Quyết sách “chiến lược” khơi thông nguồn lực kinh tế tư nhân
Nguồn lực từ kinh tế tư nhân đã vươn lên mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực then chốt, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP củng cố tăng cường tính tự chủ nguồn thu ngân sách tỉnh Thanh Hóa
Với quan điểm “Doanh nghiệp phát triển – Thanh Hóa thịnh vượng”, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa cam kết luôn sát cánh, đồng hành cùng cộng đồng Doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân khu vực kinh tế tư nhân trong mọi điều kiện, hoàn cảnh.
Khu vực kinh tế tư nhân Tại Thanh Hóa đã đóng góp phần lớn vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Doanh nghiệp tư nhân đóng góp cao GDP và vốn đầu tư toàn xã hội, tạo ra nhiều việc làm trong nền kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay còn nhiều yếu tố gây khó khăn, hạn chế vai trò động lực của kinh tế tư nhân, do đó tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện một số giải pháp chiến lược để khu vực kinh tế tư nhân thực sự trở thành nền tảng của mô hình phát triển kinh tế Thanh Hóa trong tình hình mới.
Phát huy nguồn lực
Nhằm xác định đúng đắn vai trò của kinh tế tư nhân và phát huy hiệu quả tiềm năng của nền kinh tế này trong quá trình xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, Thanh Hóa cần tập trung vào những giải pháp.
Ông Nguyễn Xuân Hưng, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Thanh Hóa cho biết, thực tế cho thấy, kinh tế tư nhân ngày càng chứng tỏ vai trò của nó, trở thành một khu vực kinh tế năng động để các khu vực kinh tế khác phấn đấu vươn lên, tự đổi mới, tự hoàn thiện và nâng cao hiệu quả trong nền kinh tế thị trường. Sự phát triển của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là sản phẩm gắn liền với chủ trương đúng đắn của Đảng về phát triển nền kinh tế nhiều thành phần.
Những thành tựu kinh tế quan trọng đạt được các giai đoạn đổi mới đất nước là bằng chứng sinh động, xác nhận một cách thuyết phục sự khởi sắc của nền kinh tế nói chung và triển vọng tiềm tàng của kinh tế tư nhân nói riêng. Bởi vậy, phát triển kinh tế tư nhân là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, lâu dài trong tiến trình xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây có thể coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công cuộc đổi mới của đất nước trong tình hình mới.
Tỉnh Thanh Hóa là một trong những địa phương được phê duyệt cơ chế, chính sách đặc thù. Đây chính là thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Trung ương đối với sự phát triển của Thanh Hóa, được kỳ vọng tạo nên dư địa, “đòn bẩy” để Thanh Hóa biến tiềm năng, lợi thế thành sức mạnh tổng hợp phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững, góp phần sớm hiện thực hóa mục tiêu trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa ông Đỗ Minh Tuấn cho biết từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, cùng với cả nước, tỉnh Thanh Hóa gặp không ít khó khăn, thách thức, song được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra.
Kinh tế của tỉnh tăng trưởng khá cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, năng lực sản xuất và quy mô nền kinh tế ngày càng tăng. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân hằng năm (giai đoạn 2021-2024) ước đạt 9,92%, trong đó năm 2024 ước đạt 11,72%, đứng thứ 2 cả nước. GRDP bình quân đầu người năm 2024 gấp 1,52 lần năm 2020. Giá trị xuất khẩu hàng hóa năm 2024 gấp 1,7 lần năm 2020. Tổng thu ngân sách năm 2024 cao nhất từ trước đến nay và đứng thứ 8 cả nước.
Thúc đẩy thành lập doanh nghiệp mới
Định hướng phát triển của tỉnh Thanh Hóa là đẩy mạnh phát triển toàn diện kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh, đảm bảo hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, góp phần phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững, nâng cao đời sống vật chất và mức hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân, đảm bảo quốc phòng, an ninh, sớm đưa Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới.
Giai đoạn 2021-2024 đã thành lập mới 14.643 doanh nghiệp, đứng thứ 7 cả nước. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 173 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký 15 tỷ USD, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và đứng thứ 8 cả nước về thu hút FDI. Tính đến 30/11/2024, toàn tỉnh Thanh Hóa thành lập mới 3.375 doanh nghiệp, vượt 12,5% kế hoạch tăng 11,1% so với cùng kỳ, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và thứ 8 cả nước. Có 862 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 4,4%; có 1.419 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 15,6%. Ước năm 2024, thành lập mới khoảng 3.500 doanh nghiệp, vượt 16,7% kế hoạch; việc tiếp doanh nghiệp định kỳ hằng tháng được duy trì. Phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác chuyển biến tích cực, có 60 hợp tác xã được thành lập, gấp 2,4 lần so với kế hoạch.
Trên hành trình phấn đấu trở thành cực tăng trưởng mới, xây dựng Thanh Hóa sớm thành tỉnh kiểu mẫu như lúc sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn,Thanh Hóa đã và đang không ngừng nỗ lực đổi mới tư duy, cách làm với tất cả tinh thần, nhiệt huyết, trách nhiệm cao nhất theo phương châm “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt”, “Trung ương mở đường, địa phương thúc đẩy, doanh nghiệp đồng hành, người dân tham gia”.