Thanh Hóa: Xây dựng văn hóa Doanh nghiệp để tạo động lực phát triển
Quan điểm “Doanh nghiệp phát triển, Thanh Hóa thịnh vượng” tỉnh Thanh Hóa luôn đồng hành cùng cộng đồng Doanh nghiệp và xây dựng văn hóa cũng là mục tiêu động lực của sự phát triển
Với Thanh Hóa, hành trình đi lên một “tỉnh kiểu mẫu” cũng mang đậm dấu ấn về sứ mệnh của cộng đồng doanh nghiệp. Từ nhiều năm nay, trong hoạch định chính sách, tỉnh Thanh luôn xác định: Lấy “doanh nghiệp phát triển” để làm động lực cho “Thanh Hóa thịnh vượng”. Chính vì vậy, xây dựng văn hóa doanh nghiệp có vai trò, vị trí quan trọng đối với sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp và của toàn xã hội.
Ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm và đánh giá cao vai trò của cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân, coi đây là lực lượng sản xuất vật chất chủ yếu của nền kinh tế, đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển quê hương, đất nước.
Với tỉnh Thanh Hóa, thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và quan điểm, chiến lược của Đảng, Nhà nước về xây dựng và phát triển đội ngũ DN, doanh nhân; trong suốt thời gian qua, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết, cơ chế, chính sách, đề ra nhiều biện pháp, giải pháp thiết thực, hiệu quả để phát triển DN, doanh nhân; đồng thời cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất trong khuôn khổ pháp luật để DN, doanh nhân trên địa bàn tỉnh yên tâm đầu tư, tổ chức sản xuất, kinh doanh, phát triển bền vững.
Thời gian qua, các doanh nghiệp Thanh Hóa rất quan tâm đến việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh và đạo đức doanh nhân, coi đây là chiếc cầu nối hữu hiệu để hội nhập và phát triển bền vững. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, mỗi doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ có cách làm khác nhau để xây dựng văn hóa doanh nghiệp, từ đó nâng cao sức cạnh tranh. Doanh nghiệp chỉ có thể tồn tại bền vững và làm ăn phát đạt khi khẳng định được uy tín, thương hiệu dựa trên chất lượng sản phẩm, dịch vụ mình cung ứng. Chất lượng sản phẩm, dịch vụ và sự cam kết bảo đảm chất lượng sản phẩm, dịch vụ, cộng với môi trường làm việc văn minh, chuyên nghiệp chính là những giá trị văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp.
Khẳng định về tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp, ông Đỗ Đình Hiệu, Giám đốc VCCI Thanh Hóa – Ninh Bình cho biết, xây dựng văn hóa doanh nghiệp đóng một vai trò hết sức quan trọng trong nâng cao năng lực cạnh tranh, khẳng định thương hiệu của doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp định hướng hành vi, thái độ và cách thức hoạt động của đơn vị. Có 3 mối quan hệ cơ bản trong văn hóa doanh nghiệp là cách ứng xử với đồng nghiệp, ứng xử với đối tác, khách hàng và ứng xử với thương hiệu. Tác động từ đại dịch Covid-19 ảnh hưởng kéo dài đã và đang khiến nhiều doanh nghiệp bị thiệt hại nghiêm trọng. Mặc dù vậy, theo các chuyên gia đánh giá, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp khẳng định giá trị phát triển bền vững bằng việc khởi tạo những giá trị mới, xây dựng văn hóa doanh nghiệ. Bởi văn hóa doanh nghiệp chính là sức mạnh để giúp doanh nghiệp có thể lớn mạnh, trưởng thành và vượt qua sóng gió.
Càng ngày, việc đầu tư cho văn hóa doanh nghiệp càng cho thấy ý nghĩa và tác động thiết thực đến sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó là yếu tố quyết định đến tinh thần, thái độ, động cơ lao động của các thành viên giúp DN trở thành một cộng đồng làm việc trên tinh thần hợp tác, tin cậy, gắn bó.
Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho biết, văn hóa doanh nghiệp được xem là tài sản cốt lõi, đóng vai trò quan trọng trong quá trình định hình và phát triển của mỗi doanh nghiệp. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chú trọng đến công tác xây dựng văn hóa doanh nghiệp, nhằm đáp ứng những yêu cầu khắt khe của đối tác và khách hàng, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Năm 2024, chuẩn bị khép lại, thêm một “nốt lặng” của chuỗi những khó khăn trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh kể từ sau khi dịch COVID-19 cho đến ảnh hưởng đến chiến tranh, tình hình bất ổn về chính trị trên thế giới. Song với tâm thế chủ động đương đầu, tự lực vượt khó và khát khao cống hiến, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân Thanh Hóa đã đồng hành cùng cơ quan chính quyền đoàn kết, năng động, bản lĩnh, tự lực tự cường vượt qua thách thức, nỗ lực phụng sự sự đổi mới và phát triển của quê hương.