Kinh tế

Động thổ tuyến cao tốc TP HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành đoạn qua Bình Phước

Lê Mỹ 14/12/2024 12:07

Sáng ngày 14/12, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng đoàn đại biểu Trung ương đã tham dự lễ động thổ tuyến cao tốc TP HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành đoạn qua Bình Phước.

Đồng thời công bố giai đoạn 2 của Khu công nghiệp Becamex – Bình Phước tại phường Minh Thành, thị xã Chơn Thành.

Trao QĐ
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước được tổ chức tại Bình Phước ngày 14/12

Chuỗi hoạt động nằm trong sự kiện lớn công bố Quy hoạch điều chỉnh tỉnh Bình Phước theo Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 24/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 24/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tỉnh.

bp.jpg
Lễ Động thổ tuyến cao tốc TP HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành đoạn qua Bình Phước

Dự án cao tốc TP HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành là một phần quan trọng trong trục giao thông Bắc – Nam, kết nối Bình Dương và Bình Phước với các tuyến đường huyết mạch như Vành đai 2, 3, 4 TP HCM, cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành, các sân bay và cảng biển lớn. Tuyến đường được kỳ vọng không chỉ giảm tải giao thông mà còn tăng cường giao thương, phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.

Đoạn cao tốc qua Bình Dương dài hơn 52 km, trong đó khoảng 6,5 km giữ nguyên hiện trạng, còn lại 45,6 km được xây dựng mới. Điểm đầu tuyến giao với Vành đai 3 TP HCM tại TP Thuận An, điểm cuối tại ranh giới Bình Dương – Bình Phước. Tại Bình Phước, tuyến đi qua địa bàn dài gần 7 km với tổng kinh phí đầu tư 1.474 tỉ đồng, gồm 1.000 tỉ từ ngân sách Trung ương và phần còn lại từ ngân sách địa phương.

Giai đoạn 1 của dự án sẽ xây dựng tuyến cao tốc 4 làn xe, bề rộng nền đường 25,5 m, tốc độ thiết kế 100 km/h, kèm làn dừng khẩn cấp. Khi hoàn thiện, tuyến cao tốc sẽ mở rộng lên 6 làn xe. Toàn tuyến bao gồm 4 nút giao liên thông, 2 điểm ra vào, 26 cây cầu và các hầm chui đảm bảo lưu thông dân sinh.

Dự án được triển khai theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT, với sự cam kết về nguồn vốn ngân sách địa phương. Đây là minh chứng cho sự hợp tác chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương nhằm phát triển hệ thống hạ tầng giao thông bền vững, hiện đại.

haohua.jpg
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tham dự lễ khánh thành giai đoạn 1 nhà máy sản xuất lốp ô tô tại Khu công nghiệp Minh Hưng – Sikico - dự án vốn nước ngoài lớn nhất tỉnh

Cũng trong sáng 14/12, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tham dự lễ khánh thành giai đoạn 1 nhà máy sản xuất lốp ô tô tại Khu công nghiệp Minh Hưng – Sikico (xã Đồng Nơ, huyện Hớn Quản). Dự án, do Tập đoàn HaoHua đầu tư, có tổng vốn 500 triệu USD, trở thành dự án nước ngoài lớn nhất tại Bình Phước.

Nhà máy dự kiến đạt công suất 14,4 triệu bộ lốp mỗi năm, gồm 2,4 triệu bộ lốp radial toàn thép không săm và 12 triệu bộ lốp radial bán thép. Tổng giá trị sản lượng hằng năm lên đến 770 triệu USD. Dự án không chỉ tạo việc làm cho hơn 1.600 lao động mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội và môi trường kinh doanh của khu vực.

Theo Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, Bình Phước đặt mục tiêu đến 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, là “điểm đến hấp dẫn” của Vùng Đông Nam Bộ, có quy mô kinh tế khá dựa trên xây dựng đồng bộ nền tảng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, phát triển các cụm ngành có tiềm năng tạo nhiều việc làm có thu nhập và nguồn thu ngân sách.

Nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân; tăng cường kết nối vùng thông qua phát triển hệ thống hạ tầng trọng yếu; hoàn thành chính quyền điện tử, từng bước chuyển dần sang chính quyền số; đảm bảo quốc phòng - an ninh vững chắc; xây dựng tổ chức Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.

Tầm nhìn đến năm 2050: Phấn đấu xây dựng Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển giàu mạnh, văn minh, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của Vùng Đông Nam Bộ, tương đương các tỉnh có trình độ phát triển khá của cả nước.

Không gian phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn; xây dựng đô thị theo hướng sinh thái, hiện đại và bền vững; xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, văn minh; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, dân tộc; con người phát triển toàn diện, môi trường sống trong lành.

Lê Mỹ