Thuế quan Mỹ khiến nhiều doanh nghiệp ở Trung Quốc "lao đao"
Thuế quan Mỹ khiến nhiều doanh nghiệp Trung Quốc phải di dời hoạt động hoặc tái cấu trúc chuỗi cung ứng.
Khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đe dọa tăng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, các doanh nghiệp có quy mô nhỏ đang vận hành các nhà máy tại quốc gia này vô cùng lo ngại về hậu quả tiềm tàng.
Nhiều doanh nghiệp cho biết họ không thấy lối thoát vì việc di dời hoạt động hoặc tái cấu trúc chuỗi cung ứng vẫn là những thách thức tốn kém và phức tạp.
Theo SCMP, có một nhà sản xuất cọ trang điểm cỡ trung của Hàn Quốc đã vận hành một nhà máy ở miền Bắc Trung Quốc từ năm 1997 và xuất khẩu sản phẩm trên toàn thế giới. Họ lo ngại rằng mức thuế mà ông Trump đe dọa có thể khiến hầu hết người mua tìm kiếm nguồn cung ứng khác ở bên ngoài Trung Quốc hoặc yêu cầu Trung Quốc chia sẻ chi phí thuế quan hoặc giảm giá sản phẩm cho phù hợp.
Doanh nhân Miyun Byun cho biết trên SCMP rằng việc chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài cũng không phải là một lựa chọn khả thi. "Nếu chúng tôi chuyển đến một quốc gia khác, chúng tôi có thể sẽ mất nhiều thời gian để thiết lập hoạt động ổn định trước khi nhiệm kỳ của Tổng thống Trump kết thúc", bà cho biết.
Giống như nhiều ngành công nghiệp thâm dụng lao động khác, chuỗi cung ứng sản xuất các vật dụng trang điểm toàn cầu đã tập trung cao độ ở Trung Quốc trong nhiều thập kỷ, đặc biệt là ở Thương Châu, một thành phố ở tỉnh Hà Bắc.
Bất ổn chính trị, thiếu cơ sở hạ tầng và nguy cơ chuỗi cung ứng bị phá vỡ khi không có nguyên liệu thô hoặc cơ sở vật chất là những rào cản ở các quốc gia trong khu vực Nam Á và Đông Nam Á, mặc dù chi phí lao động ở những nước này thấp.
Với chi phí lao động ở các quốc gia có thu nhập cao, Trung Quốc vẫn là nước thống trị về sản xuất công cụ mỹ phẩm và sẽ không dễ dàng để bất kỳ doanh nghiệp nhỏ nào trong lĩnh vực này chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc trong hoàn cảnh hiện tại.
Ông Arthur Kroeber, đối tác sáng lập của Gavekal Dragonomics, một công ty nghiên cứu kinh tế tập trung vào Trung Quốc, cho biết các công ty nước ngoài có quy mô nhỏ hoạt động tại Trung Quốc có thể cảm thấy như thể họ đang bơi ngược dòng.
“Nếu doanh nghiệp đủ lớn, họ có thể xử lý việc căng thẳng thương mại khi có thể di chuyển mọi thứ sang khu vực xung quanh, nhưng tôi không nghĩ có giải pháp tốt nào cho những công ty nhỏ hơn ngoài việc họ phải ẩn náu hoặc tìm cách chuyển hoạt động sang Việt Nam”, Kroeber cho biết.
Chuyên gia này cho biết thêm, các công ty Mỹ vừa và nhỏ hoạt động tại Trung Quốc có các kênh như hiệp hội doanh nghiệp để có thể vận động Nhà Trắng nếu có hậu quả không lường trước được ở Mỹ nhưng với các công ty không phải của Mỹ thì sẽ rơi vào tình cảnh khốn khó vì ông Trump không quan tâm đến họ.
Ông Park Kihwan, giám đốc điều hành một công ty nhỏ của Hàn Quốc lấy nguồn nguyên liệu may mặc từ Trung Quốc, cho biết hoạt động kinh doanh của ông có thể bị ảnh hưởng nếu thuế quan của ông Trump mở rộng sang nguyên liệu thô dẫn đến chi phí tăng.
Nếu thuế quan áp dụng cho các quốc gia giao dịch với Trung Quốc, điều đó cũng sẽ gây ra thách thức cho những người bán cuối như ông. Nhiều chủ doanh nghiệp giống như ông Park đã chuyển từ Trung Quốc sang các quốc gia như Việt Nam, Bangladesh và Myanmar.
Nhưng thực tế là những tiến bộ về công nghệ mới dịch chuyển từ Nhật Bản đến Hàn Quốc và sau đó là Trung Quốc, nơi cơ sở hạ tầng chỉ mới hoàn thiện gần đây.
“Việc chuyển hoạt động sang các nước thứ ba như Myanmar vẫn cần thời gian. Với các công nghệ tiên tiến mới bắt đầu bén rễ ở Trung Quốc,… các nước Đông Nam Á vẫn chưa sẵn sàng để sao chép các khả năng này”, ông Park nói.
Bất ổn chính trị ở các quốc gia như Myanmar hay Bangladesh cũng khiến việc áp dụng các công nghệ mới trở nên rủi ro. Một số doanh nghiệp đang chuyển sang các nước thứ ba do áp lực từ Mỹ. Tuy nhiên, với tình hình khó lường hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp nước ngoài có quy mô nhỏ tại Trung Quốc đều đồng thuận rằng, chiến lược khả thi duy nhất với các doanh nghiệp là thích nghi và ứng phó khi tình hình diễn ra.