy cơ ngưng hoạt động vì nợ tiền thuê đất.

Nguy cơ ngưng hoạt động vì nợ thuế?

Đáng chú ý, trao đổi với báo chí, bà Vũ Thị Hương Giang - Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thảo Cầm Viên Sài Gòn (Thảo Cầm Viên Sài Gòn), cho biết đơn vị đang rất lo lắng vì khoản tiền tính đến thời điểm hiện tại lên tới gần 800 tỉ đồng tiền nợ thuê đất.

Cũng theo bà Giang, về bản chất, doanh nghiệp cũng không phải doanh nghiệp vì đơn vị hoạt động chủ yếu mang tính bảo tồn nhưng xét về yếu tố nào đó cũng không phải. Bên cạnh đó, doanh nghiệp hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận nhưng chịu tiền thuế đất mỗi năm hơn trăm tỉ đồng là rất khó..

“Vốn là doanh nghiệp nhưng "không hoạt động vì mục đích lợi nhuận", chức năng chính là quản lý vườn thú cổ 160 năm tuổi, chăm sóc nhiều động vật và thực vật quý hiếm, song, trên thực tế thì đơn vị lại đang gặp câu chuyện khó về chức năng của mình”, bà Giang nêu.

Lý giải về nguyên nhân doanh nghiệp nợ thuế, bà Giang cho biết năm 2014, UBND TPHCM ký quyết định cho thuê đất với diện tích 158.117m2 sử dụng vào mục đích công cộng theo chế độ trả tiền hằng năm, thời hạn 50 năm. Tuy nhiên, phần dùng để kinh doanh chỉ chiếm diện tích rất nhỏ (khoảng 5.600m2) và Thảo Cầm Viên Sài Gòn đã đóng tiền hằng năm. Còn phần diện tích còn lại hoàn toàn sử dụng vào công tác bảo tồn. Song, căn cứ vào hợp động thuê đất, Chi cục Thuế quận 1, TPHCM đã thông báo tiền thuế đất trên toàn bộ diện tích kể trên, tổng số tiền mỗi năm là 163,3 tỉ đồng.

“Với mức tiền thuế như trên sẽ khiến giá vé bị tăng lên rất cao, ảnh hưởng tới người dân đến vui chơi. Đồng thời kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo tồn động, thực vật cũng không còn. Thảo Cầm Viên Sài Gòn sẽ có nguy cơ dừng hoạt động. Song, vấn đề căn cơ nhất là cần phải điều chỉnh quyết định thuê đất mới có thể giải quyết được gốc rễ vấn đề, bà Giang nói.

Về hướng xử lý, bà Giang cho biết, hiện đơn vị đã có văn bản kiến nghị UBND TP, Cục Thuế TP, Sở TN&MT TP xin được khoanh nợ và dừng thực hiện cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản ngân hàng, Kho bạc TP của Thảo Cầm Viên Sài Gòn, và xin được điều chỉnh, bổ sung quyết định giao, thuê đất cho đơn vị. Bên cạnh đó, Thảo Cầm Viên Sài Gòn xin được khoanh số tiền nợ theo thông báo nộp tiền của Chi cục Thuế quận 1 và tiếp tục tạm đóng tiền thuê đất theo diện tích Thảo Cầm Viên đang sử dụng vào mục đích kinh doanh, dịch vụ với số tiền 6 tỉ đồng/năm.

“Đề nghị UBND TP xem xét để Thảo Cầm Viên Sài Gòn được áp dụng hình thức sử dụng đất tương tự của Công ty TNHH Một Thành viên Vườn Thú Hà Nội là Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với diện tích có mục đích công cộng không có mục đích kinh doanh; làm cơ sở cho việc điều chỉnh bổ sung Quyết định số 5918 ngày 04-12-2014 của UBND TP. UBND TP chỉ đạo các sở, ngành hướng dẫn, hỗ trợ Thảo Cầm Viên Sài Gòn hoàn thành thủ tục thực hiện các kiến nghị trên”, bà Giang đề xuất.

Đáng chú ý, sau khi dư luận lên tiếng và nhiều cơ quan báo chí phản ánh, trả lời bên lề kỳ họp lần thứ 20, HĐND TP.HCM khóa X (ngày 11/12/2024), Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã chia sẻ với báo chí về hướng giải quyết đối với việc Thảo Cầm Viên Sài Gòn nợ thuế gần 800 tỉ đồng.

