Nhiều doanh nghiệp trong nước biến áp lực thành động lực phát triển
Nhiều doanh nghiệp trong nước đã biến áp lực thành động lực phát triển, xây dựng thương hiệu Việt vươn tầm quốc gia và thế giới.
Đây là một trong những nhận định của ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên hàng Việt Nam” với những nỗ lực vươn lên lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Đáng chú ý, những năm qua, nhiều doanh nghiệp tư nhân trong nước đã xây dựng thành công thương hiệu cho sản phẩm, hàng hoá Việt Nam và trở thành niềm tự hào quốc gia. Không chỉ các doanh nghiệp trong một số ngành nghề mà Việt Nam có thế mạnh như nông nghiệp, không ít doanh nghiệp tư nhân đã đầu tư vào các ngành công nghệ cao, công nghiệp chế biến chế tạo… hình thành các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị, phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu, đóng góp cho ổn định, tăng trưởng kinh tế.
Trong chia sẻ của mình, ông Nguyễn Chí Dũng nhắc đến sự chuyển mình thành công của ngành tôm theo phương thức chăn nuôi hiện đại, công nghệ cao. Hiện nay, tôm đã trở thành một là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nền nông nghiệp với kim ngạch xuất khẩu dự kiến trong năm 2024 đạt khoảng 5 tỷ USD.
Có được kết quả trên, các doanh nghiệp Việt Nam đã từng bước làm chủ được công nghệ trong toàn bộ chuỗi giá trị ngành tôm. Đáng kể nhất là nỗ lực xây dựng thành công thương hiệu thức ăn tôm đầu tiên của người Việt để hoá giải “nỗi đau” phải phụ thuộc hoàn toàn vào doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực là thức ăn tôm. Vật tư này chiếm tới 50% giá thành sản xuất tôm.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: Các doanh nghiệp Việt đã biến áp lực thành động lực để ngày càng trở nên hoàn thiện hơn. Không nản chí dưới áp lực cạnh tranh gay gắt, thương hiệu Việt đã nỗ lực không ngừng nghỉ để cải tiến sản phẩm và dịch vụ khách hàng. Chính tinh thần bền bỉ đã giúp các thương hiệu này dần thay đổi nhận thức của người tiêu dùng, từ sự nghi ngờ sang lòng tin tưởng và tự hào về một thương hiệu Việt, phá vỡ định kiến về trình độ và năng lực của người Việt.
Những kết quả đạt được rất đáng ghi nhận, song những thách thức cũng còn nhiều. Đặc biệt, tư duy sính ngoại còn tồn tại trong một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng đã gây không ít khó khăn cho hàng Việt Nam trong việc mở rộng thị phần ngay trên sân nhà.
Về phía các doanh nghiệp chưa thực sự đổi mới sáng tạo để cung cấp sản phẩm chất lượng, có sức cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước. Vấn nạn hàng giả, hàng nhái chưa được kiểm soát cũng phần nào ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản vốn gặp nhiều bất lợi hơn khi điều kiện thiên nhiên không ưu đãi nhưng đã phát triển đất nước mạnh mẽ. Bí quyết cho sự thành công đó là dựa trên xây dựng các thương hiệu bản địa có chất lượng, uy tín và bền vững.
Người tiêu dùng ở các thị trường trên luôn ý thức trách nhiệm với đất nước, với Tổ quốc bằng cách ưu tiên lựa chọn các sản phẩm nội địa, góp phần tạo nên bước phát triển mạnh mẽ, tạo sức mạnh nội lực, đưa các quốc gia trên trở thành cường quốc. Cụ thể, người dân Hàn Quốc luôn chọn xe ô tô Huydai, Kia là ưu tiên hàng đầu hay các thương hiệu Toyota, Nissan tràn ngập trên đường phố Nhật Bản.
Từ minh chứng sinh động và kinh nghiệm quốc tế, để tiếp sức đưa hàng Việt Nam chiếm lĩnh thị trường trong nước và vươn ra thị trường thế giới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ: mỗi người Việt Nam hãy trở thành những “đại sứ hàng Việt”, ưu tiên sử dụng và quảng bá sản phẩm Việt Nam.
Về phía các doanh nghiệp, cần tiếp tục nỗ lực không ngừng để nâng cao năng lực cạnh tranh, cải tiến chất lượng sản phẩm; đầu tư vào công nghệ, đổi mới sáng tạo đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, cạnh tranh sòng phẳng với hàng hóa nước ngoài.
Bên cạnh đó, cần tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp và người tiêu dùng, tạo nên hệ sinh thái cùng phát triển, cùng hưởng lợi. Các doanh nghiệp cũng cần đầu tư mạnh mẽ hơn vào kênh phân phối, quảng bá sản phẩm để hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng, thực hiện các chính sách giảm giá thành, hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Về phía nhà nước, cần tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển bền vững. Với tư cách người tiêu dùng lớn nhất, cần tăng cường sử dụng hàng hóa nội địa khi thực hiện mua sắm công.