PCI Hưng Yên – Không chỉ là cuộc đua thứ hạng
Trên “đường đua” PCI, tỉnh Hưng Yên xác định cải thiện thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch, hiệu quả là giá trị cốt lõi nhất.
Trong những năm qua, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đã trở thành một trong những thước đo quan trọng để đánh giá môi trường đầu tư, kinh doanh của các địa phương. Cuộc cạnh tranh để cải thiện thứ hạng PCI giữa các tỉnh, thành phố không chỉ phản ánh nỗ lực cải cách hành chính mà còn thể hiện quyết tâm tạo môi trường thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, nâng cao PCI không nên chỉ dừng lại ở cuộc đua thứ hạng mà cần chú trọng đến hiệu quả thực chất, mang lại lợi ích cụ thể và bền vững cho doanh nghiệp và người dân.
PCI - Thước đo hiệu quả quản lý
Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chỉ số PCI đánh giá năng lực quản lý, điều hành của chính quyền địa phương trên 10 lĩnh vực, như tính minh bạch, chi phí gia nhập thị trường, tính năng động của chính quyền và tiếp cận đất đai,… Kết quả PCI không chỉ là cơ sở để các tỉnh, thành phố nhìn nhận ưu nhược điểm của mình, mà còn là yếu tố quan trọng thu hút nhà đầu tư. Một địa phương có PCI cao thường tạo được niềm tin về một môi trường kinh doanh minh bạch, hiệu quả và ít rủi ro.
Tuy nhiên, việc cải thiện PCI không chỉ là việc tăng điểm số hoặc vị trí xếp hạng, mà cần hướng tới mục tiêu cốt lõi: Tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp và thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Đối với Hưng Yên, sự tăng trưởng ngoạn mục trong chỉ số PCI những năm qua đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ trong việc cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh. Từ một tỉnh có thứ hạng “khiêm tốn”, Hưng Yên đã vươn lên nhóm các địa phương có điểm số cao nhất, nhờ sự quyết tâm và nỗ lực không ngừng của chính quyền trong việc thực hiện các cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư minh bạch và thân thiện.
Sự bứt phá này ghi nhận từ năm 2021, khi Hưng Yên xếp thứ hạng 39/63. Đến năm 2022, tỉnh vươn lên vị trí thứ 14, tăng 25 bậc. Tiếp đó, năm 2023, Hưng Yên tiếp tục tăng 02 bậc trên bảng xếp hạng, đứng thứ 12/63 tỉnh/thành có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất cả nước.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn, các sáng kiến như đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, rút ngắn thời gian xử lý thủ tục đất đai và tổ chức đối thoại thường xuyên với doanh nghiệp đã giúp Hưng Yên ghi điểm trong mắt các nhà đầu tư. Đồng thời, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan chức năng và chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn đã mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp phát triển bền vững tại địa phương. “Thành công này không chỉ phản ánh nỗ lực của chính quyền mà còn cho thấy tiềm năng phát triển mạnh mẽ của Hưng Yên trong giai đoạn tới” Chủ tịch Trần Quốc Văn nhấn mạnh.
Cải thiện thực chất, hiệu quả
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hưng Yên, nâng cao PCI cần bắt đầu từ những cải cách thực sự trong môi trường đầu tư và kinh doanh. Điều này bao gồm việc giảm thủ tục hành chính rườm rà, minh bạch hóa thông tin quy hoạch, đơn giản hóa quy trình tiếp cận đất đai và nguồn vốn, đồng thời nâng cao chất lượng giải quyết các vấn đề pháp lý cho doanh nghiệp. Một môi trường kinh doanh tốt không chỉ là nơi doanh nghiệp dễ dàng khởi sự mà còn là nơi họ có thể phát triển lâu dài.
Để nâng cao PCI một cách hiệu quả, việc lắng nghe ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp là điều kiện tiên quyết. Chính quyền tỉnh Hưng Yên thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại, gặp gỡ doanh nghiệp để nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động. Những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp đã được lãnh đạo tỉnh cầu thị, lắng nghe và chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành liên quan trả lời, giải quyết dứt điểm cho doanh nghiệp.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Kiền, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hưng Yên cho biết, thời gian qua, Sở luôn nỗ lực để cải thiện và nâng cao chỉ số “Tiếp cận đất đai”, góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.
Để đạt được điều này, Sở đã tập trung vào việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết các hồ sơ liên quan đến đất đai, từ đó giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Đồng thời, Sở đẩy mạnh công khai, minh bạch thông tin quy hoạch và giá đất qua các nền tảng trực tuyến, giúp doanh nghiệp dễ dàng tra cứu và tiếp cận thông tin. Lãnh đạo Sở thường xuyên gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Nhờ những nỗ lực này, Sở Tài nguyên và Môi trường Hưng Yên không chỉ cải thiện điểm số tiếp cận đất đai trong chỉ số PCI mà còn khẳng định cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Còn theo ông Vũ Quốc Nghị, Trưởng ban Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên, việc nâng cao PCI không chỉ là nhiệm vụ của chính quyền địa phương, mà rất cần sự chung tay của toàn xã hội. Các hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và cả người dân đều đóng vai trò quan trọng trong việc phản ánh, giám sát và đóng góp ý kiến để chính quyền ngày càng hoàn thiện hơn.
Hơn nữa, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh còn phụ thuộc vào ý thức trách nhiệm của chính doanh nghiệp trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư, kinh doanh.
Là chủ đầu tư cụm công nghiệp Ngô Quyền, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, ông Nguyễn Văn Thịnh, Giám đốc công ty TNHH đầu tư hạ tầng ALS cho rằng, chính quyền tỉnh Hưng Yên cần có tầm nhìn dài hạn cho phát triển bền vững. PCI không nên chỉ là một mục tiêu ngắn hạn để đạt được thứ hạng cao mà cần được nhìn nhận như một công cụ đo lường để cải thiện thực chất môi trường đầu tư. Chính quyền cần có tầm nhìn dài hạn trong việc xây dựng các chính sách kinh tế, chú trọng đến phát triển bền vững và bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp và người lao động.
Một địa phương có môi trường đầu tư lý tưởng không phải là nơi có chỉ số PCI cao nhất, mà là nơi doanh nghiệp cảm thấy được hỗ trợ và có cơ hội phát triển bền vững nhất. Khi đó, PCI sẽ thực sự trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội toàn diện.
Nhìn chung, nâng cao PCI không chỉ đơn thuần là cuộc đua thứ hạng mà cần đặt trọng tâm vào hiệu quả thực chất, tạo ra những thay đổi cụ thể và tích cực trong môi trường kinh doanh. Đây chính là con đường đúng đắn để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế và mang lại lợi ích lâu dài cho cả doanh nghiệp lẫn người dân.