Theo đó sẽ giao UBND TPHCM giao Sở TN&MT xem xét, rà soát lại quyết định giao đất, cho thuê đất. Trong đó, TP sẽ thu thuế đối với phần đất sử dụng phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, còn phần đất phục vụ mục đích công cộng cần tính toán lại cho phù hợp.

Cần xem lại hợp đồng thuê đất

Phân tích về những bất cập trong quản lý Nhà nước cũng như hợp đồng thuê đất đối với Thảo Cầm Viên Sài Gòn, TS Nguyễn Viết Thuận - Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho rằng: Căn cứ Điều 56, Điều 60 Luật Đất đai năm 2013 và Điều 120 Luật Đất đai năm 2024 (đã có hiệu lực) thì cả 2 Luật ở những thời điểm khác nhau nhưng đều quy định “đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh” thuộc trường hợp Nhà nước cho thuê đất, được lựa chọn thuê đất thu tiền một lần cho cả thời gian thuê hoặc thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm. Ngược lại, “đất sử dụng vào mục đích công cộng không nhằm mục đích kinh doanh” sẽ được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất"

Như vậy, vấn đề ở đây là phải xác định Thảo Cầm Viên Sài Gòn sử dụng đất có nhằm mục đích kinh doanh hay không để quyết định giao đất hoặc cho thuê đất cho phù hợp.

Còn nếu chiếu theo khoản 24 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 thì “kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả công đoạn của quá trình từ đầu tư, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận”. Nghĩa là, kinh doanh theo pháp luật doanh nghiệp phải hướng đến mục đích “tìm kiếm lợi nhuận”.

Cũng theo TS Thuận, thực tế cho thấy phần lớn diện tích đất của Thảo Cầm Viên dùng cho mục đích nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo tồn các loài động vật, duy tu và bảo tồn phát triển cây xanh, phục vụ cộng đồng, bảo đảm nhu cầu tham quan, học tập, giải trí cho người dân TPHCM, không hướng đến mục tiêu “tìm kiếm lợi nhuận”.

Do đó, nếu tách bạch được các phần diện tích sử dụng làm chuồng trại, cảnh quan công viên với chức năng bảo tồn và dịch vụ công cộng (không vì lợi nhuận) và diện tích đất dùng để kinh doanh dịch vụ (các điểm bán nước uống, thức ăn, đồ lưu niệm, khu trò chơi giải trí...) thì phần diện tích đất sử dụng không nhằm mục đích kinh doanh cần được giao đất không thu tiền sử dụng đất.

Chia sẻ về các giải pháp tháo gỡ, TS Thuận cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước có thể áp dụng quy định về “sử dụng đất kết hợp đa mục đích” cho Thảo Cầm Viên. Cụ thể, theo điểm b khoản 1 Điều 218 Luật Đất đai 2024 quy định sử dụng đất kết hợp đa mục đích là việc sử dụng một phần diện tích đất của mục đích sử dụng đất chính vào mục đích khác. Đơn cử ở đây mục đích chính là đất công cộng, kết hợp mục đích khác là kinh doanh thương mại dịch vụ. Tuy nhiên, diện tích đất sử dụng kết hợp vào các mục đích khác vẫn phải nộp tiền thuê đất hàng năm. Phương án này vẫn là không được miễn tiền thuê đất cho phần kinh doanh nhưng lúc này chỉ cần ra một quyết định giao đất không thu tiền cho toàn bộ diện tích đất (không phải ra quyết định cho thuê đất riêng). Mục đích sử dụng đất vẫn là đất công cộng, phần nào kết hợp kinh doanh thì đơn vị nộp tiền thuê hàng năm phần đó.

Thảo cầm viên Sài Gòn được xây dựng vào năm 1864 (đến nay đã tròn 160 tuổi). Đây là 1 trong 8 vườn thú cổ nhất trên thế giới.
Đến nay, Thảo cầm viên Sài Gòn đang nuôi dưỡng hơn 2.000 động vật thuộc 135 loài, trong đó có nhiều loài thuộc loại quý hiếm, như trĩ sao, chà vá, vượn má vàng, hươu vàng, báo lửa, báo gấm...
Tại đây cũng có hơn 2.500 cây xanh với hơn 900 loài thực vật được bảo tồn.

Bài và Ảnh: Hương Giang