Khởi nghiệp

FESTIVAL KHỞI NGHIỆP 2024: HACIN xử lý rác thải nhựa tại Việt Nam

Diễm Ngọc - Ảnh: Tuấn Ngọc 14/12/2024 11:08

Đến với vòng Chung kết Khởi nghiệp, nhóm dự án số 4 thuyết trình về mô hình xử lý rác thải nhựa mang tên HACIN có giá trị cao và tiềm năng lớn trong thị trường tín chỉ carbon.

Chương trình Phát triển dự án khởi nghiệp Quốc gia tiền thân là Cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia. Sau 21 năm thực hiện sứ mệnh "ươm mầm doanh nhân Việt", hôm nay phần chung kết sẽ lựa chọn ra quán quân cũng như các đội nhì, ba nhằm tìm kiếm, tôn vinh những dự án khởi nghiệp xuất sắc của các doanh nghiệp khởi nghiệp trên khắp mọi miền đất nước và tiếp tục đồng hành hỗ trợ các dự án trên những hành trình tiếp theo.

Ban Giám khảo vòng Chung kết gồm 5 thành viên, trong đó có những giám khảo là cố vấn và chuyên gia cao cấp về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong Hội đồng Cố vấn Khởi nghiệp ĐMST Quốc gia, đồng thời họ cũng là các doanh nhân có kinh nghiệm và thành công trong nhiều lĩnh vực và đã có nhiều kinh nghiệm trong việc cố vấn – hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp: TS. Đàm Quang Thắng - Chủ tịch Hội đồng Cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia (VSMA), Tổng Giám đốc Vườn ươm doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST The BizCare Space; Ông Dương Anh Tuấn - Phó TGĐ Công ty Cổ phần Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI; Ông Nguyễn Tiến Trung - Phó Chủ tịch Hội đồng VSMA - phụ trách khu vực miền Bắc, Chủ tịch HĐQT Công ty Kankyo Việt Nam; Ông Trương Thanh Hùng - Phó Chủ tịch Hội đồng VSMA phụ trách khu vực miền Trung, Giám đốc điều hành FiNNO Group; Ông Huỳnh Thanh Vạn - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn và hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP S Furniture...

Đến với vòng Chung kết Khởi nghiệp, nhóm dự án số 4 thuyết trình về mô hình xử lý rác thải nhựa tạo ra sản phẩm nhựa mang tên HACIN. Trưởng dự án chia sẻ, xuất phát từ phòng thí nghiệm trọng điểm của đại học Quốc gia HCM, tiền thân của dự án HACIN và nay là Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghệ HACIN mang đến các giải pháp đột phá và hiệu quả để xử lý vấn đề rác thải nhựa tại Việt Nam và Thái Lan, Indonesia, Singapore, Malaysia, Philippines...

duanhacinbienracthai1.jpg
Nhóm dự án số 4 thuyết trình về mô hình xử lý rác thải nhựa tạo ra sản phẩm nhựa mang tên HACIN

Sử dụng công nghệ dòng và giải pháp lọc nano trong khung từ trường, công nghệ của HACIN thu hồi được trọn vẹn toàn bộ nhựa chất lượng cao trong mọi nguồn chất thải với chi phí thấp. Đặc biệt, với ô nhiễm vi nhựa thì HACIN là một trong những nhà tiên phong trên thế giới có công nghệ để xử lý loại ô nhiễm này. Các giải pháp của HACIN cũng có giá trị cao và tiềm năng lớn trong thị trường tín chỉ carbon toàn cầu.

Với những lợi thế đang nắm giữ về công nghệ, HACIN có được chìa khóa của sự phát triển bền vững, cũng như sẽ đóng vai trò tiên phong trong các chương trình của Liên hiệp quốc về Hiệp ước Toàn cầu Chấm dứt ô nhiễm nhựa và Công ước Chống Biến đổi khí hậu.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, hàng năm thế giới thải ra khoảng 2 tỷ tấn rác, trong đó chỉ có 16% được tái chế, còn lại 14% đem đốt, 40% vùi lấp ở trong các hố chôn lấp và 33% thải ra ngoài môi trường, trong đó sông ngòi bị ô nhiễm nhiều nhất. Ngoài ra trong 2 tỷ tấn rác thì có tới 240 triệu tấn nhựa, mà tính riêng ở Đông Nam Á, thì Indonesia thải ra nhiều nhựa nhất tới 8,4 triệu tấn, Thái Lan đứng thứ hai và Việt Nam đứng thứ 3.

Một câu hỏi đặt ra lúc này là Chính phủ của các quốc gia Đông Nam Á làm gì với rác thải này? Tới năm 2050, nếu không có cơ chế, phương pháp xử lý hiệu quả thì các quốc gia Đông Nam Á và rất nhiều nước sẽ không còn chỗ để chôn rác.

phongmophongvatlieuroomzify1.jpg
Chung kết Chương trình Phát triển dự án Khởi nghiệp Quốc gia 2024

Vì vậy HACIN mang đến công nghệ giúp thu hồi lại nhựa trong rác thải và đây được coi là “mỏ vàng”, hiện công ty đang đăng ký bản quyền phát minh để được bảo hộ công nghệ trên toàn cầu.

