Cơ cấu lại nợ để hỗ trợ tăng trưởng
Việc ban hành Thông tư mới về cơ cấu lại nợ bị tác động do bão số 3 (Yagi) hay kỳ vọng gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN sẽ góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
DĐDN đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Hoàng Phương, Chuyên gia tài chính, xung quanh vấn đề này.
- Thị trường vừa đón Thông tư số 53/2024/TT-NHNN quy định về việc các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng gặp khó khăn do của bão số 3. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1510/QĐ-TTg về phân loại tài sản có, mức trích lập dự phòng rủi ro, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro đối với khoản nợ của khách hàng gặp khó khăn do bão số 3. Ông có đánh gì về tính thời điểm và kỳ vọng tác động của các Quyết định, Thông tư?
Có thể nói sau thời gian đốc thúc, rà soát và đánh giá thiệt hại của bão, các văn bản vừa ban hành đã tạo khung pháp lý hết sức cụ thể để hướng dẫn các TCTD triển khai cơ cấu lại nợ bị ảnh hưởng do bão. Khi việc cơ cấu lại các khoản nợ bị ảnh hưởng do bão được các TCTD triển khai cho đến hết 2025 như quy định, cũng như các TCTD được cơ cấu lại nợ nhiều lần không giới hạn, thì những khách hàng đã có dư nợ vay theo điều kiện bị ảnh hưởng trước đó, sẽ có thuận lợi lớn trong giảm áp lực thanh toán nợ đúng tiến độ hợp đồng, đồng thời có điều kiện tiếp cận vốn vay mới.
Từ phía các ngân hàng, họ cũng sẽ thuận lợi hơn trong trích lập dự phòng cho các khoản dư nợ được cơ cấu lại theo quy định, thúc đẩy giải ngân vốn mới hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và mở rộng dư nợ, tăng trưởng tín dụng. Mục tiêu của tăng trưởng tín dụng năm nay 15%, và theo dự báo của nhiều tổ chức, NHNN có thể sẽ tiếp tục giữ mức tăng trưởng tín dụng tương đương để hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng GDP cao như chỉ tiêu dự kiến, cũng sẽ thuận lợi hơn với các Quyết định, Thông tư như đã nêu.
Như vậy, với Thông tư 53/2024/NHNN có nội hàm quy định khu biệt theo khu vực - tập trung vào 26 tỉnh, thành phố phía Bắc gặp thiệt hại trong bão số 3 là hoàn toàn hợp lý. Trong đó, Thông tư 53/2024/NHNN quy định các khoản nợ được cơ cấu có nghĩa vụ trả gốc/lãi từ 07/09/2024 đến cuối 2025 và không quy định số lần cơ cấu với mỗi khoản nợ là một khoản thời gian dài và tạo điều kiện rất lớn cho cá nhân, doanh nghiệp khu vực bị ảnh hưởng có thời gian đủ hoặc dư để khôi phục cuộc sống, kinh doanh.
Theo tôi, Thông tư 53/2024/NHNN đã được NHNN rút kinh nghiệm ở các lần ban hành, gia hạn về cơ cấu nợ trước đây, nên cho thời gian đủ dài và điều kiện đủ tốt cho hoạt động tái cơ cấu, tránh việc phải đánh giá và gia hạn nhiều lần.
- Với Thông tư 02/2023/NHNN và Thông tư 06/2024/NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 02/2023/NHNN, một số các tổ chức, đặc biệt đại diện liên quan thị trường bất động sản từng kiến nghị cần gia hạn tiếp Thông tư 02/2023/NHNN ít nhất đến hết 30/6/2025 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Quan điểm của ông như thế nào?
