Nghiên cứu - Trao đổi

Không nên đánh đồng ngưỡng nợ thuế bị tạm hoãn xuất cảnh

Khôi Nguyên 13/12/2024 04:30

Chuyên gia cho rằng, khi xác định ngưỡng nợ thuế để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh thì cần tuỳ từng trường hợp, không nên đánh đồng…

khong-nen-danh-dong-nguong-no-thue-bi-hoan-xuat-canh-2.jpg
Chuyên gia cho rằng, khi xác định ngưỡng nợ thuế để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh thì cần tuỳ từng trường hợp, không nên đánh đồng. Ảnh minh hoạ

Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đóng góp Dự thảo Nghị định quy định chi tiết khoản 9 Điều 6 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Thuế thu nhập cá nhân; Luật Dự trữ quốc gia; Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Trong đó, Ban soạn thảo đề xuất các trường hợp áp dụng ngưỡng nợ và thời gian nợ đối với các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh gồm: cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh có số tiền thuế nợ quá hạn trên 120 ngày từ 10 triệu đồng trở lên; cá nhân là người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thuộc trường hợp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế có số tiền thuế nợ quá hạn trên 120 ngày từ 100 triệu đồng trở lên.

Đề xuất mới này của Bộ Tài chính nhận được nhiều ý kiến trái chiều do chưa đưa ra căn cứ xác định ngưỡng nợ và thời gian nợ. Mặt khác, có ý kiến cho rằng cần xem xét các trường hợp nợ thuế do quá khó khăn nhưng cần xuất cảnh để tìm cơ hội kinh doanh.

Trao đổi với báo chí về nội dung này, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật S&B Law cho rằng, khi xác định ngưỡng nợ thuế để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh thì cần tuỳ từng trường hợp, không nên đánh đồng.

"10 triệu đối với cá nhân và 100 triệu đối với tổ chức, doanh nghiệp thì mức này cào bằng tất cả hộ kinh doanh, cá nhân và doanh nghiệp. Ví dụ một doanh nghiệp siêu nhỏ thì mức nợ thuế 100 triệu là lớn nhưng đối với doanh nghiệp nghìn tỷ thì mức nợ thuế 100 triệu đó là quá nhỏ. Và cá nhân cũng thế. Mà chúng ta biết rằng, bây giờ rất nhiều hộ kinh doanh và doanh nghiệp thì việc đưa ra mức như vậy mang tính chất cào bằng quá, mà cần đưa ra các ngưỡng khác nhau", luật sư Nguyễn Thanh Hà nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính – Ngân hàng (Trường Đại học Nguyễn Trãi) cũng cho rằng, việc quy định mức nợ thuế cố định 10 triệu đồng đối với cá nhân, hộ kinh doanh và 100 triệu đồng đối với doanh nghiệp có thể gây bất cập khi áp dụng cho các đối tượng có quy mô và năng lực khác nhau. Do đó, nên điều chỉnh theo doanh thu hoặc quy mô của từng nhóm đối tượng.

"Tôi cho rằng, mức 10 triệu với cá nhân và 100 triệu đối với doanh nghiệp như vậy sẽ không đảm bảo tính phân loại. Ví như đối với cá nhân, hộ kinh doanh do có quy mô, doanh thu khác nhau nên có thể chia theo nhóm doanh thu hộ kinh doanh cá thể.

Có thể nhóm dưới 1 tỷ đồng/năm là mức 10 triệu/năm; nhóm từ 1 tỷ đến 5 tỷ thì có thể mức 30 -50 triệu sẽ phù hợp hơn. Doanh nghiệp cũng vậy sẽ có những loại: doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp lớn… Như vậy sẽ phù hợp với quy mô và năng lực tài chính của mỗi cá nhân cũng như mỗi doanh nghiệp thì sẽ có tính phân loại và công bằng", ông Huy đề xuất.

Bên cạnh đó, ông Huy cũng cho rằng, cần xây dựng hệ thống cảnh báo sớm. Theo ông Huy, Bộ Tài chính nên triển khai công cụ thông báo tự động qua email, tin nhắn để cảnh báo các đối tượng nợ thuế trước khi áp dụng biện pháp cưỡng chế. Đồng thời, nên có chính sách hỗ trợ, miễn giảm hoặc giãn nợ thuế cho các cá nhân, doanh nghiệp gặp khó khăn bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh. Đặc biệt, cần công khai quy trình xác minh nợ thuế và áp dụng biện pháp cưỡng chế để tránh xảy ra sai sót hoặc hiểu nhầm, đảm bảo tính minh bạch.

khong-nen-danh-dong-nguong-no-thue-bi-hoan-xuat-canh-1.jpg
VCCI cho rằng, cần ưu tiên áp dụng biện pháp trích tiền từ tài khoản ngân hàng hoặc bên thứ ba khác, trước khi tính đến các biện pháp hạn chế quyền đi lại của người dân. Ảnh minh hoạ

Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng vừa có góp ý về ngưỡng nợ thuế và thời gian nợ đối với các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh. Cụ thể, về số tiền nợ thuế, nhiều doanh nghiệp phản ánh với VCCI rằng ngưỡng số tiền nợ thuế để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh được quy định tại điều 1 của dự thảo là 10 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với doanh nghiệp là quá thấp.

Hiện nay, để cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, cơ quan thuế có rất nhiều biện pháp như trích tiền từ tài khoản ngân hàng, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, kê biên và bán đấu giá tài sản…

Theo VCCI, cần ưu tiên áp dụng các biện pháp này, đặc biệt là biện pháp trích tiền từ tài khoản ngân hàng hoặc bên thứ ba khác, trước khi tính đến các biện pháp hạn chế quyền đi lại của người dân.

"Đa số trường hợp người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đi ra nước ngoài không phải để trốn tránh nghĩa vụ thuế mà là vì công việc giao dịch làm ăn với đối tác. Các giao dịch như vậy có thể giúp doanh nghiệp có doanh thu để từ đó có khả năng tiếp tục đóng thuế cho Nhà nước.

Nếu áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh trên phạm vi rộng có thể gây tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, gây thiệt hại về kinh tế nói chung và làm giảm số thu về dài hạn cho ngân sách", VCCI nêu rõ. Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc nâng ngưỡng số tiền nợ thuế để phải áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh lên mức 1 tỉ đồng đối với doanh nghiệp và 200 triệu đồng đối với cá nhân.

Trong nội dung góp ý, VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu cơ chế cho phép người bị tạm hoãn xuất cảnh được nộp thuế hoặc nộp một số tiền tạm ứng tương đương số thuế nợ ngay tại cửa khẩu. Ngoài ra, VCCI còn đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định theo hướng khi người nợ thuế đã nộp thuế thì biện pháp tạm hoãn xuất cảnh được dỡ bỏ ngay lập tức.

Theo phân tích của VCCI, dự thảo quy định về việc cơ quan thuế ban hành văn bản về việc tạm hoãn xuất cảnh gửi cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh. Tuy nhiên, dự thảo lại chưa có quy định về việc dỡ bỏ biện pháp tạm hoãn xuất cảnh. Đây có thể là khoảng trống pháp lý gây khó khăn trong quá trình áp dụng.

Khôi Nguyên