Trăn trở đưa du lịch cộng đồng Nghệ An phát triển
Mang lại giá trị bền vững cho du lịch cộng đồng, gắn với bản sắc văn hoá dân tộc đang là thách thức không nhỏ đối với các cấp chính quyền tỉnh Nghệ An.
Nghệ An là tỉnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ, có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước với hơn 16.000km2, dân số hơn 3,2 triệu người, bao gồm 6 dân tộc Kinh, Thái, Thổ, Hơ Mông, Khơ Mú, Ơ Đu sinh sống. Về địa thế, nơi đây được thiên nhiên ưu ái, ban tặng nhiều cảnh sắc nên thơ, núi rừng hùng vỹ cùng nền văn hoá bản địa phong phú và đặc sắc.
Chưa xứng với tiềm năng
Trao đổi với DĐDN, ông Nguyễn Hoàng Quang – Phó Phòng Kế hoạch phát triển tài nguyên du lịch, Sở Du lịch tỉnh Nghệ An cho biết: Hiện nay, địa phương đã xây dựng thành công nhiều mô hình du lịch cộng đồng, bảo tồn, gìn giữ bản sắc và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, thế mạnh về tài nguyên du lịch tự nhiên.
Các mô hình không chỉ tạo sự đa dạng sản phẩm du lịch, thu hút đông đảo du khách mà còn góp phần làm tăng sinh kế, cải thiện đời sống cho nhân dân địa phương.
Tuy nhiên, khi đánh giá chung về loại hình du lịch này, ông Nguyễn Hoàng Quang cũng bày tỏ những trăn trở: Trên thực tế, các địa điểm du lịch cộng đồng ở Nghệ An hiện vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định, đặt ra thách thức không nhỏ cho các cấp ngành, chính quyền địa phương.
Cụ thể, nhận thức về du lịch cộng đồng của người dân bản địa chưa thực sự đầy đủ, sâu sắc, dẫn đến việc thực hiện mô hình du lịch không mang lại hiệu quả cao nhất. Sự phối hợp giữa các cơ quan ban ngành với chính quyền, người dân địa phương, các công ty kinh doanh du lịch còn thiếu chặt chẽ, chưa nhịp nhàng, vẫn có sự trùng lặp, sao chép của các mô hình du lịch cộng đồng, khiến cho các điểm đến bị nhàm chán, không tạo được sức hấp dẫn, lôi cuốn du khách thập phương.Bên cạnh đó, vấn đề thu hút nguồn vốn xã hội hoá để xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hoá, các dịch vụ vui chơi, giải trí, thư giãn, nghỉ dưỡng ở những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa còn hạn chế. Việc đi lại gặp nhiều khó khăn, các mô hình mang tính tự phát, manh mún, nhỏ lẻ, chưa đồng bộ và đặc biệt là nguồn nhân lực phục vụ du lịch còn thiếu và yếu cả về chất lượng lẫn số lượng… đã gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng, hoạt động du lịch cộng đồng.
Còn nhiều điểm hạn chế
Tương tự, bà Vi Thị Thắm – Giám đốc Trung tâm Điều phối du lịch miền Tây Nghệ An nhận định: Trong bối cảnh liên kết vùng du lịch Bắc Trung Bộ, du lịch miền Tây Nghệ An sẽ góp phần không nhỏ cùng với du lịch Nghệ An tạo nên sản phẩm đặc trưng và khác biệt trong chuỗi liên kết này. Tuy nhiên, du lịch miền Tây xứ Nghệ còn nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt là khoảng cách các điểm đến với nhau khá xa; các điểm đến đang nhỏ lẻ. Do vậy, điều kiện cần đầu tiên là chủ các khu, điểm du lịch cần thay đổi tư duy và nâng cao nhận thức về kết nối.
“Với xu hướng hiện nay, du khách không chỉ tham quan 1 điểm mà muốn được trải nghiệm ở nhiều điểm với sản phẩm du lịch khác nhau. Các điểm đến kết nối có thể giúp nhau học hỏi, gắn kết, tăng cường mối đoàn kết cộng đồng. Từ đó, cùng tạo nên các tour tham quan hấp dẫn, đa dạng. Luôn luôn đặt lợi ích của khách hàng lên trên hết, có như vậy mới cùng nhau phát triển và thu hút được du khách” – bà Vi Thị Thắm cho biết.
Đi sâu vào từng mô hình cụ thể, đơn cử như Làng du lịch cộng đồng ở bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, ông Nguyễn Hùng Sơn – Phó Trưởng phòng Văn hoá và Thông tin huyện này cho hay: Hiện nay, bản Hoa Tiến có 9 homestay cộng đồng đủ điều kiện phục vụ du khách ăn, nghỉ và trải nghiệm. Tại đây, có bố trí đầy đủ các gian hàng bày bán sản phẩm truyền thống cùng nhiều dịch vụ du lịch trải nghiệm thực tế kèm theo như: Đi bè trên khe, suối đánh chài bắt cá, trải nghiệm nấu các mon ẩm thực Thái, nhuộm vải thổ cẩm, hái dâu cho tằm ăn, gói bánh sừng trâu, lam cơm…
“Tuy nhiên, với xu thế phát triển ngày càng hiện đại, đời sống người dân ngày càng được nâng lên, thay nhà sàn, nhà gỗ bằng nhà xây sẽ có nguy cơ phá vỡ không gian kiến trúc chung. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí để đầu tư khai thác nguồn tài nguyên du lịch còn hạn chế. Sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chất lượng dịch vụ chưa cao, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề của lao động ngành du lịch chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và quảng bá du lịch” – ông Nguyễn Hùng Sơn lo ngại nói.
Về giải pháp đưa du lịch cộng đồng Nghệ An phát triển bền vững, ông Nguyễn Hoàng Quang – Phó Phòng Kế hoạch phát triển tài nguyên du lịch, Sở Du lịch tỉnh Nghệ An cho biết: Thời gian tới, tập trung đầu tư nguồn lực, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ cho hoạt động du lịch cộng đồng; tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá xây dựng thương hiệu du lịch, phát triển thị trường và sản phẩm du lịch cho các điểm đến; chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ cho hoạt động du lịch cộng đồng... là những nhiệm vụ mà các cấp ngành, chính quyền tỉnh Nghệ An đề ra”.