Việc tiếp tục gia hạn Thông tư 02/2023/NHNN là cần xem xét rất kỹ, có thể không cần gia hạn vì các khoản nợ cơ cấu theo Thông tư này là các khoản nợ mà thời gian trả gốc/lãi đến hết ngày 30/06/2024. Do đó, các khoản nợ được cơ cấu trước thời điểm 30/06/2024 đã hỗ trợ các doanh nghiệp khó khăn được giữ nguyên nhóm nợ, giãn cách thời gian trả nợ để tiếp tục sản xuất kinh doanh. Với thời điểm từ 01/07/2024 thì kinh tế đã phục hồi tốt hơn và thực sự các doanh nghiệp tiếp tục cần cơ cấu có khả năng cao là các doanh nghiệp có sức khỏe tài chính rất nghiêm trọng. Việc kéo dài thời hạn cơ cấu lại các khoản nợ sau thời gian này (nếu ngoài các khoản hỗ trợ do thiên tai) sẽ không có nhiều ý nghĩa và không đúng mục đích nữa, các ngân hàng có thể sử dụng cơ cấu cho nhiều khoản vay khác.
Việc không kéo dài Thông tư 02/2023/NHNN có thể khiến các ngân hàng khó khăn nhất định nhưng lại giúp minh bạch hóa chất lượng tài sản của các ngân hàng. Với các doanh nghiệp mà khoản nợ phát sinh nghĩa vụ trả gốc/lãi sau ngày 30/06/2024 thì rõ ràng không phải tác động trực tiếp từ các khó khăn trước đây mà là dấu hiệu của việc không phục hồi được và cần phản ánh.
Với nhóm ngành bất động sản, đây là ngành này bắt đầu phân hóa, rất nhiều doanh nghiệp tốt/lành mạnh đều đã tái cấu trúc nợ hoặc thậm chí giảm mạnh nợ vay. Do đó, việc không gia hạn tiếp Thông tư 02/2023/NHNN khó tác động mạnh đến cả ngành mà sẽ tác động chủ yếu đến các doanh nghiệp thật sự có vấn đề trung hạn.
- Tuy vậy, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao và tăng trưởng GDP cao cho năm tới, trong khi nợ xấu của các ngân hàng và áp lực trích lập dự phòng khá căng, việc gia hạn thêm Thông tư 02/2023/NHNN sẽ mang lợi ích lớn nếu nhìn chung cho tổng thể, thưa ông?
Xem xét về tổng thể, với chính sách hỗ trợ kinh tế mạnh mẽ mà Việt Nam đang thực hiện nhằm phục hồi kinh tế và tạo đà tăng trưởng bứt phá, đặc biệt là kinh tế nội địa, như đề cập ở trên, Thông tư 02/2023/NHNN cũng có thể được xem xét.
Về lý thuyết, tiếp tục tái cơ cấu lại nợ sẽ giúp tạo điều kiện hơn nữa cho nền kinh tế phục hồi, đặc biệt giúp các ngân hàng "kéo dài" gánh nặng trích lập rủi ro. Lưu ý tính đến cuối quý 3/2024, dư nợ cơ cấu theo Thông tư 02/2023/NHNN chỉ còn tập trung ở một số ngân hàng tư nhân. Nhóm này có 1 vài TCTD đang gặp các vấn đề gồm: Áp lực trích lập dự phòng rủi ro và chất lượng tài sản suy giảm nếu Thông tư 02/2023/NHNN không được gia hạn; cơ hội để tăng trưởng tín dụng thấp hơn bao gồm cả vốn huy động tăng, áp lực thanh khoản ngắn hạn lẫn dư địa cho vay các khách hàng lớn bị “kẹt” nếu không được khoanh, giãn nợ vay trung hạn cũ.
Kết hợp với Thông tư 53/2024/NHNN về cơ cấu nợ do ảnh hưởng bão số 3, tôi cho rằng mang đến hiệu ứng kép, giúp tạo điều kiện cho các cấu phần kinh tế nội địa hồi phục mạnh hơn trong năm 2025 và hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao do Chính phủ đặt ra.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Thông tư 53/2024/NHNN đã được NHNN rút kinh nghiệm, nên cho thời gian đủ dài và điều kiện đủ tốt cho hoạt động tái cơ cấu, tránh việc phải đánh giá và gia hạn nhiều lần.