Về khả năng tài chính, công ty hiện nay có vốn điều lệ 1 tỷ đồng, các thành viên sáng lập có thể đóng góp thêm 5 tỷ đồng và nhận được sự cam kết của các nhà đầu tư thiên thần tại Việt Nam là 3 tỷ đồng. Ngoài ra các nhà đầu tư thiên thần là những người thân trong gia đình tại Hoa Kỳ có thể đóng góp thêm 200.000 USD và một kênh gọi vốn nữa từ quốc tế bằng tiền ảo, dự kiến có thể thu được 80.000 USD.

“Hiện nay các quy định của châu Âu và Mỹ là trong tương lai sẽ phải có 30 - 50% nhựa tái chế trong sản phẩm nhựa lưu hành trên thị trường, vì vậy chúng tôi có thể xuất khẩu nhựa qua các quốc gia này.

Trong kế hoạch của HACIN, chúng tôi dự tính mỗi tỉnh của Việt Nam sẽ xây dựng từ 1 - 3 nhà máy, ngoài ra các quốc gia Đông Nam Á sẽ xây dựng một nhà máy để phục vụ việc lấy nhựa từ rác thải”, trưởng dự án chia sẻ.

Kết thúc phần thuyết trình, Ban giám khảo cũng đặt ra câu hỏi về doanh thu, lợi nhuận cũng như giải pháp và công nghệ của dự án. Nhóm phát triển dự án cho biết, hiện công ty đã xin giấy phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan chức năng, sau đó sẽ thu hồi rác để lấy hàm lượng nhựa trong rác và tạo ra hạt nhựa.

phongmophongvatlieuroomzify2.jpg
Kết thúc phần thuyết trình, Ban giám khảo cũng đặt ra câu hỏi đối với dự án

Ở Việt Nam công ty lớn nhất hiện nay làm được công nghệ này là nhà máy nhựa Duy Tân với công nghệ lấy nhựa để làm thành nhựa. Còn với HACIN không mất tiền mua nguyên liệu đầu vào mà lấy nhựa từ rác để tạo ra sản phẩm. Trên thế giới hiện nay có ba tổ chức làm được là HACIN, hai công ty khác ở Indonesia và Thụy Sĩ.

TS. Đàm Quang Thắng đặt câu hỏi doanh thu của dự án sẽ đến từ đâu? HACIN cho biết, công ty sẽ bán nhựa chất lượng cao được chế biến từ rác thải nhựa. Công nghệ của dự án là đưa toàn bộ rác thải vào dung môi để lấy nhựa mà không lấy thêm các vật chất khác, trong đó dung môi có thể tái sử dụng nhiều lần.

Đến với chương trình phát triển dự án khởi nghiệp quốc gia, HACIN mong muốn được tiếp sức từ các nhà đầu tư cho chuỗi các nhà máy HACIN-B tại một số tỉnh, thành trọng điểm tại Việt Nam. Ngoài ra, cũng muốn từ chương trình này, HACIN sẽ có cơ hội được các nhà đầu tư quốc tế và các cơ quan phát triển quốc tế của Hoa Kỳ, Châu Âu, Úc, Nhật Bản, Canada... đồng hành trong việc phát triển các nhà máy HACIN-A trên toàn cầu cho một giải pháp quốc tế về rác thải nhựa.

Sẽ có 2 Giải thưởng quốc tế được trao:

1) Người giành Giải thưởng North Star Asia 2025

a) Được phát vé máy bay khứ hồi (hạng phổ thông) từ quốc gia của người nhận giải thưởng đến Singapore nhận Giải thưởng North Star Asia 2025 (Singapore)

b) Được sử dụng một gian hàng khởi nghiệp để trưng bày tại North Star Asia 2025 (Singapore)

c) Tham gia vào Vòng Bán kết Supernova Challenge 2025 tại Expand North Star 2025 (giá trị giải thưởng 100.000 USD)

2) Người giành giải thưởng Expand North Star 2025

d) Được phát vé máy bay khứ hồi (hạng phổ thông) từ quốc gia của người nhận giải thưởng đến Dubai nhận Giải thưởng Expand North Star 2025 (Dubai, UAE)

e) Được sử dụng một gian hàng khởi nghiệp để trưng bày tại Expand North Star 2025 (Dubai, UAE)

f) Tham gia vào Vòng Bán Kết Supernova Challenge 2025 tại Expand North Star 2025 (giá trị giải thưởng 100.000 USD).

Diễm Ngọc - Ảnh: Tuấn Ngọc